28/03/2012 10:53 GMT+7

Kim Xuân: Yêu nghề thì khán giả yêu mình!

BÀ TÁM
BÀ TÁM

TTC - Trong bộ phim Dù gió có thổi, vai người mẹ, người vợ, người chị dâu và con dâu trong nhà đã khiến tôi chú ý. Chú ý vì cách xử lý sao cho “đẹp” lòng mọi người để gia đình lúc nào cũng an vui.

Gương mặt:

Kim Xuân: Yêu nghề thì khán giả yêu mình!

8DJ05bhd.jpgPhóng to

Với bà mẹ chồng khó tính lại khác nhau về tính cách, cách sống (mẹ chồng người Bắc, dâu người Nam) thì luôn gượng nhẹ, vuốt ve, chìu chuộng hết mức có thể. Với chồng thì hết lòng chăm sóc, tin tưởng, còn với con cái thì hết lòng thương yêu, dạy dỗ điều hay lẽ phải cho con. Đặc biệt, với thằng em chồng hơi ba trợn, lúc nào cũng muốn chiếm căn nhà của vợ chồng bà thì lúc gượng nhẹ, lúc thẳng thừng…

Các tình huống ấy phải “ba đầu sáu tay” mới an trên bình dưới được. Nhất là phải làm sao cho chú em chồng vốn trái tính trái nết, luôn muốn giành căn nhà duy nhất của anh và các cháu mình phải qui phục, kính nể và quên đi tư tưởng xấu. Để thể hiện đạt các tình huống ấy diễn viên phải có nghề. Nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân đã làm khá tốt vai diễn ấy. Với vai diễn này, tôi thấy hết tài của chị, dù không thường coi chị diễn.

Là con gái đầu của hề Văn Vui ở đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ, Châu Thị Kim Xuân sanh ra đã lăn lóc với nghề của cha. Có lẽ vì vậy mà “có máu” diễn viên chăng? Và cũng có lẽ thấy cái nghề trước ánh đèn thì là vua quan, sau đó lại cơm hàng cháo chợ, nên 5 tuổi chị được “bà nội chị bắt về Sài gòn để đi học”. Ai trong nhà cũng nghĩ chị sẽ trở thành “cái gì đó” chớ hổng phải diễn viên. Thế nhưng trời xui đất khiến..

Sau năm 1975, cũng như nhiều thanh niên khác, Kim Xuân hăng hái tham gia phong trào văn nghệ quần chúng ở quận Bình Thạnh. Là con nhà nòi nên hát hò là chuyện nhỏ, ít lâu sau chị được chọn đi học kịch nói ở thành phố. Đồng khóa với chị có Lê Hành (bác sĩ, ca sĩ), Tường Vi…

Sau thời gian học, thấy chị có năng khiếu, thầy của lớp là nghệ sĩ nhân dân Can Trường đã chọn chị thi vào đoàn Kịch nói Cửu Long Giang. Và đây là bệ phóng đưa chị bay cao lao sâu vô nghề diễn viên sân khấu cũng như điện ảnh.

Trên 30 năm đi theo nghệ thuật, với vai đầu tiên là Giao trong vở Tình Ca của Ngô Y Linh, đạo diễn Bạch Lan ở đoàn Cửu Long Giang năm 1978 đã gắn chặt đời chị với sàn diễn. Cho đến nay, chị đã trải qua hàng trăm vai diễn tại các sân khấu như Bông Hồng (1980 đến 1987), sân khấu nhỏ 5B (1990 đến1997), Idecaf (1997 đến 2009) và nay là sân khấu Hoàng Thái Thanh.

“Đã là diễn viên, dù ở bộ môn nào (phim, kịch) thì cách diễn xuất của người nghệ sĩ cũng rất quan trọng.

Không phải ăn mặc đẹp, chải chuốt là thể hiện được khả năng của một nghệ sĩ. Có rất nhiều bạn trẻ quan niệm rằng chọn nghề diễn viên để có hào quang, để trở thành sao nầy sao nọ như các đàn anh đàn chị đi trước, nhưng các bạn đừng quên rằng, để có những thành quả như ngày hôm nay, các thế hệ diễn viên đi trước cũng đã trầy trật, phải hết lòng với nghề nghiệp, hết lòng với từng vai diễn…

Không tôn trọng nghề thì làm sao khán giả tôn trọng mình.” - Chị chia sẻ.

Không những là gương mặt rất quen trên sân khấu kịch, chị còn là một “cây đinh” trong các vở chính kịch và phim truyện của các đài truyền hình.

Vốn có cái máu lì, tính tình lại rất đàn ông, rất quyết đoán, nhiều lần chị làm cho ông xã phải vò đầu bứt tóc khi tự quyết định mọi chuyện liên quan đến nghề nghiệp và “quăng cục lơ” mọi sự góp ý của chồng.

Quyết định bỏ đoàn Bông Hồng, chị “cáp” cùng NSƯT Bảo Quốc, Hữu Châu đi tấu hài, thời điểm Tiếng cười sân khấu rất vượng (năm 1987 đến 1990), có ngày bộ sậu của chị diễn gần 20 suất, mệt ná thở. Nhưng bù lại kiếm tiền cũng kha khá, cơm không dám ăn, chỉ cầm cự bằng “kính thưa các loại nước” để bù trừ. Sau ba năm miệt mài với tấu hài, thấy sức khỏe không còn cho phép và cảm nhận tấu hài không phù hợp với mình cho lắm (!) chị “rút dù”…

Nhận kịch bản Cõi tình ở sân khấu nhỏ 5B (vai nữ họa sĩ) từ tay cố đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, chị trở về với chuyên môn của mình. Và từ Cõi tình, chị rinh HCV cá nhân tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1990 ở Quảng Ninh.

Những năm sau đó, chị lên như diều gặp gió trong lúc nghề nghiệp cũng chín muồi. Liên tục trong các cuộc bình chọn, liên hoan, chị luôn là “cây đinh” trong các đề cử và nhận các Giải diễn viên phụ xuất sắc do Hội điện ảnh Thành phố tặng (1992), Hội nhà báo TP.HCM (1993). Giải Mai Vàng (1997), Giải nữ diễn viên chính (Diệu, vở Thời con gái đã xa) trong Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp mùa thu tại TP.HCM (1998), nữ diễn viên được yêu thích nhất năm 2000. Và điều chị vui sướng nhất đó chính là danh hiệu NSƯT nhận năm 2001, khẳng định quá trình cống hiến nghệ thuật của chị.

O3DxC73n.jpgPhóng to
Tuổi Trẻ Cười số 448 ra ngày 15/03/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

BÀ TÁM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên