01/06/2018 09:23 GMT+7

Kiện bệnh viện vì phẫu thuật chân lành thành... chân 'què'

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Cho rằng bác sĩ phẫu thuật thất bại khiến mình không thể đi lại được, bệnh nhân đã kiện bệnh viện (BV) ra tòa yêu cầu bồi thường. Trong khi đó, phía BV khẳng định đã làm đúng chuyên môn.

Kiện bệnh viện vì phẫu thuật chân lành thành... chân què - Ảnh 1.

Bà Hường và hồ sơ bệnh án - Ảnh: T.L.

TAND Q.5 (TP.HCM) đang thụ lý và chuẩn bị đưa ra xét xử vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là bà Dương Ngọc Hường (65 tuổi, ngụ Bình Dương) và bị đơn là BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM.

Hệ lụy sau phẫu thuật

Trong vụ kiện này, bác sĩ Nguyễn Huy Toàn - người tiến hành ca phẫu thuật cho bà Hường - được tòa án xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Tháng 8-2013, bà Hường bị đau chân nên đến khám tại BV Đa khoa tỉnh Bình Dương. Kết quả khám và chụp X-quang cho thấy bà bị thoái hóa khớp, có gai xương và được bác sĩ điều trị kê toa cho uống thuốc.

Nửa năm sau, do khớp gối vẫn bị viêm và sưng nên bà Hường đến BV Nguyễn Tri Phương khám, chụp MRI. Kết quả bà bị thoái hóa khớp, có gai xương và không phát hiện thêm bệnh gì khác so với kết quả khám tại BV Đa khoa tỉnh Bình Dương. 

Bác sĩ đã tư vấn cho bà nhập viện vào khoa cơ xương khớp. Phương pháp điều trị là tiêm chất nhờn để bôi trơn khớp gối. Một mũi có giá 1,2 triệu đồng và tiêm 5 mũi liên tục trong năm tuần.

Theo bà Hường, sau khi tiêm mũi đầu tiên khoảng 30 phút, bà thấy chân phải nặng trĩu, không đi được nên phải nằm viện theo dõi. Bác sĩ đã chuyển bà sang khoa chấn thương chỉnh hình để chụp MRI kỹ thuật cao. 

Sau đó, bà Hường làm thủ tục xuất viện ở khoa cơ xương khớp và làm thủ tục nhập viện vào khoa chấn thương chỉnh hình của BV Nguyễn Tri Phương.

Sau khi chụp MRI, bà Hường được thông báo kết quả bị thoái hóa khớp, có gai, sụn bị rách và khuyên bà phẫu thuật nội soi cắt lọc, khoan xương kích thích tủy xương dưới sụn. Với phương pháp này sẽ duy trì khớp gối được 5-10 năm và không gây hại gì. 

Vốn cẩn thận, bà Hường đã đề nghị được hội chẩn trước khi phẫu thuật và có camera ghi lại quá trình phẫu thuật.

Ngày 27-2-2014, ca phẫu thuật được tiến hành nhưng 5 tuần sau phẫu thuật, bà Hường không đi lại được. Bà nhiều lần phản ảnh về tình trạng của mình đến bác sĩ điều trị và lãnh đạo BV Nguyễn Tri Phương nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. 

Tháng 11-2014, bà Hường đã đến BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM thay khớp chân phải. Sau khi thay khớp, bà mới có thể đi được. Hiện nay, bà Hường đi yếu, bị hạn chế vận động.

Kiện bệnh viện vì phẫu thuật chân lành thành... chân què - Ảnh 2.

Bà Dương Ngọc Hường đã khởi kiện bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Không có sai sót trong phẫu thuật?

BV Nguyễn Tri Phương cho rằng đã rà soát chuyên môn và thấy bệnh của bà Hường được điều trị theo các bước: điều trị nội khoa, mổ nội soi cắt lọc, nếu bệnh vẫn diễn tiến sẽ phải mổ thay khớp. Phương pháp phẫu thuật cho bà Hường là đúng chỉ định và phương pháp điều trị. 

Bác sĩ Nguyễn Huy Toàn - người phẫu thuật cho bà - là người có chứng chỉ hành nghề đúng chuyên môn và đã có kinh nghiệm mổ nhiều ca tương tự.

Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP.HCM và Bộ Y tế cũng đã họp và kết luận chỉ định khám, chẩn đoán và điều trị cho bà Hường đúng quy trình. 

Theo Bộ Y tế, trong vụ việc của bà Hường thì bác sĩ phẫu thuật chỉ có thiếu sót là chưa tư vấn cặn kẽ cho người bệnh về diễn biến tự nhiên của bệnh thoái hóa khớp gối và hiệu quả điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.

Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh - trưởng khoa chấn thương chỉnh hình BV Nguyễn Tri Phương - cho biết vụ việc của bà Hường, Sở Y tế và Bộ Y tế đã có kết luận bác sĩ không sai về chuyên môn. 

"Việc phẫu thuật không thể lúc nào cũng thành công. Phẫu thuật thất bại là nằm ngoài khả năng của bác sĩ. Chính vì vậy, chúng tôi đã chuyển qua phương pháp điều trị khác là thay khớp cho bà Hường và hiện nay thay khớp xong bà đã đi lại được" - bác sĩ Nam Anh nói.

Không đồng tình với trả lời của BV, bà Hường vẫn cho rằng việc phẫu thuật cho bà thất bại khiến bà từ một người đi lại bình thường trở thành người tàn tật, phải thay khớp gối. 

Ngoài ra, theo bà Hường, bà nhập viện khoa chấn thương chỉnh hình lúc 10h15 ngày 24-2-2014. Tuy nhiên, biên bản hội chẩn trước phẫu thuật của bà lại diễn ra lúc 8h cùng ngày, tức trước khi bà nhập viện. 

Từ đó, bà cho rằng đây là biên bản ngụy tạo, chứ thực tế không có hội chẩn khiến ca phẫu thuật có sai sót.

 Trả lời vấn đề này, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh nói khi bệnh nhân làm thủ tục nhập viện thì bộ phận tiếp đón đã nhập hồ sơ vào máy để chuyển đến các bộ phận liên quan. Sau đó, ca trực sẽ làm trước "sườn" của biên bản hội chẩn để các bác sĩ phê duyệt. 

Bác sĩ Nam Anh khẳng định tuyệt đối không có chuyện bệnh nhân chưa nhập viện mà BV đã hội chẩn.

Theo lời bà Hường, khi nhập viện, bà đã nộp cho BV các phim X-quang của BV Đa khoa tỉnh Bình Dương. Các phim này thể hiện bà chỉ bị thoái hóa khớp, có gai xương, chứ không hỏng sụn khớp hoàn toàn. 

Tuy nhiên, sau khi được chích thuốc và làm phẫu thuật tại BV Nguyễn Tri Phương thì bà đã mất hoàn toàn sụn, phải thay khớp gối toàn phần. Bà đã yêu cầu tòa phải thu thập các phim X-quang của BV Đa khoa tỉnh Bình Dương và của BV Nguyễn Tri Phương sau phẫu thuật để đối chiếu. 

Hiện nay, tòa án đã yêu cầu BV Chấn thương chỉnh hình và BV Nguyễn Tri Phương nộp lại các phim X-quang này để làm cơ sở giải quyết vụ án.

Năm 2015, bà Hường nộp đơn khởi kiện ra TAND Q.5 yêu cầu BV Nguyễn Tri Phương bồi thường chi phí việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe đối với quá trình điều trị khớp gối là 372 triệu đồng. 

Sau hơn 3 năm thụ lý, hiện TAND Q.5 đang chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử.

Bị 'tước vũ khí', bệnh nhân kiện bác sĩ Bị "tước vũ khí", bệnh nhân kiện bác sĩ

TT - Một bác sĩ có tên tuổi ở huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã cắt trọn “của quý” của bệnh nhân nam tại phòng mạch tư khiến ông này vác đơn đi kiện.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên