TTO - Đúng 9h ngày 2-6-2017, lần đầu tiên trong lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam và cả Tổ quốc, quả tên lửa phóng đi từ tàu ngầm bắn trúng trực tiếp mục tiêu, ghi dấu mốc đầy tự hào với kíp tàu ngầm lớp kilo 636 số hiệu 182-Hà Nội.

Đây cũng chính là kíp tàu ngầm đầu tiên được đi Nga học.

Nhớ lại những dấu mốc không thể nào quên với tàu ngầm kilo số hiệu 182, thiếu tá Nguyễn Trọng Khôi, thuyền trưởng tàu ngầm mang tên thủ đô Hà Nội, nói: "Khi bước chân sang Nga học, chúng tôi đã quyết tâm học, không chỉ vì danh dự của mỗi cá nhân mà còn học vì Tổ quốc".

Kíp tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam - những câu chuyện bây giờ mới kể - Ảnh 1.
Kíp tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam - những câu chuyện bây giờ mới kể - Ảnh 2.

9 năm trước. Sau đợt tuyển chọn gồm 3 vòng rất khắt khe, tuyển lính tàu ngầm nghiêm ngặt, khắt khe như tuyển phi công chiến đấu, Nguyễn Trọng Khôi là một trong những người ưu tú đầu tiên được gọi tên.

Anh và kíp tàu 182 được cử đi học tiếng Nga ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) 12 tháng.

"Anh em các đơn vị khác trong toàn quân về, tuổi đời trung bình lúc đó đã cao, khoảng 29 tuổi nên khả năng tiếp thu ngoại ngữ hạn chế. Nhưng chúng tôi đều quyết tâm học", thiếu tá Khôi nói.

Sau 1 năm đào tạo tiếng Nga ở Việt Nam, tháng 9-2011, khi sang Nga để huấn luyện chuyển giao công nghệ, kíp tàu 182 phải học lại tiếng Nga giao tiếp trong 6 tháng.

Thiếu tá Nguyễn Trọng Khôi và đồng đội đã trải qua mùa đông Nga lạnh tới -30 độ, những đêm trắng - đêm như ngày. Cái lạnh khắc nghiệt nhất trong những năm đó ở Nga đã khiến nhiều thủy thủ Việt Nam chảy máu mũi.

Kíp tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam - những câu chuyện bây giờ mới kể - Ảnh 3.

Sáng, người Nga không chạy thể dục sớm, 8h mới báo thức và 9h mới làm việc. Nhưng với ý nghĩ phải giữ thể lực mới có sức khỏe học, các thủy thủ Việt Nam đã dùng ý chí để vượt qua những thử thách khắc nghiệt về thời tiết, 5h sáng dậy chạy thể dục, duy trì đều đặn, kể cả những ngày có tuyết.

Điều khá thú vị là kíp tàu được đi dự lễ hạ thủy chính con tàu mà mình sẽ điều khiển vào ngày 28-8-2012. Cũng chỉ riêng kíp tàu 182-Hà Nội được Thủ tướng sang thăm, động viên.

"Chúng tôi không được lên tàu mà chỉ đứng dưới nhìn, hát quốc ca. Nhưng lúc ấy vẫn rất tự hào và tôi nghĩ mình phải cố gắng học để làm chủ bằng được nó", thiếu tá Khôi nhớ lại.

Gạt qua niềm vui ấy, đến giai đoạn chính thức đào tạo về chuyên ngành lại là thử thách mới.

Kiến thức về tàu ngầm rất rộng, đa dạng. Cán bộ, thủy thủ kíp tàu 182 được lựa chọn từ các quân binh chủng trong toàn quân, nhiều người chưa từng công tác trong Hải quân, trình độ ngoại ngữ không đồng đều. Trong khi đó, tàu ngầm kilo trang bị mới, hiện đại; tài liệu hướng dẫn khai thác, sử dụng chưa được biên dịch.

Đó là những áp lực rất lớn đè lên vai mỗi thủy thủ khi bước chân sang Nga.

"Chúng tôi xác định phải làm chủ bằng được tàu ngầm", thiếu tá Khôi nhớ lại. Khó khăn lớn nhất vẫn là ngoại ngữ. Những thuật ngữ chuyên ngành rất khó, kiến thức về tàu ngầm kilo hoàn toàn mới. "Lúc đầu chỉ nghe được 30% rồi từ từ nâng dần lên".

Để xử lý khuyết điểm về ngoại ngữ, các thủy thủ Việt Nam tự nói tiếng Nga với nhau, rồi thảo luận về những điều chưa hiểu. Có những tài liệu mật người Nga không cho học viên mang về, phải tự ghi chép, được càng nhiều càng tốt, tối về nghiền ngẫm, thảo luận cùng nhau.

Kíp tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam - những câu chuyện bây giờ mới kể - Ảnh 4.
Kíp tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam - những câu chuyện bây giờ mới kể - Ảnh 5.

Đầu tháng 1-2013, vừa ăn Tết dương lịch xong, kíp tàu xuống học ngay trên con tàu 182 sẽ về Tổ quốc sau đó.

Hằng ngày, cả kíp học liên tục từ 8h sáng đến 5h chiều, không nghỉ trưa. Tàu ngầm kilo được trang bị rất nhiều hệ thống vũ khí khí tài, hàng trăm ngàn nút điều khiển. "Xuống tàu thấy là ngợp ngay", thiếu tá Khôi kể.

Các thủy thủ Việt Nam chia thành từng nhóm nhỏ theo chuyên ngành, được các thủy thủ người Nga dạy ngay từng vị trí.

Giai đoạn thử thách nhất là xuống tàu để thực hành. Không có phiên dịch, giáo viên ở trung tâm huấn luyện nói chậm nhưng các thủy thủ tàu ngầm toàn "bắn liên thanh", trong khi hệ thống tài liệu, kiến thức về tàu quá đồ sộ. Không nghe kịp, không hiểu được là bỏ lỡ cơ hội, bị hổng kiến thức và không thể tạo sự đồng bộ khi êkíp vận hành con tàu.

Ngày nào cũng học liên tục 12 tiếng mới được về doanh trại nghỉ ngơi. Tối các học viên Việt Nam lại chia từng nhóm theo chuyên ngành, chỗ nào chưa hiểu, ai biết giải thích thêm, tự phụ đạo cho nhau. Không biết thì sáng hôm sau hỏi thủy thủ.

Kíp tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam - những câu chuyện bây giờ mới kể - Ảnh 6.

"Người Nga không học ban đêm. Học viên các nước khác cũng không học ban đêm. Nhưng chúng tôi học tới 22 - 23h thường xuyên. Biết mình hạn chế về ngoại ngữ và thấy kiến thức chuyên ngành quá rộng, quá khó, anh em mang tài liệu về học thêm. Chỉ có nỗ lực và tự học mới tự tin được", thiếu tá Khôi tâm sự.

Ngay bản thân thiếu tá Khôi, trước khi được tuyển chọn về lực lượng tàu ngầm đã là thuyền phó của một tàu chiến, nhưng khi học về tàu ngầm kilo cũng "ngợp" vì kiến thức hoàn toàn mới. Có tài liệu tác nghiệp chiến đấu chưa từng được học.

Đó là chưa kể những người không xuất thân từ lực lượng Hải quân, việc học càng khó khăn hơn nhiều lần. "Nỗ lực của mỗi người không thể đo đếm hay so sánh", anh nói.

Các thủy thủ Việt Nam lần lượt chinh phục rất nhiều khoa mục huấn luyện của tàu ngầm kilo 636 như huấn luyện đấu tranh bảo vệ sức sống tàu (học viên phải thực hành thành thạo các biện pháp duy trì khả năng sống sót khi có sự cố; phục hồi và duy trì tính năng kỹ chiến thuật các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật).

Rồi huấn luyện thoát hiểm (thực hành kỹ năng thoát hiểm ra khỏi tàu ngầm khi gặp sự cố. Đây là nội dung huấn luyện rất gian khổ và nguy hiểm, đòi hỏi người học phải có sức khỏe tốt, lòng dũng cảm và nắm chắc kiến thức tổng hợp mới có thể thực hành an toàn, chính xác)...

Trong 4 tháng thực tập dưới tàu, thiếu tá Khôi kể không thể quên lần đầu tiên cả kíp được điều khiển tàu đi lặn. Lúc ấy, anh đang là thuyền phó.

Kíp tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam - những câu chuyện bây giờ mới kể - Ảnh 7.

Sau 19 tháng học ở Nga, tức chưa đầy 2 năm, kíp tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam đã được cấp chứng chỉ, thực sự trở thành thủy thủ tàu ngầm. Trong khi học viên các nước khác phải mất hơn 4 năm!

"Đó là điều mà khi đi sang Nga, chúng tôi không ai dám nghĩ tới" - thiếu tá Khôi chân tình nói.

"Chỉ biết mình yếu gì thì nỗ lực cái ấy. Mình đi học với niềm tự hào dân tộc, được làm chủ vũ khí trang bị mới và quyết tâm sử dụng bằng được để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc nên tâm thế nó khác, chỉ có thể thành công chứ không được phép thất bại".

Kíp tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam - những câu chuyện bây giờ mới kể - Ảnh 8.
Kíp tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam - những câu chuyện bây giờ mới kể - Ảnh 9.

Khi tàu 182-Hà Nội mới về Việt Nam, một số chuyên gia Nga cũng theo sang để chuyển giao công nghệ.

Chỉ sau 6 tháng huấn luyện, cả kíp tàu được chuyên gia Nga đánh giá đủ điều kiện độc lập khai thác vũ khí trang bị khí tài và kết thúc huấn luyện chuyển giao.

Điều này gây ngỡ ngàng cho chuyên gia nước bạn vì ngoại ngữ của thủy thủ Việt Nam có phần hạn chế trong khi kiến thức về chuyên ngành quân sự của tàu ngầm rất khó.

Tàu 182 được đưa vào đội hình chiến đấu của quân chủng sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch.

Dấu mốc đặc biệt với tàu 182-Hà Nội khi về Việt Nam không thể kể hết, như lần bắn tên lửa đối hải trong lòng biển sáng 2-6-2017 mà không có sự giúp đỡ của chuyên gia Nga.

Kíp tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam - những câu chuyện bây giờ mới kể - Ảnh 10.

Đây là sự kiện đánh giá khả năng tiếp nhận và khả năng làm chủ tàu ngầm không chỉ của riêng tàu 182-Hà Nội mà còn của Lữ đoàn 189.

Bắn tên lửa đối hải trong lòng biển là nhiệm vụ khó khăn nhất đối với tàu ngầm và chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, trong khi không có sự giúp đỡ của chuyên gia Nga. Vì thế khi nhận nhiệm vụ, nhất là trước ngày bắn tên lửa, cả kíp tàu không ngủ được.

"Áp lực không chỉ với tập thể mà còn là với mỗi cá nhân. Để ấn được một nút bắn tên lửa phải trải quy trình hằng trăm thao tác. Chỉ bắn một quả duy nhất. Không có nhiều quả để sửa sai. Không có sự may rủi. Mà ở đây là trình độ, sự phối hợp có ăn ý của cả kíp tàu.

Hơn nữa, bắn tập nên yêu cầu rất cao từ thao tác vận hành của thủy thủ đến việc đảm bảo an toàn khi bắn", thuyền trưởng Khôi lý giải.

Kíp tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam - những câu chuyện bây giờ mới kể - Ảnh 11.

Ngay sau thành tích xuất sắc này, tàu 182-Hà Nội được Bộ Quốc phòng và Thủ tướng tặng bằng khen.

Kíp tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam - những câu chuyện bây giờ mới kể - Ảnh 12.
Kíp tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam - những câu chuyện bây giờ mới kể - Ảnh 13.

Từ năm 2014 đến nay, cán bộ, thủy thủ tàu ngầm 182-Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc hàng chục chuyến đi biển với hàng trăm ngày hoạt động, hành trình hàng vạn hải lý ở các độ sâu khác nhau tại tất cả các vùng biển của Việt Nam với hàng nghìn giờ.

Mỗi tháng, mỗi năm, khoa mục huấn luyện được đặt ra cao hơn. Trình độ và kinh nghiệm thủy thủ tàu ngầm cũng phải cao hơn.

"Thủy thủ tàu ngầm rất vất vả. Tàu ngầm ‘ăn sóng’ hơn nên dễ say sóng hơn các tàu khác và khi đã say cũng mệt hơn" - đại úy Lê Đắc Thắng, trưởng ban tuyên huấn Lữ đoàn 189, chia sẻ. Thế nên, thủy thủ tàu ngầm làm gì có thời gian ngồi trên mặt boong đàn ca, câu cá.

Mỗi một tàu ngầm khi ra đại dương là một Tổ quốc di động trên biển. "Thủy thủ tàu ngầm không có thời gian nghỉ ngơi. Khi lặn xuống biển, như người xuống nước mà tắt hết điện, không có ánh sáng mặt trời, chỉ dựa vào hệ thống trang thiết bị", thiếu tá Khôi nói.

"Nhưng hiện tại chúng tôi đã làm chủ được các độ sâu khác nhau trong lòng Biển Đông", anh tự tin khẳng định.

Kíp tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam - những câu chuyện bây giờ mới kể - Ảnh 14.

Trong lòng biển, không có ngày hay đêm. Do tính chất đặc thù của tàu ngầm là hoạt động trong môi trường không gian chật hẹp nên đòi hỏi tính độc lập, tự chủ, quyết đoán của từng thủy thủ cao và sự phối hợp, ăn ý toàn kíp tàu rất lớn.

Làm chủ vũ khí trang thiết bị khí tài ở môi trường hoạt động bình thường đã khó. Để làm chủ và khai thác hiệu quả vũ khí trang bị tàu ngầm trong lòng biển còn khó hơn rất nhiều.

Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Dũng, tiểu đội trưởng máy hầm tàu 182-Hà Nội, nói: "Trong vận hành tàu, không cho phép sai sót và sự không hiểu nhau ở bất cứ vị trí nào. Mỗi thủy thủ tàu ngầm là một mắt xích. Chỉ cần một mắt xích rơi ra là ảnh hưởng tới sự an nguy của cả con tàu. Do đó, tinh thần kỷ luật của thủy thủ tàu ngầm rất cao, phải vô cùng tỉ mỉ, cẩn trọng.

Điều tự hào nhất là sự đoàn kết của cả tàu. 18 năm trong quân ngũ thì chúng tôi đã sống với nhau 10 năm, chỉ nhìn sau lưng đã biết đồng đội mình, biết cả dáng đi, tính nết"…

Thượng tá Nguyễn Văn Quán, chính ủy Lữ đoàn 189, cho biết: "Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 189 luôn xác định xây dựng yếu tố con người là yếu tố trung tâm, quyết định kết quả, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ.

Đến nay, khẩu hiệu hành động: "Vinh dự - trách nhiệm, lịch thiệp - kỷ cương, đoàn kết - khiêm nhường, kiên cường - quyết thắng" đã trở thành nét văn hóa đặc thù của thủy thủ tàu ngầm, được biểu hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống và trở thành niềm tự hào của mọi cán bộ, thủy thủ Lữ đoàn tàu ngầm 189 Hải quân.

Kíp tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam - những câu chuyện bây giờ mới kể - Ảnh 15.
Kíp tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam - những câu chuyện bây giờ mới kể - Ảnh 16.

MY LĂNG
QUANG TIẾN, ĐẮC THẮNG, MY LĂNG, HÀ VĂN TÝ
Kiều Nhi
Bảo SuZu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên