22/05/2015 10:30 GMT+7

Cán bộ tiếp dân và áp lực thường ngày

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Nhiều cán bộ làm công tác tiếp dân mà chúng tôi gặp thừa nhận tiếp công dân là một việc vô cùng nặng nhọc.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên và Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đang lắng nghe người khiếu kiện trình bày oan sai trong một buổi tiếp công dân - Ảnh: Việt Dũng
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên và Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đang lắng nghe người khiếu kiện trình bày oan sai trong một buổi tiếp công dân - Ảnh: Việt Dũng

“Không nặng nhọc về chân tay nhưng nặng về tư tưởng và là áp lực rất lớn”- bà Hà Thị Hương, nguyên phó trưởng Ban tiếp công dân trung ương, nói.

Nơi trút giận

Nhiều ngày ngồi trong phòng tiếp dân, chúng tôi cảm nhận được áp lực, căng thẳng của những cán bộ làm công tác này.

Người dân từ khắp nơi trên cả nước đổ về, mỗi người một tính cách, một nỗi niềm, một xấp hồ sơ dày cộm. Có người vừa gặp cán bộ tiếp dân đã òa khóc nức nở.

Có người sau khi nghe cán bộ giải thích “địa phương giải quyết khiếu nại như vậy là đúng pháp luật rồi” liền lớn tiếng mắng nhiếc.

Trước phản ứng dữ dội của nhiều người, cán bộ tiếp dân chỉ biết im lặng chờ bà con nguôi cơn giận rồi mới làm việc tiếp được.11 năm làm công tác tiếp dân, bà Hà Thị Hương bảo không nhớ bao nhiêu lần đã bị người đi kiện mắng, chửi hoặc thậm chí túm tóc đập vào tường.

Việc bị người dân mắng, chửi hoặc không vừa lòng thì viết đơn tố cáo đã không còn xa lạ với cán bộ tiếp dân.

“Không ai muốn tự dưng mình bị sỉ nhục, chửi mắng. Những ngày mới làm nghề, nghe người dân chửi cũng giận nhưng mãi thành quen. Tiếp dân là công việc vô cùng nặng nhọc về tư tưởng, áp lực vô cùng lớn. Có lúc mệt mỏi quá, tôi tự động viên rằng ông bà sinh ra mình đã phải mang nghiệp này.

Cán bộ ở đây nhiều người đã làm đơn xin nghỉ, bảo nếu tiếp dân nữa sợ bị thần kinh mất. Anh em ở đây hay bảo nếu chuyển việc được thì anh em chuyển gần hết. Nhưng nếu chuyển hết thì ai làm? Công việc không chuyên nghiệp, không liên tục thì khó mà hiệu quả”- bà Hương chia sẻ.

Trụ sở tiếp công dân trung ương ở Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải bởi người dân từ cả nước đổ về. Đặc biệt trước các kỳ họp trung ương, họp Quốc hội hoặc ngày thứ 5 có Ban Nội chính trung ương tiếp. Có khi người dân phải đợi 2-3 ngày mới tới lượt được tiếp.

Nhiều cán bộ cho biết điều căng thẳng nhất của họ là trong một ngày phải tiếp rất nhiều dân, đọc rất nhiều hồ sơ khiếu kiện.

“Trong khoảng thời gian ngắn, cán bộ phải xem nhanh hồ sơ để biết phải xử lý thế nào. Nếu vẫn còn thẩm quyền của địa phương thì làm phiếu chuyển về tỉnh. Nếu phát hiện vụ việc có oan sai thì làm báo cáo cấp trên đề xuất hướng giải quyết.

Để phát hiện vụ việc có oan sai hay không, cấp dưới giải quyết đã đúng hay chưa, người cán bộ tiếp dân phải rất vững về kiến thức chuyên môn. Quan trọng nhất là cái tâm muốn giúp dân”- ông Phan Văn Hải, trưởng phòng tiếp dân, Ban tiếp công dân trung ương, cho biết.

Ông Phan Văn Minh - vụ trưởng Vụ Theo dõi khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, Văn phòng Chính phủ - kể lại rằng cán bộ của ông có người được phân công tiếp dân một tuần đã xin chuyển bộ phận khác vì không thể nào ngủ nổi.

“Tôi hỏi tại sao lại vậy, anh em trả lời cứ tiếp dân về là không ngủ được. Họ bị ám ảnh, trăn trở vì dân chửi, dân khóc, hoặc chứng kiến dân bị oan ức, bức xúc.

Mỗi người dân đi khiếu kiện lâu ngày mang theo cảm xúc bị đè nén, có khi cán bộ tiếp dân là nơi để họ trút giận. Vì vậy phải là người có tinh thần vững vàng mới làm nổi công việc này”- ông Minh tâm tình.

Áp lực, căng thẳng là thế, nhưng đối với cán bộ tiếp dân, phát hiện được những vụ việc người dân bị thiệt thòi, oan ức, sau đó báo cáo cấp trên rà soát, theo dõi và giải quyết được cho dân là động lực rất lớn của họ.

Bà Hà Thị Hương tâm sự: “Dân đi khiếu kiện lâu ngày sinh ra bức xúc. Nhiều người trong số họ quyền lợi bị xâm hại chứ không ai tự dưng nằm ở đây cả chục năm trời.

Có trường hợp được giải quyết thỏa đáng, dân đã vui vẻ trở về địa phương. Lúc đó mình cũng cảm thấy nhẹ nhõm như vừa giải được một bài toán khó...”.

“Hứa với cô sẽ không đi khiếu kiện”

Đã gần chục năm trôi qua nhưng bà Nguyễn Thị Thu Hiên (phó trưởng phòng tiếp dân, Ban tiếp công dân trung ương) vẫn không thể nào quên câu chuyện về hai cụ già người Hải Phòng. Khi trụ sở tiếp công dân còn đặt ở đường Mai Xuân Thưởng, vợ chồng ông cụ đến.

Họ đi khiếu nại đã 12 năm.Khi xem hồ sơ, đối chiếu các chính sách, bà Hiên biết vợ chồng cụ không thuộc đối tượng được hưởng chính sách.

Bà trích dẫn các điều luật, giải thích cho cụ hiểu rằng vợ chồng cụ không thuộc đối tượng được hưởng chính sách và khuyên cụ không nên đi khiếu kiện nữa.

Bà vừa giải thích xong thì cụ bà khóc nức nở bảo: “Giá như tôi được gặp cô sớm hơn. Tôi đi khiếu nại 12 năm, nếu được gặp cô từ một, hai năm đầu, giải thích tận tình cho tôi hiểu chính sách pháp luật như vậy thì tôi sẽ không đi kiện.

Ở cấp dưới họ thách thức bảo tôi cứ kiện lên trung ương đi. Tôi nghe càng tức lại càng đi. Tôi hứa với cô từ nay sẽ không đi kiện nữa”.

Và bà Hiên để ý từ đó vợ chồng cụ già không còn lên trung ương để khiếu nại. Thừa nhận cán bộ ở Ban tiếp công dân trung ương không phải ai cũng gần gũi và tận tình với dân, ông Nguyễn Hồng Điệp, trưởng Ban tiếp công dân trung ương, trăn trở:

“Thỉnh thoảng tôi vẫn nghe dân mắng bảo cán bộ trụ sở của ông có người không coi dân ra gì. Tôi vẫn họp bàn với anh em và đặt câu hỏi: tại sao lại thế? Đặt mình vào hoàn cảnh của người dân mình cũng sẽ đi kiện, mình cũng đau xót như họ”.

“Bây giờ còn nhiều vấn đề làm dân bức xúc, nhiều chính sách còn gây thiệt thòi cho dân. Tôi thật sự rất trăn trở. Tôi vẫn thường nói với anh em dân đi kiện mang theo nhiều tâm trạng, nhiều nỗi bực dọc, mình phải thật sự cầu thị, thật sự lắng nghe.

Dù không hi vọng giải quyết được hết nhưng với thái độ, cách tiếp, cách lắng nghe cũng là cách để dân thấy các cơ quan nhà nước quan tâm đến dân. Có nhiều nội dung vụ việc người dân nắm vững hơn mình, vì vậy những cái dân đúng thì mình nghe, dân sai thì giải thích cho dân hiểu. Nhiều địa phương khi tiếp dân lại thách thức “anh không đồng ý anh kiện lên trung ương đi. Và dân đi kiện thật”- ông Phan Văn Minh kể lại.

Trách nhiệm của địa phương

“Muốn giảm khiếu kiện ở trung ương thì địa phương phải thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của dân.

Trên thực tế có rất nhiều địa phương làm tốt công tác này. Tôi được biết hồi Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam còn là chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông đã làm công tác tiếp dân rất tốt.

Ông Vũ Đức Đam thường xuyên mời các luật sư và người dân đến để tổ chức đối thoại công khai, kể cả tiếp dân vào ban đêm. Khi hiểu ra vấn đề, một số người dân đã rút đơn khiếu nại.

Không phải trường hợp nào tiếp dân cũng giải quyết được nhưng chủ tịch tỉnh cùng với một hội đồng của địa phương dành thời gian tiếp dân, cùng giải thích cho dân hiểu, dân sẽ thấy mình được lắng nghe, được tôn trọng”- ông Phan Văn Minh cho biết.

________

Kỳ tới: Chỉ là cánh chim đưa thư

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên