Phóng to |
Tên thật là Nguyễn Thị Lý, sanh trưởng trong một gia đình trung lưu tại vùng Cây Quéo, Gia Định (nay thuộc Phường 24, Quận Bình Thạnh). Thuở nhỏ, được gia đình gửi cho vú nuôi chăm sóc. Thấy con nhỏ bụ bẫm, gia đình người vú liền xin cha mẹ chị cho nhận làm con nuôi luôn, từ đó chị có hai ông cha và hai bà mẹ.
Sống với cha mẹ nuôi là gia đình rất mê đờn ca tài tử nên chị cũng nhiễm, đôi khi còn lõm bõm hát theo. Cái giọng trong trẻo, ngọt như mía lùi của chị đã làm mềm lòng và được thầy Năm Đồng nhận làm đệ tử. Đêm đêm, một ông thầy cầm thước gõ trên bàn đánh nhịp (vì ông không biết đàn), cô học trò tròn miệng ngân nga làm cho mấy bà già trầu trong xóm tấm tắc khen lấy khen để: Biết đâu con nhỏ sau nầy sẽ làm đào chánh. <?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
Đúng như những lời phỏng đoán, nghệ danh Kiều Mai Lý (do sư phụ Năm Đồng cúng xôi chè đặt cho) đã thành một vị khách mời đặc biệt trong vùng Cây Quéo thời đó. Từ cưới hỏi, đám giỗ, thôi nôi, nói chung hằm bà lằn... đều mời chị để góp vui, và rồi điều chị có nằm mơ cũng hổng thấy lại bất ngờ đến: Trong một lần chạy sô đám giỗ, trong số khách có ông bầu của đoàn cải lương Hoa Xuân, Minh Bá. Nghe chị hát, ông “tê”! Ông liền ngỏ ý mời chị gia nhập đoàn và sẽ làm đào chánh (vì đoàn đang thiếu). Từ đờn ca tài tử, chị đã bước hẳn sang chuyên nghiệp năm 16 tuổi.
Khi Minh Cảnh rời đoàn Kim Chung, lập đoàn hát riêng, lúc đó chị đang là đào chánh của đoàn Minh Luông, Thùy Lan sau khi đoàn Hoa Xuân, Minh Bá rã gánh. Được “Võ Đông Sơ” Minh Cảnh (nổi tiếng một thời với bài ca cổ Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà) mời về làm “Bạch Thu Hà”, chị rất phấn chấn và từ đó cuộc đời làm nghệ thuật của chị phất lên như diều gặp gió. Không bao lâu sau, chị lại chia tay đoàn Minh Cảnh về đoàn Dạ Lý Hương với dàn “sao” lừng lẫy như Bạch Tuyết, Phượng Liên, Ngọc Giàu, Kim Ngọc, Hùng Cường, Thành Được, Út Hiền...
Tuy là đào hai, đào ba nhưng chị vẫn có đất diễn và tên tuổi cũng thuộc hàng “vơ đét”. Từ đào thương, đào mùi dần dà qua đào lẳng, đào quậy (hài) đối với chị chỉ sang ngang trong một tích tắc. Thoạt đầu chị cũng rất lo sợ không biết có làm nổi vai của Kim Ngọc không? Được ông Ba Vân và Hùng Cường châm thêm dầu: “Hát được nhiều vai đó mới chính là nghệ sĩ”. Từ đó hễ mỗi lần Kim Ngọc bận... đi sanh thì chị là người độc nhất thế vai.
Lập gia đình (1973), chị rời đoàn Dạ Lý Hương chuyển sang làm sô cho đài truyền hình Sài Gòn cho đến ngày giải phóng. Được sự thuận tình của ông xã, năm 1976 chị lập đoàn riêng chuyên đánh lẻ tại miền Tây. Chịu không xiết! Cuối năm 1977, chị đầu quân về đoàn Thanh Minh Thanh Nga và cuối cùng là đoàn Trần Hữu Trang (1984).
Cái nét diễn hài của chị lúc còn trong đoàn Thanh Minh Thanh Nga khi tung hứng cùng NSƯT Bảo Quốc rất “ăn rơ” nên từ đó trở về sau, khán giả chỉ biết Kiều Mai Lý qua các vai diễn hài và nhất là vai bà bầu trong vở Bàn thờ tổ của một cô đào đã khẳng định thêm con đường đã chọn.
Hồn nhiên, tươi trẻ, hiền lành và rất giản dị đó là những gì có được của một nữ nghệ sĩ hài đã bước qua tuổi lục tuần như chị...
Tuổi Trẻ Cười số 427 (01-05-2011) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận