25/10/2003 09:02 GMT+7

Kỳ 2: Mối liên minh ma quỉ Johnson - Hoover

NGUYỄN QUÂN (Theo Paris Match, Le Figaro)
NGUYỄN QUÂN (Theo Paris Match, Le Figaro)

TT - Các đại gia dầu mỏ - vũ khí ở Texas đã quyết định ra tay hạ sát JFK khi tổng thống Mỹ động chạm đến quyền lợi của họ. 300 triệu USD mỗi năm là cái giá quá lớn để phải tính sổ một con người, dù người đó có là tổng thống đi nữa.

Giám đốc FBI lớn quyền hơn tổng thống

Tiết lộ mới về vụ ám sát Tổng thống John Fitzgerald Kennedy

9JFKksqT.jpgPhóng to
Bữa ăn sáng cuối cùng của JFK tại Fort Worth trước khi ra máy bay đi Dallas. Bà Jakie vẫn còn vui vẻ chuyện trò với LBJ
TT - Các đại gia dầu mỏ - vũ khí ở Texas đã quyết định ra tay hạ sát JFK khi tổng thống Mỹ động chạm đến quyền lợi của họ. 300 triệu USD mỗi năm là cái giá quá lớn để phải tính sổ một con người, dù người đó có là tổng thống đi nữa.

Giám đốc FBI lớn quyền hơn tổng thống

Ở nước Mỹ thời sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhân vật nhiều thế lực nhất không phải là tổng thống mà chính là John Edgar Hoover, giám đốc FBI. Trong những năm 1950-1960, các đại gia ở Texas kiểm soát hoạt động sản xuất và buôn lậu phim con heo và các sòng bạc đánh cược lớn. Trong thời gian làm lãnh đạo FBI, Hoover đã rất nhiều lần “công du” đến Texas. Một trong những món quà đắt giá của Clint Murchinson, một tỉ phú tại Dallas, dành cho Hoover là cổ phần trong một giếng khai thác dầu. Điều đó có thể giải thích vì sao cuộc điều tra của FBI nhanh chóng thiên về tên sát nhân duy nhất Lee H. Oswald, kẻ sau đó cũng không thể khai báo được gì vì bị tên chủ quán rượu Jack Ruby bắn chết chỉ hai ngày sau vụ ám sát, ngay tại một đồn cảnh sát.

Trong quan hệ với Lyndon Baines Johnson, vốn gần gũi về tính cách và quyền lợi, lại là láng giềng của nhau trong khu cư trú ở Washington nên Hoover và Johnson nhanh chóng nhận ra rằng cần liên kết chặt chẽ với nhau. Theo lời Billie, mối liên kết giữa hai nhân vật ấy càng bền chặt do việc hai người rất ham tiền. Ngoài ra, cả hai còn có chung sở thích bệnh hoạn là những thứ đồ khiêu dâm. Billie giải thích: “Johnson và Hoover vừa cần đến nhau vừa căm ghét nhau. Mỗi bên đều tìm cách thu thập hồ sơ về những sai trái của phía bên kia để dùng chúng như đòn thủ cho một ngày cần thiết. Hoover nắm được Johnson ở chỗ ông này có những hoạt động phi pháp và sở thích tình dục khiêu dâm. Johnson thì nắm Hoover ở mỗi một điểm yếu: giám đốc FBI thích đàn ông”. Khi Johnson được bầu làm tổng thống năm 1964, bên Dân chủ gây sức ép để ông ta phế bỏ Hoover già cỗi (65 tuổi). Thế nhưng Johnson đã thay đổi luật để giữ cho Hoover trở thành công chức suốt đời của chính phủ. Billie giải thích: “Lyndon đã giải thích về quyết định giữ Hoover bằng câu như sau: ‘Tôi thà giữ hắn ta trong sân mình để đái ra phía ngoài còn hơn là tống hắn ra ngoài để rồi hắn đái vào sân tôi”.

Quĩ đen của LBJ

Theo giấy tờ lưu về việc rút tiền của Công ty Billie Sol Estes, việc rút tiền diễn ra cấp tập từ năm 1959 và kéo dài trong suốt năm 1960. Những khoản tiền do chính Billie rút (có khi vượt quá nửa triệu USD) thường xảy ra ngay trước ngày nhà tỉ phú này đi Washington. Theo lời Billie, khi ấy L.B. Johnson, thủ lĩnh phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, là một trong những ứng viên sáng giá cho chức vụ tổng thống. Billie nhận được lời kêu gọi trợ giúp từ chính miệng Johnson và sau đó chính Cliff Carter - cố vấn chiến lược của LBJ - đã yêu cầu nhà tỉ phú tìm cách vận động thật nhiều tiền cho quĩ bí mật của Johnson. “Lúc đó tôi bắt đầu gom góp và cất giấu hàng trăm ngàn đôla tiền mặt ở khắp ngóc ngách. Có lúc những ô chứa hòm trong công ty mai táng của tôi hệt như một ngân hàng Thụy Sĩ. Phần lớn số tiền này là từ bán phân bón hóa học” - Billie nhớ lại.

Thế rồi Johnson lại phải đối đầu với một đối thủ đáng gờm ngay trong nội bộ đảng Dân chủ của mình: John Fitzgerald Kennedy. JFK được lòng cả trong nội bộ đảng lẫn trong công luận.

Kỳ bầu cử 1964 càng đến gần thì cả hai phe ứng cử trong đảng Dân chủ càng lo lắng. Hay tin Robert Kennedy muốn khai thác Billie, Johnson đòi phải nói chuyện tay đôi với Estes. Ngày 28-4-1962, Billie được triệu gấp đến chiếc chuyên cơ Air Force Two. Cuộc gặp bí mật của họ kéo dài hơn một giờ. Billie nhớ lại: “Thoạt tiên chúng tôi đề cập các vấn đề luật pháp liên quan đến tôi. Nhưng đó chỉ là phần mào đầu bởi vì trên thực tế Johnson muốn tôi cung cấp cho ông ta danh sách những người biết về mối quan hệ giữa chúng tôi. Ông ta khuyên tôi nên chuẩn bị tinh thần ra tòa và đấu tranh đến cùng. Mọi thứ rồi sẽ được dàn xếp ổn thỏa.” (Billie Estes sau đó bị án 15 năm tù ngồi). Hồ sơ về sự hiện diện của chiếc Air Force Two ở phi trường Midland ngày hôm đó sau đó đã bị thu giữ và được bảo vệ bằng dấu tuyệt mật. Đến năm 1964, lại có một quan chức ra lệnh hủy bỏ hồ sơ hàng không này. Lệnh đương nhiên được ban ra từ cấp cao nhất là Nhà Trắng.

JFK muốn thay LBJ

b984CB4P.jpgPhóng to
Tỷ phú Sol Estes nay đã sạt nghiệp. Ông vẫn chưa dám công bố cuốn băng ghi âm của mình vì sợ bị trả thù
Trong cách tính toán của phe Kennedy thì họ chấp nhận hi sinh sự ủng hộ của bang Texas để lấy phiếu từ các khu vực khác. Họ làm một cách rất đơn giản là đánh ngay vào những ân sủng mà các đại gia Texas đang được hưởng và số đông dân chúng thì phản đối. Tổng thống JFK bắt đầu xem lại cách phân bổ hợp đồng sản xuất vũ khí mà lâu nay đương nhiên chạy về cho các đại gia ở Texas. Estes nhấn mạnh: “Nhưng chính khi quyết định tấn công vào dầu mỏ thì JFK cũng đồng thời ký án tử cho mình. Bởi vì LBJ không thể nào hoạt động được nếu không có những người đã tạo ra ông ta. Không có tiền bạc và không có hệ thống thì LBJ chỉ là một con rối không dây”.

Tháng 10-1962, JFK giới thiệu cho Quốc hội Mỹ Điều luật Kennedy, bước đầu tiên của chính sách cải tổ tài chính của ông. Cho dù điều luật này chưa động chạm đến “chiết khấu bán dầu” (phần giảm thuế 27,5 % trên thu nhập của các nhà sản xuất dầu mỏ) nhưng nó cũng đã cắt bỏ một số ưu đãi tài chính về những lợi nhuận thu được do đầu tư ngoài nước Mỹ. Điều luật động chạm trước tiên đến ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ mà theo tính toán của giới chủ mỏ dầu ở Oklahoma là làm giảm đến phân nửa lợi nhuận từ đầu tư của họ.

Ngày 14-1-1963, JFK tiết lộ những hướng chính trong chính sách cải cách tài chính của mình và lần này ông nhắm trực tiếp vào “chiết khấu bán dầu”. Kennedy thậm chí bạo gan chỉ đích danh H.L. Hunt, một tỉ phú ở Dallas mà bản thân tổng thống rất ghét vì ông này đã dùng tiền tài trợ giới văn sĩ viết bài đả kích Kennedy. Billie Estes bình luận: “JFK không hiểu rằng mình đang đùa với lửa. Ông ta đã cắt đi 300 triệu đôla của các đại gia ở Dallas. Số tiền đó quá lớn so với giá của một sinh mạng, dù người đó có là tổng thống đi nữa”.

Cũng sẵn do vào đầu năm 1963 những vụ chuyển tiền của Phó tổng thống LBJ bắt đầu dấy lên những ngờ vực cùng vụ bê bối liên quan đến vị thư ký của LBJ là Bobby Baker mà JFK đã chuẩn bị đến việc thay ngựa giữa dòng: người được chọn làm phó tổng thống là một nghị sĩ ở Florida. Đối với các đại gia ở Texas thì đó là chuyện không thể chấp nhận vì từ 20 năm qua họ đã quen với việc có người của mình ở vị trí then chốt tại Washington, như John Nance Garner (phó tổng thống dưới thời Franklin D. Roosevelt) rồi Sam Rayburn và LBJ. Thế là tại Dallas, không còn những lời rỉ tai nữa mà đã xuất hiện những lời giận dữ: “Phải giết ngay cái thằng điên JFK ấy trước khi quá muộn!”.

Theo dòng sự kiện:

- Kỳ 1: Tên sát thủ giấu mặt Mac Wallace

NGUYỄN QUÂN (Theo Paris Match, Le Figaro)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên