26/09/2004 15:01 GMT+7

Kiểm định kim cương

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TTCN - Sự lung linh huyền diệu của kim cương (KC) dễ đánh lừa cảm giác, ngay cả những người tưởng đã rất sành về nó. Ở VN, nghề kiểm định còn mới toanh, thú chơi cũng còn rất mới, nên những người kiểm định KC vẫn hay phải nghe câu “trời ơi” xót ruột...

mPfBaa0h.jpgPhóng to
Viên kim cương thiên niên kỷ hoàn hảo nhất và vẫn… chưa bán được vì chưa ai đủ tiền mua
TTCN - Sự lung linh huyền diệu của kim cương (KC) dễ đánh lừa cảm giác, ngay cả những người tưởng đã rất sành về nó. Ở VN, nghề kiểm định còn mới toanh, thú chơi cũng còn rất mới, nên những người kiểm định KC vẫn hay phải nghe câu “trời ơi” xót ruột...

Tại VN, KC không chỉ là đồ trang sức mà còn là của để dành nên tâm lý những người đã đủ tiền nghĩ đến nó là muốn chơi hàng... xịn nhất. Theo các trung tâm kiểm định, ở VN chưa có viên KC nào trị giá cả triệu đôla, nhưng cỡ vài trăm ngàn đô thì... nhiều. Thậm chí có vị mua để làm bộ sưu tập. Người ta có thể dễ dàng đeo một cái nhẫn đính hột xoàn lên máy bay trót lọt, nhưng ai biết rằng chỉ một viên “hột xoàn” ấy giá đã bằng cả căn nhà mặt phố hoặc vài chiếc Mercedes. “Muốn mang đôla ra nước ngoài, cách này dễ nhất” - nhân viên một hiệu kim hoàn đã mách tôi như vậy.

Người Việt chơi kim cương

KC ở VN đa số là hàng nhập lậu, giá cả phong phú và chất lượng cũng vậy. Do đây là thú chơi mới, người rành không nhiều, mà có rành cũng không đủ kinh nghiệm đảm bảo bất cứ điều gì về giá trị viên KC, nên lâu dần người ta phải quen cách tin vào những lời khuyên chắc như đinh đóng cột nhưng lại... không có cơ sở. Vì vậy, rất nhiều người phải ngậm ngùi không biết nên giữ hay... ném “viên KC” đi khi đã bỏ ra cả đống tiền mua nó.

Cách đây hai năm tại Hoa Kỳ, một viên KC tinh khiết nặng 20 gam bán đấu giá được 15 triệu USD! Còn viên KC thiên niên kỷ Debeers, nặng 203,04 carat (40,6gam), màu D, hoàn toàn tinh khiết thì đến nay vẫn... chưa ai mua nổi.

Khi tìm hiểu, đôi lần tôi đã ngạc nhiên đến sửng sốt khi chứng kiến nhiều quí bà mua KC với một sự vô tư khủng khiếp. Có lẽ chỉ còn ở VN, nhiều người vẫn tự tin dùng cách cổ điển để thử: vẩy giọt mực lên mặt KC, nó không lan ra là đồ thật. Trong khi cách này dùng nhận mặt saphia thật trên mặt đồng hồ cũng đã vô hiệu từ lâu.

Đầu năm 2000, trên thương trường Thái Lan đã phổ biến loại KC giả màu trắng cho đến các màu đặc sắc: ánh vàng, ánh xanh, ánh nâu... Loại KC này không chỉ trông giống KC thiên nhiên, nó còn có cùng độ cứng, tỉ trọng và qua mặt được cả máy đo chiết suất. Đương nhiên, nếu chỉ vẩy giọt mực lên, không một chuyên viên kiểm định nào có thể phát hiện nó là giả chứ đừng nói người thường.

Gần đây, trên thương trường còn xuất hiện một chủng loại KC “siêu giả”, còn gọi là moissanit. Nó có độ dẫn nhiệt tương tự KC, vì vậy dùng bút thử độ dẫn nhiệt hoàn toàn vô tác dụng. Moissanit vẫn đang là sự đánh đố trong mua bán KC hiện nay. Nên xung quanh thứ trang sức được gọi là “nước mắt của đất trời” này, không ít nước mắt của con người ở khắp nơi phải đổ ra để trả giá, dù chỉ chủ quan một chút...

Thật giả khó phân

QlayOM2Q.jpgPhóng to
Đá quí tự nhiên: các sợi tinh thể rutil xếp theo hình kẻ ô hình thoi
Tôi tới Trung tâm kiểm định vàng và đá quí thuộc Viện Đá quí và trang sức VN, không ngờ tất cả các thiết bị để “nhận mặt” KC có thể để gọn trong một căn phòng chỉ chừng 25m2. “Có viên KC nào to bằng nắm tay đâu” - GS. TSKH Phan Trường Thị, người phụ trách phòng kiểm định, giải thích. Nhưng cũng đắt giống KC, chỉ mấy thiết bị nhỏ ấy đã có giá đến gần... 200.000 USD.

KC khi được mang đến phòng kiểm định sẽ lần lượt đi qua các thiết bị tối tân, từ kính hiển vi ngọc học, cân tỉ trọng đến máy phổ Rama... Loại được các yếu tố đồ giả, kiểm định viên sẽ xem xét đến độ tinh khiết - yếu tố quyết định giá một viên KC. Ngày nay người ta có thể ép KC chuyển màu, từ trắng sang nâu, vàng, đỏ...

11oh4gOm.jpgPhóng to
Đá quí nhân tạo: sợi tinh thể nhìn qua kính hiển vi
Bằng kỹ thuật khoan laser, các hiệu kim hoàn cũng dễ dàng loại hầu hết khuyết tật bên trong viên KC. Kiểm định viên có nghĩa vụ phải “đọc” được tất cả yếu tố phi tự nhiên đó. Tuy vậy, nhiều trường hợp các phòng kiểm định vẫn phải trả lại khách hàng vì... không thể kết luận được. Nghề kiểm định viên khắc nghiệt ở chỗ nếu anh chứng nhận đây đúng là KC thiên nhiên, nhưng nó là giả thì anh phải đền. Ngược lại, nếu đó là viên đá quí thật mà anh bảo là giả cũng sẽ “lãnh đủ” với bên đang muốn bán hàng.

Nguyên tắc của nghề kiểm định KC rất giống cảnh sát hình sự, đó là phải có bằng chứng. Cách đây mấy năm, GS Thị (người nghiên cứu đá quí khi VN vừa phát hiện đá đỏ) vẫn không dám chứng nhận cho những viên KC có giá trên 20.000 USD. “Vì những viên giá càng cao có thể sẽ càng được làm giả tinh vi, mình không đủ máy móc thì không thể kết luận được”.

l4Hfmxtl.jpgPhóng to
Phân loại và cân tỉ trọng để tìm vết tích nhân tạo trong một lô kim cương vừa được đưa đến Trung tâm kiểm định Viện Đá quí và trang sức
Ngoài nguồn cung ở các tiệm kim hoàn lớn (KC được trưng bán đều đã qua kiểm định), còn lại phần lớn khách mua KC ở VN đều tiếp cận nguồn hàng qua giới thiệu. Mua hàng lậu hoặc sợ người khác biết mình có của nên nhiều người rất ngại tới các trung tâm kiểm định. Giới buôn bán đá quí VN vẫn chưa quên T., một “trùm” người Thái Lan, từng nằm ở mỏ đá đỏ Quì Châu hàng năm trời nhưng cuối cùng đã phải mất vợ, bán nhà chỉ vì trót... đánh giá thấp một “đồng nghiệp” VN.

“Ban đầu nhìn thì chắc mẩm là đồ xịn, nhưng dùng máy móc mới giật mình: hàng giả” - gần 20 năm kinh nghiệm nhưng GS. Thị phải khẳng định những trường hợp như trên ở chỗ ông là... chuyện thường. Từ năm 1955 khoa học đã chế tạo thành công KC nhân tạo. Ngày nay, người ta có thể tạo ra một viên KC nặng 1 carat chỉ trong vòng 50 giờ. Mà nguồn cung dồi dào lại nằm ngay cạnh nước ta: Trung Quốc.

Theo các chuyên viên kiểm định, tại VN người mua phải đá quí và KC giả không ít. Các trò lừa đảo vẫn diễn ra hằng ngày. Như cách đây chưa lâu, dư luận xôn xao về viên ngọc “diệp minh châu” có thể phát sáng trong đêm. Giá lên đến mức khủng khiếp: 500.000 USD. Vậy mà vẫn có người mua. Sự thật khi kiểm định thì cái tên là lấy trong phim kiếm hiệp, phát sáng là do lân tinh và đây là một viên đá rẻ tiền!

KlqXun42.jpgPhóng to
Một viên kim cương lớn đã hiện diện ở Việt Nam

Bao năm làm ở phòng kiểm định của Viện Đá quí và trang sức, anh Phùng Văn Thành vẫn băn khoăn: “Có người nhiều tiền đến kinh khủng. Mua món đồ hàng trăm ngàn đôla cứ như mua que tăm vậy. Như cái ông mua phải viên diệp minh châu ấy, khi kiểm định viên bảo hàng giả thì chỉ nói tiếc thật rồi đi về”.

Đến phòng kiểm định KC, tôi được chứng kiến không ít kiểu tiêu tiền vô tư đến... ngây ngô. Một chị thuê taxi, có con đi theo bảo vệ, nhưng cách chị quyết định mua viên KC giá 6.000 USD lại theo cách cổ điển học lỏm: vẩy giọt mực lên. Kết quả: đồ giả. Không phải tất cả những người mua KC đều lắm tiền nên nhiều trường hợp, để tránh sốc cho thân chủ, GS Thị khi kiểm định xong chỉ khuyên “không nên mua hạt này”.

Sự huyền bí mong manh

i0YqYADo.jpgPhóng to
Chỉ dùng kính hiển vi ngọc học, kiểm định viên cũng khó phát hiện kim cương giả
Để đo màu sắc đã không dễ dàng, lại đo chính xác các tiêu chí của viên KC lại càng khó. “Cũng giống như đi mua bông hoa vậy. Thế nào là tươi, bông nào đẹp hơn thì mỗi người có một cảm giác khác” - GS Thị lý giải. Đứng giữa sức ép bên mua, bên bán, ông khẳng định: “Có người sẵn sàng trả chúng tôi cả ngàn đôla để nâng vài bậc cho viên KC”. Và một sự thật rất ít được dân kiểm định tiết lộ: trong thiên nhiên có hàng trăm cấp chất lượng khác nhau, nhưng thương trường chỉ qui ước khoảng 10-15 cấp. Mức độ sai số thế nào tùy thuộc uy tín của nhà kiểm định và người mua chỉ có thể biết rõ khi đi kiểm định ở hai trung tâm trở lên!

Một trong những tâm lý nguy hiểm của người xài KC ở ta là quá tin vào kiểm định nước ngoài. Tại VN, chứng nhận của Bỉ được tin tưởng nhưng khá nhiều viên do các hãng tư nhân nhỏ làm nên “có viên đã bị nâng lên đến 2-3 bậc”. Đồng nghĩa là người tiêu dùng bị “cướp” nhẹ nhàng vài ngàn đôla! Những viên KC có khắc chìm chữ bằng tia laser ở VN cũng tăng giá (so với viên tương tự) 500-600 USD. Nhưng tại Thái Lan, chỉ cần bỏ ra 42 USD, người ta có thể khắc bất cứ chữ gì lên viên KC. Nên không ít người đã sang Thái Lan du lịch, tiện khắc laser cho viên KC rồi mang về bán. Số tiền chênh lệch đủ cho họ trang trải chuyến đi, thậm chí mua ngay một tour khác!

Sự huyền bí là đặc tính của KC. Càng hiếm, khó sở hữu, ngày càng nhiều người ham nó. Nhưng nên cẩn trọng đến các phòng kiểm định trước khi mua, bởi toàn bộ chi phí để kiểm định một viên kim cương chỉ 30.000 - 300.000 đồng...

KC có bốn loại, phân chia rất phức tạp. Đắt rẻ phụ thuộc vào khối lượng không nhiều, mà quyết định là độ tinh khiết, chất lượng chế tác và cấp độ màu. Vì vậy, rất dễ hiểu khi hai viên KC kích thước, khối lượng như nhau, trông y hệt nhưng viên này giá 500 USD, viên kia lại lên tới vài trăm ngàn. KC thường chỉ có màu trắng, hoàn hảo nhất là cấp D (không lẫn tạp chất, màu trắng thuần khiết, xanh da trời rất nhẹ, đủ để tăng thêm phần trắng).

Dưới cấp D là cấp E, thấp hơn nữa là F, G, H, I... Trong khi chỉ cần hơi có ánh phớt vàng, giá một viên KC đã bị tụt đi hàng ngàn USD. Nhưng nếu thuần một màu đậm như xanh, vàng, đỏ... thì vô cùng hiếm hoi và rất đắt. Đã có một viên KC màu xanh nặng chỉ 5,15 carat nhưng bán được tới 1 triệu USD, trong khi viên tương tự màu trắng thuần khiết rẻ hơn 18 lần! Lý thuyết là như thế, nhưng thực tế kết quả giám định KC cả trên thế giới và VN thường... không khớp nhau. Vì thế, nghề kiểm định cũng như những viên KC luôn chất chứa ẩn số.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên