08/08/2004 21:28 GMT+7

Kiếm sống trên đất Áo

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TT - “Xin chào, ở đây có cho tôi một việc làm gì được không?”. Đó là câu tiếng Đức duy nhất làm bửu bối quý như vàng mà chúng tôi học thuộc lòng để đi xin việc trong những ngày chân ướt chân ráo đến nước Áo xa lạ.

cFeMmf0t.jpgPhóng to
Trong quán ăn Chào Việt Nam tại Áo - Ảnh: Trung Nghĩa
TT - “Xin chào, ở đây có cho tôi một việc làm gì được không?”. Đó là câu tiếng Đức duy nhất làm bửu bối quý như vàng mà chúng tôi học thuộc lòng để đi xin việc trong những ngày chân ướt chân ráo đến nước Áo xa lạ.

Chủ người bản xứ ngẩng đầu lên hỏi lại: “Thế các ông muốn làm việc gì nào?”. Chúng tôi hoàn toàn... bí, ngớ người ra vì có học câu tiếng Đức thứ hai nào đâu mà trả lời.

Vạn sự khởi đầu nan

Chuyện thực tế đó do Đức, một người quê gốc Nam Định, sang châu Âu từ năm 19 tuổi kể lại. Áo là quốc gia nhỏ có vị trí giữa châu Âu, là nơi tiếp giáp giữa Tây Âu và Đông Âu nên ngẫu nhiên trở thành điểm ghé của nhiều người Việt ở Đông Âu muốn sang lập nghiệp tại Tây Âu. Từ đây họ có thể sang nước thứ ba hoặc ở lại định cư luôn tại Áo. Hành trình di cư của họ khá gian nan.

Đức quyết định phiêu lưu vượt biên giới sang Áo sau bốn năm theo học nghề mộc tại thủ đô Prague (Tiệp Khắc cũ, nay là CH Czech) mà tương lai vẫn mờ mịt. Toán đi gồm 12 thanh niên Việt, mỗi người trả phí 120 USD cho người dẫn đường tên Hải. Họ tập trung tại quận 9 Prague để rồi vào một đêm tối trời, ôtô của Hải đưa họ đến sát biên giới Tiệp - Áo và thả xuống cạnh bìa rừng.

Hải chỉ họ hướng đi băng rừng, còn anh ta lái ôtô qua biên giới đón họ ở bìa rừng bên kia. Đức và đoàn người lầm lũi vượt rừng trong đêm không biết bao lâu thì gặp xe của Hải chờ sẵn. Cả bọn leo lên cốp xe và nằm chờ đến khi xe dừng lại tại một điểm khỉ ho cò gáy trên đất Áo. Hải chỉ tay bảo mọi người cứ theo con đường này mà đi, sẽ có nhân viên Sở Di trú Áo đón, còn anh ta quay xe về lại đất Tiệp.

“Đó là lần cuối cùng tôi thấy Hải. Sau này nghe nói anh ta đã bị bắt vì tội đưa người vượt biên trái phép như vậy rất nhiều lần” - Đức kể. Sống lưu lạc và buộc phải dựa vào đồng tiền trợ cấp trên đất Áo được một năm, Đức mới kiếm được một chân rửa bát đĩa tại một nhà hàng. Bấy giờ anh phải “làm đen” - tiếng lóng chỉ việc làm chui của người chưa được Bộ Lao động Áo cấp giấy phép làm việc, chủ thuê cũng trả lương thấp và không đóng thuế theo qui định nước sở tại. Mãi nhiều năm về sau Đức mới được làm công chính thức.

Những năm gần đây người Việt tại Áo có khoảng 5.000 người, trong đó quá nửa sinh sống tại thủ đô Vienna. Nhóm người liều lĩnh nhập cư trái phép vào đất Áo cùng đợt với Đức sau bao năm tháng bươn chải vất vả, phần lớn nay cũng đã tạm yên bề. Người làm công hãng xưởng, người mở quán nhỏ, người lấy vợ Tây...

Làm ăn và sinh sống

hVAhDz8I.jpgPhóng to
Cây đàn t’rưng trong quán ăn Chào Việt Nam - Ảnh: Trung Nghĩa

Siêu thị châu Á có khá nhiều ở Vienna, nhưng siêu thị do người Việt làm chủ thì chỉ có ở đường Favoriten do vợ chồng chị Tuyết Vân làm chủ. Chị Vân từ TP.HCM sang Áo định cư năm 1988, mở siêu thị chuyên bán thực phẩm châu Á đã mười năm nay.

Người viết chỉ thấy vỏn vẹn vài sản phẩm “made in Vietnam” bày bán ít ỏi trong siêu thị là mì ăn liền Vifon (giá bán lẻ 29 cent/gói, khoảng 6.000 đồng VN, bằng các loại mì Thái), nước mắm Phú Quốc (2 euro/chai), mắm ruốc Hà Nội, Huế.

Chị Vân giãi bày: “Những năm trước đây siêu thị nhập nhiều hàng từ VN sang bán, có cả báo chí trong nước như Tuổi Trẻ, Phụ Nữ đưa sang theo đường hàng không nữa. Nhưng thực phẩm VN tỏ ra kém ưu thế cạnh tranh so với các mặt hàng nhập khác từ Thái Lan, Trung Quốc nên dần dần siêu thị buộc phải giảm dần việc nhập hàng VN. Hiện nay 80% hàng hóa ở đây là của Thái”.

Nếu như toàn thành phố Vienna có khoảng 200 quán ăn Tàu hoặc Tàu pha trộn Việt thì quán thuần Việt duy nhất do chính tay đầu bếp Việt nấu chỉ có “Good morning Vietnam” (Chào Việt Nam) tại đường Marz. 29, quận 15.

Cảnh trí bên trong quán có thể làm cho bất cứ người Việt xa quê nào khi bước vào cũng đều nhung nhớ quê nhà: quầy tiếp tân trang trí bằng tre nứa; những chiếc nón lá nhỏ xinh làm chụp đèn treo trên trần giữa mỗi bàn ăn; trên tường treo đầy những bức ảnh danh lam thắng cảnh, làng quê VN; tiếng hát ca sĩ Cẩm Ly với một ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam bộ vang lên ấm áp.

Thú vị nhất là ở góc quán có một cây đàn t’rưng được chủ quán cất công mua ở Tây nguyên mang sang tận châu Âu.

Khách đến quán Việt có thể thưởng thức hương vị chả cá Lã Vọng, bún bò Huế, gỏi tai heo, canh rau muống, riêu tôm… với giá cả không quá đắt (từ 2,5-11 euro tùy món). Người đầu bếp kiêm rửa bát đĩa chính là chủ quán, tên Giang, sang châu Âu sinh sống cũng đã hơn mười năm.

Trong khi đó Hạnh, vợ anh, cùng người giúp việc tên Loan niềm nở đón khách cũng như phục vụ bàn trong bộ áo dài tha thướt. Họ đã mở quán Chào Việt Nam được hai năm, khách Tây đến ăn nhiều hơn khách Việt. “Buổi trưa quán có phục vụ kiểu buffet cơm trắng ăn với món chính cá kho nước dừa trộn gia vị lá chanh và sả, các ông Tây bà đầm rất thích ghé ăn” - Hạnh cho biết.

Những mảnh đời thường

zi89LiT0.jpgPhóng to
Trong quán ăn Chào Việt Nam tại Áo - Ảnh: Trung Nghĩa
Ở tầng hầm dưới quán Chào Việt Nam có một phòng hát karaoke tiếng Việt được dùng phục vụ khuyến mãi cho các nhóm khách đặt ăn số lượng đông người. Nhưng thường thì đây là nơi lý tưởng để tổ chức sinh nhật, liên hoan của các tốp bạn bè người Việt xa quê. Vào mỗi cuối tuần nhóm bạn người Việt ở

Vienna nếu không hẹn nhau đi nướng thịt bên bờ sông Danube thì sẽ kéo về đây hát hò. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng cho cuộc làm ăn mưu sinh và cũng có một ước mơ riêng.

Như anh Bình là người kinh doanh thành đạt với một tiệm ăn Nhật ở Vienna từ nhiều năm nay, vừa dư dả nuôi vợ con, vừa “lấy ngắn nuôi dài” cho việc anh đi học thêm một bằng đại học thứ hai chuyên ngành toán lý thuyết ở tuổi gần 40. “Tôi có một sáng kiến mới về cách giải toán lý thuyết, nay phải cố gắng học để đợi dịp chín muồi công bố sáng kiến này như một công trình khoa học” - anh Bình giãi bày ước mơ của mình.

Nhiều người đi làm công ở các hãng xưởng Áo như Dũng làm cho bộ phận tai nghe điện thoại di động của Hãng Philips, Đức hiện làm cho một hãng lắp ráp cửa kính, đồ mộc gia dụng... Đồng lương của họ nếu biết tiết kiệm có thể đi du lịch vòng quanh thế giới mỗi năm một lần, như Minh (nhân viên máy tính).

Chủ quán Chào Việt Nam đang rao sang nhượng lại quán và nói rõ quyết định trở về VN vào cuối năm nay. “Mặc dù đã vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu và nay quán đã có khách đều đặn nhưng chúng tôi muốn về VN sau bao năm bôn ba mưu sinh ở xứ người. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục mở quán ăn tại VN và được sống bên bố mẹ, bà con thân thuộc...”, vợ chồng chủ quán Giang - Hạnh tâm sự.

Người viết chỉ mong sao khi họ hồi hương, quán Chào Việt Nam với biểu tượng chùa Một Cột sắc nét trên bảng hiệu ngoài cửa, rồi cây đàn t’rưng, những chụp đèn nón lá và các bức ảnh vịnh Hạ Long, Thành nội Huế... vẫn tiếp tục tồn tại cùng chủ mới giữa lòng thành Vienna cổ kính.

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên