06/12/2011 03:11 GMT+7

Kim Chung "xa xỉ" với guitar

TUẤN KHANH
TUẤN KHANH

TT - Guitarist Kim Chung - có thể coi như là một trong những niềm tự hào của Nhạc viện TP.HCM - sẽ có đêm diễn mang tên Kim Chung guitar recital vào 20g ngày 10-12 tại Nhạc viện TP.

zsRyXRYQ.jpgPhóng to
Nghệ sĩ guitar Kim Chung Ảnh: T.T.D.

Buổi biểu diễn nhân kỷ niệm 55 năm Nhạc viện TP.HCM cũng đồng thời là dịp mà cô gái này quyết tâm vứt hết mọi thứ ngoài âm nhạc, để bước vào cuộc hành trình lặng lẽ với tiếng đàn, trả nợ cho niềm đam mê của mình.

Học diễn với ngón tay út

Những trang ghi chép của nền âm nhạc đương đại phía Nam sẽ không thể thiếu câu chuyện một cô gái ôm giấc mơ nhiều năm để được trình diễn guitar cổ điển với dàn nhạc giao hưởng. Và không chỉ một lần, cô gái có tên Kim Chung đó còn muốn biến mình thành một niềm khích lệ cho những ai yêu guitar cổ điển, gầy dựng lại những vàng son của một thời guitar Sài Gòn lừng lẫy.

“Chung sẽ còn sống đến 80 tuổi để bước lên sân khấu trình diễn cho những ai yêu guitar cổ điển. Nếu Segovia còn trình tấu lúc 80 tuổi thì Chung cũng sẽ cố gắng một ngày nào đó tương tự”, Kim Chung nói với một sự mạnh mẽ khác thường so với vóc dáng nhỏ bé của cô. 30 năm gắn bó với lục huyền cầm, vẫn chưa làm phai nhạt một chút tình yêu nào của Kim Chung, cô gái đến với guitar ngày đầu, đầy những chướng ngại thể chất mà thầy của cô là nghệ sĩ Phùng Tuấn Vũ đã có lúc phải ngại ngần.

Từng phát hành ba CD guitar biểu diễn trong năm năm, với số lượng bán ra hơn 10.000 bản, có thể coi guitarist Kim Chung như là một hiện tượng của ngành băng đĩa nhạc cổ điển. Nhiều quán cà phê nhạc Hi-end gần đây mở các bài của Kim Chung, download từ Internet về, cứ nghĩ đó là nhạc của các nghệ sĩ Hàn Quốc hay Nhật Bản. Khi biết ra đó là một nữ nghệ sĩ Việt Nam thì hầu hết chủ quán đều rất ngạc nhiên và thích thú.

Andrés Torres Segovia - nghệ sĩ guitar, người Tây Ban Nha (1893-1987), được nhắc đến với giới guitar cổ điển, không riêng gì ở Việt Nam, như một huyền thoại và là tấm gương của nhiều người muốn thức tỉnh thế giới bằng sự huyền ảo của âm nhạc và lòng tận tụy với nghề. Kim Chung nhắc nhiều lần đến người nghệ sĩ tài danh trong cuộc nói chuyện ngắn, và không giấu được điều cô không thể thiếu là âm nhạc và guitar. Ngày bắt đầu học những bài đầu tiên, bạn bè ai cũng ngạc nhiên trước bí mật của Chung, mà nay đã trở thành một câu chuyện kể đầy phấn khích, đó là ngón tay út của Chung bé và ngắn hơn người bình thường.

Không ai nghĩ Chung có thể thành nghề từ khó khăn bẩm sinh đó. Những bài tập kéo dài ngón làm cô bé 15 tuổi đau đến phát khóc nhiều đêm, lại là điều khiến Chung quyết tâm hơn, quyết tâm hơn nữa. Vài ngày trước buổi trình tấu thứ hai, và có lẽ cũng là kỷ lục của một guitar nữ Việt Nam, Chung cười trong ánh nắng lấp lánh buổi sáng và giơ ngón tay út ra khoe: “Chung đã học, diễn với ngón tay này và sẽ tiếp tục diễn với nó đến hết đời”.

“Chung còn muốn sống rất lâu với guitar”

Trong giới âm nhạc chuyên nghiệp, nhiều người vẫn đùa rằng Kim Chung là một kẻ chơi ngông vì dành dụm tiền để lần lượt ra ba CD riêng của mình, cùng một chương trình biểu diễn với dàn nhạc hết sức công phu vào năm 2006. Nhưng trải qua từng ấy năm, hàng trăm tin nhắn, email thăm hỏi, thúc giục Kim Chung sớm trở lại cuộc chơi trước công chúng cũng đủ cho cô gái này hiểu rằng thế giới này không quên mình, và tiếng đàn của mình đã có một chỗ trú trong cõi nhân gian rộng lớn nhưng vốn lắm vô tình này.

“Tôi chọn cách không tiêu xài xa xỉ cho hưởng thụ bản thân, tôi dành tiền đó cho sự “xa xỉ” vì âm nhạc của mình”, Chung bật cười lớn khi nhẩm tính lại những gì mà cô đã “xa xỉ” cho âm nhạc, nếu giữ lại có thể đã là một tài sản lớn cho mình.

Đã có lúc mệt mỏi Chung quay ra làm kinh doanh. Nhưng rồi nghiệp của đời lại réo gọi, Kim Chung quay lại với guitar và mất một năm để chuẩn bị buổi trình tấu này. Lần này, Chung nói vui là “để đánh dấu chuyện chừa các việc đèo bòng kinh doanh mà quên âm nhạc”. Những bài trình tấu trong chương trình một nửa là những tuyệt phẩm của thế giới, và một nửa là những tuyệt phẩm của Việt Nam được chính Kim Chung và nghệ sĩ Phùng Tuấn Vũ chuyển soạn cho guitar và dàn nhạc.

“Năm năm nữa, Kim Chung với guitar sẽ ra sao?”, câu hỏi tưởng chừng như sẽ làm một cô gái chau mày suy nghĩ, lại được trả lời rất nhanh “sao không hỏi Chung vài mươi năm nữa sẽ ra sao? Năm năm ít quá, Chung còn muốn sống rất lâu với guitar”. Kim Chung trả lời rất nhanh, như một điều sẽ không thể lay chuyển trong suy nghĩ của mình, như là khi sinh ra cô gái này đã được đặt sẵn một con đường là sẽ mãi réo rắt với âm điệu lục huyền cầm.

Nhạc viện “trẩy hội” cùng Gala Guitar 2011

Diễn ra từ ngày 8 đến 18-12, Gala Guitar 2011 có sự tham gia của hơn 70 “cầm thủ” danh tiếng cùng những tài năng guitar trẻ tuổi của Nhạc viện TP.HCM, Học viện âm nhạc Huế, Học viện Âm nhạc quốc gia VN và các nghệ sĩ nước ngoài.

Gala sẽ gồm các lớp học chuyên sâu (master class) với hai nghệ sĩ: Lê Hoàng Minh (đang giảng dạy tại Úc) và Kozo Taté (Nhật) vào 9g các buổi sáng 8, 9 và 12, 13, 14, 15-12 tại Nhạc viện TP. Bên cạnh đó là hội thảo Tìm hiểu về đàn guitar với phần thuyết trình sống động, được thực hiện công phu của giảng viên, nghệ sĩ John Jiang (Đài Loan) cùng phần diễn tấu của nghệ sĩ Nguyễn Trí Đoàn và Lê Hoàng Minh vào 17g ngày 15-12.

Hiển nhiên, gala không thể thiếu các buổi hòa nhạc làm nức lòng khán giả mộ điệu với mức vé khá “mềm” (150.000 và 200.000 đồng) như đêm Kozo Taté và các guitarist trẻ (15-12) và hai đêm hòa nhạc đỉnh cao vào tối 16 và 17-12 với phần tham gia của nhiều nghệ sĩ guitar tên tuổi. Khán giả sẽ được thưởng thức rất nhiều tác phẩm kinh điển lẫn những tác phẩm đương đại dành cho guitar trong những đêm diễn này.

Đặc biệt nhất sẽ là tiết mục biểu diễn Tổ khúc dân ca Brazil do 55 “cây guitar” cùng hòa tấu, được đánh giá có thể ghi vào sách kỷ lục VN, trong hai đêm gala 16 và 17-12.

TUẤN KHANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên