19/11/2004 11:04 GMT+7

Kinh doanh tài sản trí tuệ - ngành của tương lai

S.NGUYỄN - Theo Newsweek (22-11)
S.NGUYỄN - Theo Newsweek (22-11)

TTO - "Cựu binh" của hãng Microsoft Nathan Myhrvold đang điều hành một công ty không làm ra sản phẩm nào nhưng nắm giữ chiếc chìa khóa cho kỷ nguyên kinh doanh mới: tài sản trí tuệ.

hy26jgcy.jpgPhóng to
Ông Nathan Myhrvold
TTO - "Cựu binh" của hãng Microsoft Nathan Myhrvold đang điều hành một công ty không làm ra sản phẩm nào nhưng nắm giữ chiếc chìa khóa cho kỷ nguyên kinh doanh mới: tài sản trí tuệ.

Văn phòng của Intellectual Ventures nằm trong một khu vực đầy "bí hiểm" của thành phố Seattle (Mỹ) và chứa đựng những bằng chứng về sở thích đa dạng của Myhrvold. Cựu giám đốc kỹ thuật Microsoft này là một nhà khoa học và ông có một bộ sưu tập kính hiển vi cổ xưa trong văn phòng.

Nhà triệu phú đồng thời là một tay săn ảnh nên những tấm hình ấn tượng chụp cảnh thiên nhiên có thể được thấy khắp tường. Myhrvold còn là một cây bút đáng nể nên phòng trước của công ty đầy các máy đánh chữ cũ. Và vì ông là một nhà cổ sinh vật học nên trên tiền sảnh có đầu một con khủng long bạo chúa khổng lồ, bản sao của con khủng long trong phim "Jurassic Park" phần hai.

Myhrvold và đối tác Edward Jung, cựu giám đốc phần mềm của Microsoft, đã lập ra Intellectual Ventures cho thế kỷ 21. Công ty này nhờ bên ngòai gia công (outsourcing), thực hiện ngọai biên (offshoring) và chuyển giao (offloading) hầu như mọi công việc được thực hiện bởi các công ty bình thường. Intellectual Ventures không có nhà máy, xưởng chế tạo hay bộ phận tiếp thị.

Chỉ có những luật sư về bằng sáng chế làm việc lặng lẽ. Kế họach của công ty có tuổi đời năm năm này là sáng tạo hay mua lại các ý tưởng mới, tích lũy các bằng sáng chế và cho các công ty có nhu cầu thuê những ý tưởng này. Theo Myhrvold, do các doanh nghiệp ngày nay luôn bận kiếm tiền bù đầu nên "sẽ là vô trách nhiệm nếu chẳng may họ suy nghĩ một cách táo bạo thóat khỏi khuôn khổ". Và Intellectual Ventures "đang suy nghĩ táo bạo hơn, say mê hơn bất kỳ công ty nào khác".

Để cho ra các ý tưởng có thể cấp bằng được, Intellectual Ventures thuê một chục nhà khoa học hàng đầu và tổ chức các cuộc họp mỗi tháng mà công ty gọi là những "cuộc họp phát minh". Các luật sư sẽ ghi lại những cuộc thảo luận về những chủ đề từ công nghệ sinh học đến công nghệ vi mô, vật lý bán dẫn... từ đó chọn những ý tưởng hứa hẹn nhất để đăng ký bằng phát minh.

Một trong những chuyên gia làm bán thời gian cho Intellectual Ventures, tiến sĩ Leroy Hood thuộc Viện Công nghệ sinh học Seattle nói: "Chúng tôi nghĩ về cách để bạn có thể giải quyết những vấn đề chưa bao giờ được giải quyết". Nhưng do chỉ mới tổ chức các cuộc họp kiểu này trong một năm nay nên hàng trăm ý tưởng mới vẫn chưa được sử dụng và việc kiếm ra tiền phải mất đến ít nhất ba năm nữa.

Song các ý tưởng mới chỉ là một phần nhỏ kế họach kinh doanh của Intellectual Ventures. Các nguồn tin thân cận cho biết Myhrvold đã huy động khỏang 350 triệu USD từ những công ty kỹ thuật cao lớn nhất thế giới: Microsoft, Intel, Sony, Nokia và Apple. Google và eBay mới đây cũng đã đầu tư vào Intellectual Ventures. Với hầu bao khổng lồ, công ty này mua đứt một số lượng lớn bằng phát minh (Myhrvold không tiết lộ bao nhiêu nhưng có nguồn tin nói khỏang 1.000 bằng).

Chiến lược của ông là lập nên một dạng phiên chợ bằng phát minh. Những người sỡ hữu bằng kiếm được tiền từ những ý tưởng đã "đóng bụi" trong khi các nhà đầu tư có quyền sử dụng chúng mà không bị kiện. Giới chuyên gia về tài sản trí tuệ nhận xét kế họach kinh doanh của Myhrvold là táo bạo và chưa có tiền lệ, thích ứng với môi trường làm ăn mới mẻ và biến chuyển không ngừng.

Hiện nay tài sản trí tuệ là nguồn sở hữu có giá trị nhất, cũng là dễ bị xâm phạm nhất của mọi công ty trên thế giới. Tài sản trí tuệ đã trở thành sản phẩm số một của Mỹ như năm ngóai tiền bán vé xem phim, đĩa DVD và băng hình đã vượt qua tổng nguồn thu của ngành sản xuất thép. Tài sản trí tuệ đã là một giá trị độc lập có thể trao đổi, bán hoặc tranh giành.

Trước đây các công ty lớn luôn cáo buộc các đổi thủ ăn cắp ý tưởng của mình. Nhưng giờ đây công ty nào có nhiều bằng phát minh hơn cộng thêm một số luật sư giỏi là có thể thắng kiện. Và những công ty lớn nhất với nhiều sản phẩm nhất "đụng" đến nhiều bằng phát minh nhất đang là những mục tiêu bị kiện tụng. Năm ngóai, Microsoft bị yêu cầu trả 520 triệu USD do vi phạm bằng phát minh của công ty Eolas giúp người sử dụng có thể xem phim hay nghe nhạc trong một trình duyệt web (Microsoft đang kháng cáo).

Đây đích thực là nơi Intellectual Ventures đặt chân vào. Công ty này mua bằng phát minh từ mọi ngóc ngách của thế giới kỹ thuật cao. Một bức thư điện thử được Intellectual Ventures gửi cho các công ty luật và tư vấn, quảng cáo công ty này "muốn mua bằng phát minh và những ứng dụng trong các lĩnh vực phần mềm, thương mại điện tử, thông tin, bán dẫn, đồ điện gia dụng và máy tính". Với những bằng phát minh này, Intellectual Ventures sẽ bảo vệ cho các nhà đầu tư của mình.

Nhưng Myhrvold cũng có ý định kiếm tiền từ những những nhà hậu thuẫn chứ không chỉ đơn thuần là bảo vệ họ. Intellectual Ventures có thể đòi tiền cấp giấy phép từ đối thủ của các nhà đầu tư cho công ty này như Yahoo và Amazon. Intellectual Ventures cũng có thể tạo ảnh hưởng trên thị trường với một công nghệ mới, ví như bộ xử lý silicon nhanh hơn, và yêu cầu các hãng chế tạo vi mạch trả tiền để sử dụng. Hoặc Myhrvold cũng có thể thay đổi hướng đi và lập ra các công ty thật sự để "tiêu hóa" các ý tưởng tốt nhất của mình.

Myhrvold và Jung chỉ trích các công ty tại Thung lũng Silicon đã đánh cắp phát minh của người khác trong một thời gian dài đồng thời cắt giảm chi phí nghiên cứu - phát triển (R&D) của mình. "Nếu các tập đòan kiếm được hàng tỉ USD từ các ý tưởng của chúng tôi, tôi muốn một phần trong đó và tôi không nghĩ có điều gì đấy không ổn". Ông dự báo kế họach kinh doanh của mình sẽ gây nhiều tranh cãi nhưng lưu ý "Mọi thứ mới mẻ trong cuộc sống đều bị một vài người phản đối".

Vậy cách làm ăn này sẽ đi tới đâu? Myhrvold hồi tưởng lại những ngày đầu làm cho Microsoft ông bị chỉ trích đem phần mềm đi bán. Ngày nay ngành công nghiệp "chiếu trên" này kiếm được hàng núi tiền và Myhrvold lặp lại câu thần chú: "Tài sản trí tuệ là phần mềm kế tiếp". Nói cách khác, ông kỳ vọng một ngành công nghiệp mới mẻ như Intellectual Ventures chuyên làm ăn với các ý tưởng. Ông rất tin chắc vào điều này, thậm chí đã có thêm thú vui mới: nghiên cứu việc cấp bằng phát minh.

S.NGUYỄN - Theo Newsweek (22-11)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên