Các ngân hàng và công ty kiều hối cho hay năm nay lượng kiều hối nhận tại nhà giảm dần so với nhận kiều hối tại quầy - chuyển khoản - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo lượng kiều hối về VN năm 2021 ở mức kỷ lục 18,1 tỉ USD. Riêng TP.HCM, kiều hối năm nay ước đạt khoảng 6,5 - 6,6 tỉ USD.
Chỉ trong tháng 10 và tháng 11, kiều hối chuyển về TP.HCM tăng khoảng 1 tỉ USD. Theo một số chuyên gia, lượng kiều hối gửi về trong tháng 12 và tháng 1 thường tăng cao so với cùng kỳ những tháng trước, nhiều nhất vào giai đoạn cao điểm hai tuần cận Tết Nguyên đán.
Vì sao kiều hối tăng mạnh?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hùng - giám đốc Trung tâm dịch vụ thanh toán và kiều hối Agribank - cho biết kiều hối qua Agribank tăng trưởng tốt, đạt khoảng 1,1 tỉ USD nếu tính đến cuối tháng 11-2021, cao hơn con số kiều hối qua ngân hàng này trong năm 2020. Nếu ước cả năm nay, ngân hàng có lượng kiều hối đạt 1,2 tỉ USD, tăng 15%.
Theo ông Hùng, nguyên nhân là do ngân hàng đã mở rộng khai thác thị trường Nhật Bản, giúp cho lượng kiều hối từ Nhật Bản - chủ yếu của lực lượng lao động VN tại thị trường này - chiếm tỉ trọng cao hơn cả từ Mỹ.
Theo ông Nguyễn Minh Tâm - phó tổng giám đốc Sacombank, trong 5 năm gần nhất (2016 - 2021), bình quân mỗi năm Sacombank tăng trưởng hơn 30%.
Nhưng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, doanh số kiều hối của ngân hàng này có thời điểm tăng hơn 50% so với năm trước. Năm 2021, kiều hối về VN qua ngân hàng này đạt tốc độ tăng trưởng cao, ước trên 20%.
"Giá trị mỗi món tiền cũng tăng lên từ 10 - 20% so với các năm trước do thu nhập của người gửi tăng khá tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Canada, Úc..." - ông Tâm cho biết.
Ông Vũ Thành Trung - phó tổng giám đốc Công ty kiều hối Đông Á - cho hay lượng kiều hối về VN qua công ty này đã tăng 10% so với cùng kỳ 2020, trong đó nguồn tiền gửi về chủ yếu với mục đích trợ cấp cho người thân.
"Trong bối cảnh đời sống nhiều người dân gặp khó khăn vì dịch Covid-19, nhiều kiều bào cũng như người lao động tại nước ngoài đã tăng cường chuyển tiền về để hỗ trợ chi tiêu sinh hoạt cho người thân tại VN. Món tiền gửi về cho người thân cũng tăng so với cùng kỳ năm trước" - ông Trung cho biết.
Theo chuyên gia ngân hàng Đào Minh Tuấn, trong bối cảnh COVID-19 nhưng kiều hối về VN vẫn tăng so với cả năm ngoái là một điều thuận lợi. Nguồn tiền chủ yếu là từ lao động VN đi làm ở nước ngoài chuyển về trợ cấp thân nhân trong nước gặp khó khăn do dịch.
Không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người dân trong nước, kiều hối còn là nguồn lực tài chính quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước, bù đắp cán cân thương mại, giảm sức ép lên tỉ giá" - ông Tuấn nhận định.
Nguồn kiều hối châu Âu cũng được đổ về từ các thị trường truyền thống - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Kiều hối dịch chuyển qua lao động xuất khẩu
Theo các công ty kiều hối, lượng kiều hối chủ yếu vẫn đến từ các thị trường truyền thống như Mỹ, Canada, Úc. Tuy vậy, tỉ trọng kiều hối từ châu Á cũng tăng lên khi lực lượng xuất khẩu lao động ngày càng nhiều.
Trong khi đó, tại các thị trường truyền thống Mỹ, Úc, Canada..., số lượng người chuyển tiền về đã bắt đầu giảm dần qua các năm do mối quan hệ giữa các thế hệ mới lớn lên tại VN và các nước này ngày càng xa. Hơn nữa, kinh tế VN ngày càng phát triển, việc gửi tiền trợ cấp cũng không còn mang nhiều ý nghĩa.
Ông Nguyễn Minh Tâm cho biết vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, một số nhà máy tại các nước nhận lao động VN phải đóng cửa do dịch COVID-19 bùng phát nhanh kéo theo người lao động VN phải nghỉ việc tạm thời, bị giảm thu nhập.
Tuy nhiên, từ giữa năm 2021 chính phủ tại các thị trường xuất khẩu lao động từng bước kiểm soát dịch. Nhu cầu việc làm tăng trở lại giúp cho các lao động VN tăng thu nhập trở lại và nhu cầu gửi tiền về giúp gia đình tại Việt Nam cũng tăng lên.
Nhiều nước châu Á cũng đang cần nhập khẩu lao động, trong đó có lao động của VN, nên kiều hối khu vực này sẽ tiếp tục phát triển và là thị trường đóng góp quan trọng của các nguồn kiều hối về VN.
Ngoài mục đích hỗ trợ người thân, chủ yếu từ người Việt tại các thị trường ngoại hối truyền thống như Mỹ, Úc và Canada... cùng với kiều hối chuyển về để phát triển kinh tế gia đình từ lực lượng lao động xuất khẩu, một lượng lớn kiều hối được chuyển về nhằm đầu tư của những người có nhu cầu về VN sinh sống khi về già cũng ngày càng phát triển.
Đặc biệt, theo các ngân hàng và công ty kiều hối, tỉ trọng chi kiều hối tại nhà tiếp tục giảm dần so với kiều hối chuyển khoản, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 căng thẳng. Tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân mà người nhận sẽ chọn lựa chọn nhận VND hay ngoại tệ.
Tuy nhiên, trong thời gian dịch COVID bùng phát, khách hàng chuộng nhận bằng hình thức chuyển vào tài khoản bằng VND để tiện cho việc thanh toán các chi phí sinh hoạt cần thiết hằng ngày.
Tại thời điểm giãn cách xã hội, doanh số chi trả bằng VND của một đơn vị chiếm hơn 85% trên tổng doanh số chi trả chuyển về.
Nguồn kiều hối đa dạng
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến doanh số kiều hối vẫn tăng bất chấp dịch Covid-19.
Trong đó, có thể kể đến là do xuất phát từ việc Chính phủ ban hành chính sách phong tỏa biên giới, nhiều người dân VN ở nước ngoài không thể về VN để thăm gia đình nên đã chuyển tiền về nhiều hơn nhằm hỗ trợ người thân.
Dù tình hình đã được cải thiện nhưng đi lại khó khăn và tâm lý sợ lây nhiễm cũng là một trong những nguyên nhân để kiều bào gửi tiền về hỗ trợ người thân thay vì về trực tiếp.
Ngoài ra, Mỹ và các nước phát triển đã quen và kiểm soát tốt dịch COVID-19 càng giúp kinh tế hồi phục, tạo việc làm và tăng thu nhập cho bà con kiều bào tại nước ngoài và khuyến khích người Việt đi xuất khẩu lao động có thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng rất khó tìm được câu trả lời xác đáng cho hiện tượng lượng kiều hối chuyển về tăng mạnh dù dịch bệnh.
Trong thực tế, kiều hối chuyển về qua Agribank gần như toàn bộ là từ nguồn lao động, với các khoản tiền có trị giá nhỏ, lượng giao dịch rất nhiều...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận