08/02/2006 01:02 GMT+7

Kỳ 1: Thời cơ vàng gắn với hiểm họa đen

NGUYỄN TRUNG
NGUYỄN TRUNG

TT - Gần 1.000 ý kiến bạn đọc phản hồi bài báo "Thời cơ vàng" đã thật sự gây bất ngờ cho chính tác giả Nguyễn Trung. Ông đã tiếp nhận tất cả những ý kiến đó bằng sự đồng cảm và chia sẻ dù là hoan nghênh hay bác bỏ. Bởi ý kiến dù khác nhau thế nào cũng đều chung một ý tưởng: “Tổ quốc trên hết”.

QhO5Tsvp.jpgPhóng to
Tác giả Nguyễn Trung - Ảnh: Việt Dũng

Ông muốn dành những lời tâm huyết cùng đối thoại với bạn đọc và cũng là những lời tâm huyết góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng X.

Kiểm điểm 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội IXHoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCNĐổi mới và chỉnh đốn Đảng

Hiểm họa từ đâu?

Nhiều thư, thậm chí có cả bài báo, các cuộc nói chuyện điện thoại đã nhắc nhở tôi: khi nói đến thời cơ vàng của nước ta, phải nói liền theo đó đến hiểm họa đen. Có ý kiến còn nói hiểm họa đen hay “thời cơ đất sét” cùng với thời cơ vàng ở nước ta trong hoàn cảnh hiện nay chỉ là một thôi, vì từ khi giành được độc lập thống nhất đến nay đã bao nhiêu lần thời cơ lớn bị bỏ lỡ và đã có phen đẩy đất nước lâm vào gian nguy rồi. Có thư phản hồi của bạn đọc còn viết: Bọn tham nhũng đã nắm được thời cơ vàng, đất nước thì chưa! (Tôi - Nguyễn Trung - tự hỏi mình: Còn lời nói nào đau lòng hơn thế nữa không?).

Tôi cảm ơn và chia sẻ với sự nhắc nhở này.

Như vậy, câu bỏ lửng “Hay là..., hoặc sẽ là…” trong bài viết của tôi chưa đủ tầm, chưa rõ, có nhiều chuyện phải bàn thêm.

Trước hết xin cho phép tôi là người viết bài “Thời cơ vàng” chân thành cảm ơn sự chia sẻ của tất cả các bạn với những ý nghĩ tôi nêu trong bài viết này - dù là chia sẻ dưới dạng hoan nghênh hay bác bỏ.

Thật khó cho tôi làm sao nói lên được sự mừng lo chen lấn nhau trong tâm trạng của mình về sự chia sẻ của các bạn. Mừng là vì tôi không đơn độc khi nói lên nỗi niềm trăn trở của mình, lo là vì cảm nhận được nỗi lo chung của chúng ta lớn quá!

Sự chia sẻ này tự nó đã nói lên: những suy nghĩ của chúng ta đồng cảm hay khác nhau như thế nào chăng nữa, trong tim mỗi chúng ta chỉ có chung một Tổ quốc VN vô vàn yêu quí!

Tôi tin tưởng sâu sắc rằng trong tâm khảm mỗi chúng ta cùng chung một ý tưởng thiêng liêng: Tổ quốc trên hết! Đại đoàn kết tất cả vì sự nghiệp chấn hưng VN!

Tôi hy vọng đôi điều tâm tình của mình sẽ cổ vũ các bạn đem hết tâm huyết góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội X đã được công bố để xin ý kiến đóng góp của toàn dân.

Sự thật là: thời cơ và thách thức luôn đi liền với nhau trong cuộc sống như hình với bóng, đổi chỗ cho nhau có thể chỉ trong nháy mắt! Ví dụ điển hình nhất ở nước ta theo suy nghĩ của tôi là từ đỉnh cao 30-4-1975 đất nước rơi nhanh quá vào 10 năm khủng hoảng trầm trọng sau đó về mọi mặt.

Không ít những thách thức và hiểm nguy hồi ấy có mầm mống ngay từ trong những thắng lợi và quán tính của chúng ta, rồi bối cảnh bên ngoài tác động vào, nhanh đến mức độ khi chúng ta “tỉnh” ra thì sự nghiệp cách mạng của đất nước đã đứng bên bờ vực thẳm. Ngày nay nghĩ lại tôi vẫn chưa hết hãi hùng!

Các ý kiến phản hồi nhắc nhở về hiểm họa đen, hỏi suy nghĩ của tôi về hiểm họa đen… đã nêu lên rất đúng mối nguy của quốc nạn tham nhũng và những hư hỏng của một số không ít cán bộ đảng viên có chức có quyền.

Đấy là những cảnh báo nghiêm khắc, không thể bỏ ngoài tai, và cho đến nay hằng ngày trên dư luận công khai có không ít những lời cảnh báo như vậy. Điều lo lắng của tôi là từ nhiều năm nay cảnh báo thì cứ cảnh báo, nhưng hư hỏng cứ tiếp tục hư hỏng.

Góp phần vào cảnh báo này, tôi chỉ xin mọi người đừng quên: Hiểm họa đen còn đang rình mò, lấp ló từ nhiều phương trời khác nữa trong đời sống của đất nước.

Đấy là những hiểm họa từ cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng còn nhiều yếu kém, từ những chính sách vĩ mô bất cập, từ những quyết định kinh tế không đúng - ví dụ như thường xảy ra trong lĩnh vực đầu tư - điển hình là chuyện mía đường và ximăng lò đứng, câu chuyện đang tranh cãi về nhà máy lọc dầu Dung Quất..., từ tình trạng đất đai vô cùng phức tạp và đầu cơ đất đai đang diễn ra như hiện nay, từ sự phân hóa giàu nghèo và biết bao nhiêu vấn đề khác trong vấn đề phát triển nông thôn…

Rồi đến những hiểm họa mới trong sự xuống cấp nhanh chóng của môi trường so với sức chịu đựng của nền kinh tế, những hiểm họa từ những yếu kém trong chiến lược và qui hoạch phát triển kinh tế, từ biết bao nhiêu khoản nợ khó đòi trong không ít các doanh nghiệp nhà nước, rồi bây giờ là H5N1, hạn hán, lũ lụt, những thách thức truyền thống và phi truyền thống khác, là sự khập khiễng chưa có cách gì thu hẹp lại giữa một bên là cải cách hành chính và hệ thống chính trị và một bên là những đòi hỏi của phát triển kinh tế - xã hội và của hội nhập quốc tế...

Bây giờ còn phải nhấn mạnh thêm những hiểm họa lấp ló từ những khó khăn và mối nguy khôn lường của cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế, từ những quyết sách bắt buộc phải cân nhắc, phải lựa chọn của một nền kinh tế có tới khoảng 60% của cải làm ra hằng năm buộc phải dành cho xuất khẩu - nếu không thì nghèo đói to, từ một nền kinh tế thường xuyên có nhập siêu lớn… Nhìn dài hạn hơn nữa là những hiểm họa đang thai nghén từ nền giáo dục còn nhiều bất cập và yếu kém hiện nay, từ những xuống cấp khác đang xảy ra trong lĩnh vực văn hóa, xã hội..., và ngay trong sinh hoạt Đảng.

Lớn hơn những hiểm họa vừa nói trên, có lẽ còn phải nêu lên những hiểm họa đến từ những lãng phí vô hình và hữu hình, lãng phí chất xám, lãng phí thời gian và cơ hội..., những hiểm họa đến từ sự thiển cận hay kiêu ngạo, từ sự ru ngủ hay tự giam hãm lẫn nhau trong tư duy lỗi thời và cằn cỗi, từ sự sa sút ý chí cách mạng và lòng yêu nước, những hiểm họa do tụt hậu và lạc lõng trong một thế giới đã bước lên một nấc thang phát triển mới…

RBWzLESW.jpgPhóng to
Việc quản lý lỏng lẻo của các cơ sở Đảng đã đẻ ra những "con bạc triệu đô" như Bùi Tiến Dũng (bên phải)... - Ảnh: Tuấn Phùng
Nếu sống theo câu châm ngôn cổ Trung Hoa “sẩy chân một bước hận nghìn thu”, gương tày liếp là sự sụp đổ của các nước Liên Xô, Đông Âu cũ, chuyện mới đây là cơn bão tài chính tiền tệ năm 1997 gần như trong một đêm tàn phá tan hoang những nền kinh tế năng động vào bậc nhất ở châu Á..., thì việc nêu lên và ý thức hết những hiểm họa nói trên không phải là một sự hù dọa, càng không phải là chuyện vạch áo cho người xem lưng, mà là một phẩm chất phải có do cuộc sống hôm nay đang đòi hỏi ở mỗi quốc gia và từng con người, trước hết ở mỗi đảng viên và toàn Đảng Cộng sản VN. Tôi chân thành nghĩ như vậy.

Làm sao vượt qua thách thức?

Vô cảm hay khoanh tay cảnh giác trước những hiểm họa này đều vô nghĩa. Điều tôi ước muốn là làm sao từng đảng viên, từng công dân của đất nước ta luôn nhận được những thông tin, luôn được trang bị những hiểu biết mọi chiều cạnh, để nhận biết và để tự mình có cách ứng xử tích cực và quyết liệt - đối với chính bản thân mình và xã hội, đối với toàn bộ hệ thống quản lý đất nước, nâng cao trách nhiệm của chính mình đối với toàn bộ cuộc sống của đất nước.

Nếu suy nghĩ như vậy được chấp nhận, sẽ có rất nhiều việc trong toàn bộ đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị của đất nước phải làm khác đi.

Sự thật, trong sinh hoạt Đảng, trong học tập và tu dưỡng… cũng như trong công tác tuyên truyền và thông tin báo chí, trong học tập, trong việc giáo dục con người - từ trẻ em trên ghế nhà trường cho đến mọi người đang gánh vác các công việc khác nhau trong xã hội… - chúng ta còn đứng cách khá xa đòi hỏi sống còn này. Không có lý do gì để duy trì mãi hay để thanh minh bào chữa cho khoảng cách này.

Trên hết cả là hệ thống chính trị của cả nước phải tìm mọi cách thường xuyên nuôi dưỡng trong toàn Đảng, toàn dân tinh thần nhìn thẳng vào sự thật của Đại hội VI, đó là: ý chí và khả năng nhận biết mọi hiểm họa từ khi chúng còn là mầm mống, ý chí và khả năng không thỏa hiệp với bất kỳ sự tha hóa và bất cập nào, ý chí và khả năng đương đầu thắng lợi với bất kỳ hiểm họa và thách thức nào…

Lịch sử nước ta, nhất là lịch sử cận đại, đã nhiều lần nghiệm trải: quán tính của tư duy cũ và thói phô trương “mẹ hát con khen hay” là kẻ đã nhiều lần dẫn lối đưa đường cho nhiều hiểm họa đến với đất nước… Còn phải nói đến nơi đến chốn về sự bạc nhược của mỗi người chúng ta - trước hết là của mỗi cán bộ, đảng viên - đối với mọi sai trái xảy ra chung quanh ta. Chẳng dám đấu tranh với mọi sai trái thì phải chấp nhận chung sống với nó thôi!

R6EKRqgt.jpgPhóng to
... và Nguyễn Việt Bắc (bên phải) - Ảnh: Nguyễn Văn Hải
Hiểm họa lớn nhất trên con đường đi lên của đất nước ta nằm ngay trong thách thức lớn nhất: Cuộc sống đang đòi hỏi dân tộc ta với tư cách là chủ nhân ông của đất nước phải giác ngộ sâu sắc chính mình và thế giới chung quanh để tồn tại, để cùng đi, để cùng đua tranh với cả thế giới!

Hơn bao giờ hết, chủ nghĩa yêu nước và đoàn kết dân tộc phải được nâng lên một tầm cao mới, với trí tuệ và ý chí mới! Giác ngộ cho bằng được thách thức lớn nhất này của dân tộc cũng là thách thức lớn nhất đối với Đảng Cộng sản VN - với tính cách là đảng lãnh đạo, với vai trò là đội tiền phong chiến đấu của dân tộc trên con đường chấn hưng đất nước.

Đứng mũi chịu sào cho cả dân tộc, Đảng phải chấp nhận thách thức này! Có nghĩa là Đảng phải làm mọi việc mở đường cho việc đưa vào chủ nghĩa yêu nước và đoàn kết dân tộc những nội dung mới mà thời đại ngày nay đòi hỏi - bắt đầu từ thực hiện thật tốt công bằng dân chủ văn minh trong toàn bộ đời sống của đất nước, từ thay đổi một cách triệt để nội dung công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, giáo dục...

Tôi còn cả nghĩ rằng trên thế giới ngày nay không một đảng cầm quyền nào, kể cả ở những nước phát triển nhất, dám xem nhẹ thách thức lớn nhất này của chính mình. Lại càng không có đảng cầm quyền nào dám dại dột theo đuổi chính sách ngu dân, bởi họ hiểu làm như thế là dẫn đảng của họ vào con đường tự sát. Cuộc sống trên thế giới ngày nay là như vậy.

Rõ ràng yêu nước và đoàn kết dân tộc trong thời đại ngày nay có nhiều nội dung mới lắm, đòi hỏi ý chí kiên cường và nhiều trí tuệ mới lắm.

Thời cơ vàng sẽ là cái gì nếu dân tộc VN ta và Đảng Cộng sản VN bình chân như vại trong một thế giới như vậy? Nhất là đảng lãnh đạo phải làm gì để không ru ngủ, không làm vô cảm, mà là phải nuôi dưỡng và phát huy cao nhất tinh thần yêu nước và ý chí của toàn dân tộc một lòng đoàn kết vươn lên đua tranh với cả thế giới.

-----------------

* Kỳ sau: Hệ thống chính trị sẽ như thế nào?

Ý kiến bạn đọc

Nói hay phải làm giỏi

Một bài viết rất hay. Tuy nhiên để thực hiện một phần nhỏ các ý trong bài viết trong tình hình của đất nước hiện nay thì như "mò kim đáy biển" và chỉ có thể thực hiện được một khi Đảng, Chính phủ "nói phải làm" theo nghị quyết, cải tổ phương thức lãnh đạo, phương thức hoạt động cho phù hợp. Chứ đại đa số người dân cho rằng Đảng, chính phủ nói thì rất hay (giống như mấy ông đại biểu quốc hội đi xuống dân để vận động), nhưng làm thì lại không theo nghị quyết.

Chẳng hạn: chuyện kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, thì lãnh đạo đảng từ Tổng bí thư đến Ban bí thư phải làm gương nêu tài sản của mình lên thông tin đại chúng. Chẳng hạn chúng ta có thể làm một website để công bố tài sản lãnh đạo các cấp, bằng cấp... sẽ hạn chế được tham nhũng, bằng giả... Tôi xin có ý kiến là ta nên đổi khẩu hiệu theo thứ tự: "Xã hội công bằng - dân chủ - văn minh" bằng: "Xã hội văn minh - dân chủ - công bằng"!

Tôi muốn nghe thêm nhiều lời từ nhiều trái tim nữa

Liên quan đến "Cơ hội vàng" sẽ còn có nhiều vấn đề và ý kiến góp ý. Riêng tôi, chưa cần nói đến những vấn đề về nội dung, mà chỉ nói riêng đến "thành phần tham gia". Tại sao bài báo "Cơ hội vàng" thu hút nhiều ý kiến tâm huyết của bạn đọc đến vậy mà "những thông điệp từ trái tim đến trái tim" với lời thốt: "Ôi! Thà bạn bạn xát muối vào ruột tôi còn hơn!" đối thoại với bạn đọc chỉ là của mỗi tác giả Nguyễn Trung. Tại sao không và ước gì "những thông điệp từ trái tim đến trái tim" ấy có cả những ý kiến và sự đồng cảm của những đồng chí lãnh đạo Đảng, chính phủ... để tạo nên một hào khí toàn dân tộc trong công cuộc chấn hưng đất nước?

Hãy tìm "hào kiệt" cho bộ máy quản lý

Trước hết phải nói rằng, bài viết của tác giả Nguyễn Trung thật sự tâm huyết, có chiều sâu nhờ có nhiều nỗi đau đáu với thực tại của đất nước. Đất nước thật sự cần có những con người nhiều trăn trở và có khả năng nhận thức được vận hội và hiểm họa trong những hoàn cảnh nhất định. Trong số những con người này, chúng ta phải tìm ra được người hiền, tài giỏi nhất để giao trọng trách đưa ra những quyết sách cho đất nước. Tất nhiên những quyết sách đó phải là trí tuệ của cả một tập thể những cái đầu đức độ, mẫn cán, có hiểu biết sâu rộng, có khả năng cảm nhận thời cuộc.

Nhưng muốn có được sự tập hợp đó, chúng ta phải có cơ chế để đưa được những bậc hiền tài thực sự lên nắm vận mệnh của đất nước. Tất cả những lo toan về "nắm bắt thời cơ vàng và né tránh những hiểm họa đen" của tác giả Nguyễn Trung chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta đưa ra được cơ chế hiệu quả để tiến cử người tài. Vì "Hào kiệt đời nào cũng có", nhưng làm sao để hào kiệt thật sự tiếp cận được những vị trí quản lý, hoạch định trong bộ máy nhà nước.

Nói như vậy không có nghĩa là người hiền tài không biết cách tiếp cận, mà do thói thường trong thời bình, những kẻ xu nịnh và mưu mô thường xoay đủ cách để tiếp cận với quyền lực để mưu cầu lợi ích riêng, trong khi cách làm đó không phải là đức tính của người hiền tài. Mong rằng những ai đương chức, còn có tấm lòng như tác giả Nguyễn Trung, hãy vì sự hưng thịnh của đất nước mà tìm tòi, đưa ra được cơ chế tuyển trạch người hiền tài cho đất nước.

Hãy làm tất cả vì dân tộc

Theo tôi nghĩ, những ai có tâm hyết và lương tri khi nghĩ đến vận mệnh đất nước và dân tộc hẳn không khỏi giật mình với cách đặt vấn đề một cách trực diện và thẳng thắn của tác giả Nguyễn Trung. Mọi lời nói sẽ vẫn chỉ là lời nói nếu những người lãnh đạo cao nhất của chúng ta không dám đối diện với sự thật, để từ đó mạnh dạn đoạn tuyệt với lối tư duy sáo rỗng, duy ý chí, chấp nhận mọi sự thay đổi dù đau đớn nhưng bảo đảm sự trường tồn của dân tộc và các thế hệ mai sau. Có một câu nói của Tổng thống Charles De Gaulle: "Mọi chủ thuyết rồi sẽ qua đi, cái còn lại sau cùng đó là Dân tộc".

Tôi sẽ về Việt Nam

Tôi vẫn thường trăn trở với hoài bão về Việt Nam sinh sống, nhưng ngần ngại bởi đã sống xa quê hương quá lâu, e ngại sự khó khăn trong nước về mọi mặt. Đọc được "Thời cơ vàng gắn với hiểm họa đen" của tác giả Nguyễn Trung, tôi thấy lòng nhẹ hẳn và phấn chấn lên, cảm nhận rõ sự rộng mở tư duy và mạnh mẽ ý chí của người dân Việt Nam để tranh đua giành lấy sự phồn vinh và văn minh. Đất nước Việt Nam đã bao nghìn năm kiêu hùng và là một dân tộc biết yêu thương, luôn vị tha.

Cảm ơn ông Nguyễn Trung và bao nhiêu người nữa đã ghi lên đây những tình tự dân tộc và sự nhạy bén ý thức cho quê hương, cho mọi người dân Việt trong và ngoài nước hướng về nguồn cội, chung nhau sức mạnh xây dựng nước Việt Nam không thua kém văn minh trên thế giới trong tương lai gần. Tôi sẽ luôn yêu quê hương Việt Nam tôi trong tinh thần chấn hưng đất nước. Tôi sẽ về xây dựng đất nước Việt Nam nghìn đời đã sinh ra tôi.

Tôi là một viên chức bình thường và chưa bao giờ có thể bày tỏ tâm tư của mình trong những lĩnh vực mà Nguyễn Trung đã đề cập. Tuy nhiên, là một công dân của đất nước Việt Nam, có lẽ tôi, bạn và cả ai đó nữa cần có vài suy nghĩ. Trước hết, tôi rất đồng tình với nhận định và đánh giá của Nguyễn Trung mà tôi đã được đọc, đây là một điều hiển nhiên vì theo tôi tất cả mọi công đân VN chân chính đều muốn sống trong một đất nước hoà bình và phát triển.

Song hoà bình sao được khi hằng ngày hàng giờ "giặc tham" vẫn hoành hành ở bất cứ nơi nào; phát triển sao được khi tệ nhũng nhiễu đang ngày đêm tìm cách kéo lùi bước tiến của đất nước. Như vậy thách thức đen không phải chỉ là do yếu tố khách quan nào cả mà chính là do nội tình chính chúng ta tạo ra đó thôi. Từ đó cho thấy Đại hội Đảng toàn quốc lần này có một nhiệm vụ nặng nề nhất theo tôi đó là dùng sức mạnh và trí tuệ cộng với truyền thống vẻ vang của mính để "căng thẳng lại bánh xe quyền lực" của toàn hệ thống chính trị đất nước, làm cho cỗ xe Tổ quốc Việt Nam vẫn vững vàng tiến về cái đích tốt đẹp hơn trong tương lai.

Tôi là một độc giả của Tuổi Trẻ. Đọc bài báo "Cơ hội vàng" của tác giả Nguyễn Trung và ý kiến phản hồi của độc giả, tôi nghĩ rằng mọi người dân đang "sốt ruột" trước những vấn đề bất cập trong xã hội, từ chuyện ăn hối lộ (tôi không thích từ "tham nhũng" vì nó lịch sự) cho đến việc quản lý yếu kém trong các bộ máy công quyền, nền giáo dục khủng hoảng, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao nhưng tỷ lệ lạm phát cũng chẳng thua kém, đặc biệt là sự xuống cấp đạo đức một bộ phận giới trẻ hiện nay. Còn sự thoái hóa đạo đức của một số đảng viên và cán bộ thì không cần bàn tới nữa, tốt hơn là hãy tìm cách khống chế "đại dịch" thoái hóa của một số đảng viên và cán bộ.

Vấn đề đặt ra cho mỗi người dân, nhất là từng lớp trí thức, là phải can đảm tranh đấu cho công bằng, dân chủ, tự do thật sự cho đất nước. Chúng ta cần phải mạnh dạn đề xuất, đưa ra giải pháp và nhất là phải hành động để làm trong sạch đất nước. Quả thật khi đọc những văn kiện của Đảng, tôi cảm thấy rằng ĐCSVN là một đảng tiến bộ nhất thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế lại không phải là như vậy. Sự thật là có một sự khác biệt rất lớn giữa những gì người dân "nói" với chính quyền và những gì người dân "nghĩ" về chính quyền.

Sau khi đọc các bài báo của ông Nguyễn Trung, tôi rất cảm kích vì ông đã có những suy nghĩ rất tâm huyết và xác đáng về vận mệnh quốc gia, dân tộc. Đây cũng là những vấn đề lớn mà hiện nay nhiều công dân Việt Nam thường trăn trở. Tuy nhiên còn một điều tôi vẫn lấy làm băn khoăn và chưa được thỏa mãn là không tìm thấy câu trả lời hoặc phương án trả lời cho những vấn đề mà ông đã nêu ra.

Theo tôi, chỉ có duy nhất một vấn đề then chốt mà Đảng cần làm sáng tỏ để có thể giải quyết tất cả những vấn đề tồn tại gây bức xúc trong xã hội đó là: KHÁI NIỆM QUYỀN LÀM CHỦ TẬP THỂ CỦA NHÂN DÂN LAO ĐỘNG. Tôi nghĩ rằng khi khái niệm này đã được rạch ròi thì mọi vấn đề bức xúc trong xã hội sẽ được giải quyết một cách nhẹ nhàng, minh bạch. Trong khuôn khổ diễn đàn này tôi không thể phân tích đầy đủ, chỉ mong gợi ra một ý kiến nhỏ để giải quyết vấn đề ông đã nêu. Nếu có điều gì không được thấu đáo, mong ông và bạn đọc thông cảm.

NGUYỄN TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên