Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022
Hôm nay (22-7), Quốc hội sẽ dành một ngày để trình bày và thảo luận về báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2021 cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Nhiều thách thức
Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ cho biết đã tập trung thực hiện mục tiêu kép với nhiều chỉ đạo sát sao. Theo đó, nhiều giải pháp phòng chống dịch được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân; cố gắng cao nhất bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, tạo niềm tin trong nhân dân.
Nhờ vậy, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỉ giá ổn định, tín dụng phục hồi. Song Chính phủ cũng nhìn nhận tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu, cán cân thương mại nghiêng về nhập siêu.
Đặc biệt, Chính phủ đánh giá chiến lược vắc xin gặp nhiều thách thức, tỉ lệ dân số được tiêm chủng còn thấp, nguy cơ có thể lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới vì không đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vắc xin.
Việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, thu hút FDI giảm, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 24,9% bao gồm cả doanh nghiệp quy mô lớn, tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi tăng, đời sống người dân còn khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ khẳng định vẫn kiên định với mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; đề ra hai kịch bản tăng trưởng GDP ở mức 6 - 6,5% để phấn đấu thực hiện.
Đẩy mạnh chiến lược vắc xin, hỗ trợ doanh nghiệp
Với các giải pháp trọng tâm, Chính phủ nhấn mạnh việc quyết liệt đẩy mạnh chiến lược tiêm vắc xin, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có vắc xin phòng Covid-19. Từ đó phấn đấu đạt tỉ lệ tiêm chủng 70% trong thời gian sớm nhất được xem là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược.
Tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính ngân sách, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, có giải pháp thu hút FDI phù hợp. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả.
Tập trung phát triển hạ tầng số, hạ tầng logistics, giao thông, năng lượng. Phát triển đồng bộ giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ công nghệ, tạo nền tảng phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng - an ninh…
Hoàn thiện quy định pháp luật đồng bộ để chống dịch hiệu quả
Thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, nhiều đại biểu cho rằng cần đồng bộ các quy định pháp luật để công cuộc chống dịch hiệu quả hơn. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị Quốc hội cần có nghị quyết khẩn cấp về phòng chống dịch COVID-19 để nhân dân, Chính phủ đồng lòng, quyết tâm và tự tin hơn trong chống dịch.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng đồng tình sớm có văn bản của Quốc hội về công tác phòng chống dịch. Theo ông Ngân, hiện có rất nhiều vấn đề cần được tháo gỡ như quy định về mua sắm vật tư, máy móc thiết bị; vấn đề tăng hình phạt khi vi phạm quy định trong phòng chống COVID-19; các quy định liên quan đến nhân lực, tài chính, chính sách nhân lực, đội ngũ tham gia phòng chống dịch…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay, về phòng chống COVID-19, Chính phủ đang làm rất kịp thời và nỗ lực, trong trường hợp cần thiết sẽ trình một số dự án luật.
Cử tri đề nghị minh bạch việc tiêm vắc xin COVID-19
Viện Y dược học dân tộc TP.HCM bố trí bộ phận công nghệ thông tin để làm hồ sơ sức khỏe qua app điện thoại, qua đó người đến tiêm vắc xin COVID-19 không cần phải đem theo giấy tờ và bộ phận tiêm cũng dễ quản lý được người nào đã tiêm (ảnh chụp chiều 21-7) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân do Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến Quốc hội khóa XV cho thấy việc thành lập Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 được đông đảo nhân dân quan tâm. Cử tri đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất vắc xin COVID-19 trong nước. Triển khai minh bạch, thuận lợi, an toàn chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc, phấn đấu đạt mục tiêu cuối năm 2021, đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng.
Cử tri cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục đề ra nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm, quan tâm đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, vùng kinh tế động lực, địa bàn còn nhiều khó khăn. Đồng thời tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cũng theo báo cáo, đa số ý kiến cử tri và nhân dân rất lo lắng về tình hình dịch bệnh COVID-19. Dịch bệnh lây lan ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, dẫn đến việc một số lượng lớn người lao động bị thiếu hoặc mất việc làm, thu nhập bấp bênh. Do vậy, cử tri mong muốn các ngành chức năng tiếp tục quan tâm nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là hộ nghèo và hộ cận nghèo. Quan tâm tới đời sống người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đồng thời mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương khẩn trương thực hiện gói 26.000 tỉ đồng với thủ tục đơn giản, kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận