22/04/2012 15:08 GMT+7

Kiều Văn Thanh lên tiếng đính chính

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Sự việc vốn không có gì đáng phải tranh cãi sau khi nghệ sĩ Mai Đình Tới thừa nhận việc chưa đăng ký bản quyền với nhạc cụ ống nước tự chế và thí sinh Kiều Văn Thanh cho hay chưa hề biết đến nghệ sĩ Tới trước đó.

Tìm kiếm tài năng: thí sinh có “đạo” ý tưởng?Nghệ sĩ Mai Đình Tới: Tôi cần lời xin lỗi

YxeHtPeu.jpgPhóng to
Thí sinh Kiều Văn Thanh và nhạc cụ bằng chổi lau nhà trong đêm chung kết đầu tiên của Tìm kiếm tài năng phát sóng tối nay 22-4 - Ảnh: TTD

Tuy nhiên khi trả lời phỏng vấn trên trang chủ của chương trình Vietnam’s Got Talent, Kiều Văn Thanh thể hiện sự thiếu nhất quán khi trả lời từng xem tiết mục biểu diễn của ông Mai Đình Tới trên tivi.

Hôm nay (22-4), sau khi kết thúc phần thi của mình tại vòng chung kết đầu tiên chương trình Tìm kiếm tài năng - Vietnam’s Got Talent, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với Kiều Văn Thanh về sự bất nhất gây nên tranh luận không đáng có trong vài ngày nay. Khi được hỏi chính xác thí sinh này từng xem qua những màn trình diễn của nghệ sĩ Mai Đình Tới hay chưa, anh vẫn khẳng định chưa từng xem.

Về lý do có sự thiếu nhất quán trong việc trả lời báo chí, thí sinh này cho biết: “Tôi cũng… không biết! Tôi luôn xem chú Mai Đình Tới là bậc đàn anh đi trước và mình chỉ là hậu bối. Có lẽ do tâm lý lo lắng hồi hộp, lần đầu tiếp xúc báo giới nên mới trả lời là xem rồi. Chứ thật tình tôi chưa từng xem hay biết đến chú Tới trước đó. Tôi xin đính chính về phần trả lời của mình trên vietnamgottalent.vn”

Có lẽ cũng tiếp thu và theo dõi vụ việc trong vài ngày qua, mà trong phần thi của mình tại đêm chung kết 1 của Tìm kiếm tài năng (được phát sóng tối nay 22-4 trên VTV3), Kiều Văn Thanh không hề sử dụng nhạc cụ ống nước tự chế mà thay vào đó là ghế và cây lau nhà!

Xoay quanh câu chuyện nghệ sĩ Mai Đình Tới "kiện" thí sinh Kiều Văn Thanh “xâm phạm bản quyền” nhạc cụ “dây ống nước” của ông, nhiều bạn đọc cho rằng ông Tới có sự nhầm lẫn.

Nhiều người cho rằng tài năng ở chỗ trình bày bản nhạc trên nhạc cụ đó chứ không phải tài làm nhạc cụ. Liệu ông Mai Đình Tới có phải là người đầu tiên sáng chế ra nhạc cụ “dây ống nước”?

Tuy nhiên, cũng có bạn đọc cho rằng thí sinh Kiều Văn Thanh nên nói "một lời" rằng mình có biết hay chưa từng biết về nghệ sĩ Mai Đình Tới

pCRKdxgP.jpgPhóng to
Thí sinh Kiều Văn Thanh và nhạc cụ bằng ống nước tự chế - Ảnh: T.T.D.
Kiều Văn Thanh với những dụng cụ tự chế trong chương trình Tìm kiếm tài năng - Vietnam’s Got Talent

Tinh thần thượng tôn pháp luật?

Ông Mai Đình Tới có đúng không, anh Kiều Văn Thanh có sai không, có lẽ phải hướng tới việc phân xử theo pháp luật. Tôi nhớ không chính xác cho lắm, khi anh em Bill Gates còn nhỏ, B.Gates muốn sử dụng cái thuyền hay vật dụng gì đó của em gái, cậu ta đã nói với em gái của mình rằng đại loại anh muốn thuê cái thuyền của em, không thèm mượn, đây, hợp đồng thuê đây. Ý tôi muốn nói ở đây là tinh thần thượng tôn pháp luật của người Mỹ và pháp luật Mỹ đã sẵn sàng cho các tình huống như trường hợp anh em nhà Bill...

Phải trung thực

Muốn khiếu kiện một vấn đề nào đó phải có giấy chứng nhận đăng ký bản quyền. Ý tưởng sáng tạo, bắt chước người khác cần phải khuyến khích. Qua việc trên tôi thấy là bình thường thôi bác Tới ạ!

Tuy nhiên, bạn Kiều Văn Thanh - "người ở miền Tây Nam bộ" - phát biểu chưa thấy, gặp, nghe bác Tới biểu diễn là thật vô lý. Một người nổi tiếng biểu diễn được phát trên truyền hình cả nước và lưu diễn khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ, trong khi đó bạn cùng ý tưởng, cùng đồng nghiệp với bác Tới mà nói không biết, không thấy? Thật là lạ!.

Không ai chê trách bạn mà khuyến khích bạn, tuy nhiên chúng ta phải trung thực. Chúng ta biết thần đèn Cẩm Lũy nổi tiếng về việc nâng, di dời nhà cửa, cầu cống,.... Nhiều tiến sĩ thực hiện sau (dựa trên nền tảng cũ) có sao đâu (cùng ý tưởng). Tuy nhiên các tiến sĩ khoa học này cải tiến, sử dụng trang bị hiện đại hơn, nhanh hơn....(như hệ thống kích thủy lực, máy các loại...).

Có thật là đạo ý tưởng?

Xuất phát từ cây sáo trúc, loại nguyên liệu mà khắp làng quê Việt Nam đâu đâu cũng có, vì thế mà tiếng sáo vang lên khắp nơi, tạo một nét văn hóa đặc trưng cho dân gian nước ta. Ý tưởng lấy một nguyên vật liệu khác để làm nên một cây sáo đã có từ lâu, rất lâu: sáo gỗ, sáo bằng ống sắt, ống nhựa... Sản phẩm của ông Mai Đình Tới cũng lấy từ ý tưởng ấy mà ra với những cung bậc vốn có từ rất lâu đời.

Điều tôi muốn nói là ông Tới đừng quá câu nệ về điều này vì nếu nói thí sinh lấy ống nước làm ra nhạc cụ là "đạo" ý tưởng của ông thì các cung bậc trong nhạc cụ mà ông đã và đang sử dụng lại "đạo" của ai? Một nghệ sĩ chân chính nên có niềm vui khi được người khác đồng cảm với mình và nên coi đó là vốn chung như ông bà đời trước từng làm.

Hỏi ông Tới

Xin hỏi ông Tới cây đàn ghita do ai làm ra? violon, kèn saxophone, trống... do ai làm ra? Thế nhưng ngày nay cả thiên hạ trên thế giới đều sử dụng, chẳng lẽ tác giả của những nhạc cụ đó đi kiện à? Thế giới vinh danh những nghệ sĩ lừng danh bởi lẽ với những nhạc cụ đó (cần nhấn mạnh ở đây nhạc cụ không phải họ làm ra) song nghệ sĩ đã "phù phép" làm nhạc cụ ấy trở nên "độc nhất", mê hoặc người nghe, người xem và gắn liền tên tuổi của nghệ sĩ với nhạc cụ ấy! Nói thẳng, giả sử sau này có ai dùng nhạc cụ là ống nước (và không riêng ống nước) mà chơi điêu luyện và xuất sắc hơn ông Tới thì họ vẫn xứng đáng được vinh danh! Ông Tới nên dừng lại để giữ hình ảnh của mình trong lòng người hâm mộ.

Nghệ sĩ Mai Đình Tới biểu diễn thổi sáo bằng ống nước

Ai phải xin lỗi ai?

Nếu ông Mai Đình Tới quá câu nệ, tôi nghĩ chính ông cũng phải tìm đến thần sáo Nguyễn Đình Nghĩa (trước 1975) để xin lỗi. Lúc còn nhỏ, năm 1967 khi xem trên tivi ngoài việc biểu diễn sáo trúc điêu luyện, tôi còn thấy nghệ sĩ Nghĩa dùng nhiều nhạc cụ tự chế thay sáo trúc như ống nhựa dẻo cuộn tròn, cọng lá đu đủ, chai thủy tinh, ống pô xe gắn máy để chơi một số bài nhạc rất hay. Xin hỏi, vậy ai vi phạm "bản quyền" ai và ai phải xin lỗi ai?

Không có chuyện vi phạm bản quyền

Cái tài ở đây là khả năng trình bày bản nhạc trên nhạc cụ đó chứ không phải tài làm nhạc cụ. Mọi nhạc cụ như đàn, sáo, trống... đều không có ý nghĩa gì đối với một người không biết chơi hoặc chơi không giỏi. Ở đây anh Thanh trình diễn tài thổi sáo làm bằng ống nước, chứ không phải tài làm ống nước thành sáo để nghệ sĩ Tới phải đứng ra tranh chấp. Lẽ ra nghệ sĩ tài phải tự hào vì từ nay đã có một đồ đệ mới phải. Còn nếu thấy cần thì nghệ sĩ hãy đi đăng ký bản quyền làm ra sao từ ống nước. Nhưng tôi sợ lúc đó sẽ có nhiều người, nhất là trẻ con, ra tranh chấp với nghệ sĩ thì có vì chúng đã nghĩ ra cái này từ lâu rồi

Không ai vi phạm bản quyền của ai

Nghệ sĩ Mai Đình Tới không thể đăng ký độc quyền sáng chế dụng cụ sáo bằng ống nước được. Dù ngàn xưa chưa có ống nước bằng nhựa hay cao su như bây giờ, người xưa cũng đã thử nghiệm trên nhiều vật liệu hình ống khác nhau để rồi có được cây sáo bằng trúc, vật liệu tự nhiên cho âm thanh tốt nhất. Việc ông Mai Đình Tới thể hiện nhạc cụ tự chế bằng ống nước chỉ là một trải nghiệm tìm tòi, không có tính phát minh. Ai ai cũng có thể làm như vậy. Ngày còn trẻ con, tôi cũng từng nghịch tìm cách khoét sáo trên các đồ dùng, miễn sao nó chỉ kêu lên một thứ tiếng tu tu (vâng, điếc tai mọi người trong nhà) là thấy khoái rồi.

Việc thí sinh Kiều Văn Thanh trả lời có xem và nói cũng (thừa sức) có thể làm được những dạng nhạc cụ như vậy (cho dù hôm sau thí sinh có nói không biết Mai Đình Tới đã làm được những cái gì). nói cho cùng, sự làm được ở đây chẳng qua chỉ là mô phỏng vào những cái có sẵn. Vì thế những "sản phẩm" của ông Mai Đình Tới hay của thí sinh Kiều Văn Thanh cũng chỉ là một thứ nghịch ngợm giải trí cho vui, không thể gọi là phát minh hay sáng chế gì cả. Cho nên chẳng ai vi phạm bản quyền của ai cả và cũng không có quyền "độc quyền“ gì hết.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên