14/03/2015 09:43 GMT+7

​Kịch dài đi Mỹ

QUANG THI
QUANG THI

TT - Tháng 4 này, sân khấu kịch IDECAF sẽ đưa vở Hợp đồng mãnh thú (kịch bản: Lê Hoàng, đạo diễn: Vũ Minh) đi phục vụ khán giả kiều bào ở Mỹ.

Hợp đồng mãnh thú - vở kịch của sân khấu IDECAF sẽ bay sô Mỹ vào tháng 4 - Ảnh: Gia Tiến

Đây là sự tiếp nối xu hướng đưa kịch dài đến Mỹ trước đó của các sân khấu Nụ Cười Mới, kịch Hồng Vân, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Minh Nhí...

Êkip của vở Hợp đồng mãnh thú đến Mỹ gồm NSƯT Thành Lộc, Ðức Thịnh, Lương Thế Thành, Tuấn Khải, Vũ Minh, Huỳnh Anh Tuấn, Cao Minh Thu. Lịch lưu diễn của vở sẽ từ ngày 8 đến
20-4.

Cũng trong thời gian này, Anh Vũ, Minh Nhí, Trung Dân... tiếp tục đưa vở Gia đình thằng Ðậu trở lại Mỹ. Ðây là chuyến đến Mỹ lần thứ hai của nhóm, sau chuyến lưu diễn hồi trước tết thành công.

Khán giả Việt ở Mỹ chọn gu kịch nào?

Tâm lý khán giả hải ngoại đã chán tấu hài, bắt đầu quan tâm thưởng thức những vở kịch dài có nội dung, cốt truyện, có đầu tư xử lý sân khấu... Ðó là lý do các vở kịch dài vượt Thái Bình Dương. Mở màn là sân khấu Nụ Cười Mới với danh hài Hoài Linh đưa vở Ông bà vú đến Mỹ năm 2008.

Năm 2009 và năm 2011, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc lần lượt hợp tác với Nhà hát Pan Asian Repertory để đưa hai vở kịch chị viết kịch bản là Người đàn bà thất lạc (2009) và Chúng tôi là (2011) đến biểu diễn ở sân khấu Off - Off Broadway (New York).

Những vở diễn của Nguyễn Thị Minh Ngọc có sự tham gia của các nghệ sĩ như NSƯT Ngọc Ðáng, NSƯT Thành Lộc, Hải Phượng, Thái Hòa Lê, Leon Quang Lê, Thục Hạnh, Minh Phượng, Minh Ngọc... Năm 2010, sân khấu kịch Hồng Vân cũng từng thăm dò khán giả kiều bào ở Mỹ với vở Kỹ nghệ lấy Tây.

Ðạo diễn Hùng Lâm hiện đã sống định cư ở Mỹ, mỗi mùa tết anh lại về dựng vở cho sân khấu kịch IDECAF một lần. Ở Mỹ, Hùng Lâm được xem là người dựng kịch chính vì tìm đạo diễn kịch rất khó.

Cũng theo anh, kịch đi Mỹ thường là những vở ít diễn viên, đạo cụ gọn nhẹ... phù hợp nhu cầu “đánh nhanh rút gọn” của việc bay sô.

Giới thiệu kịch đương đại Mỹ

Ủng hộ kịch Việt đến Mỹ, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc đang tiếp tục gõ một cánh cửa khác: giới thiệu kịch Mỹ đến các sân khấu VN.

Nói về dự án này, Nguyễn Thị Minh Ngọc cho hay: “Hiện tại tôi đang hào hứng với việc đạo diễn những vở kịch đương đại của Mỹ do tôi chuyển ngữ cho các sân khấu tại VN, với hi vọng là Ðại sứ quán Mỹ sẽ hỗ trợ điều đó.

Có những kịch bản Mỹ rất gần gũi với cuộc sống Việt, ví dụ kịch bản Mỹ tựa đề After (tạm dịch: Sau đó) mà tôi vừa chuyển ngữ, nói về cách trở lại cuộc sống của một người vừa mới ra tù sau 15 năm bị án oan...”.

Sau khi làm nhiều chương trình sân khấu ở Mỹ, đạo diễn Hùng Lâm đúc kết: “Tâm cảm lớn nhất của khán giả Việt ở Mỹ là tình hoài hương, nên những đề tài truyền thống như nỗi nhớ ly hương, chuyện hôn nhân cha mẹ ép uổng... với những hình ảnh áo dài, áo bà ba, bờ tre, bụi chuối có vẻ thích hợp với họ. Hoặc là những đề tài văn chương tiền chiến, tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn... Những chương trình về đêm tưởng nhớ nghệ sĩ cải lương Phùng Há, Thanh Nga mà tôi làm cũng rất có khán giả”.

Những tiểu thuyết xưa như Trà hoa nữ, Ðoạn tuyệt, Giông tố... đã được chuyển thể thành kịch để khán giả Việt ở Mỹ có thể hoài niệm về quê hương, hoặc nhớ về những tác phẩm văn học vốn nổi tiếng ở thế hệ họ.

Vì vậy, việc đem Hợp đồng mãnh thú với đề tài cuộc sống sôi động tình - tiền hôm nay được coi là một thử thách của sân khấu kịch IDECAF nhằm “đo gu” khán giả kiều bào ở Mỹ.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn tâm sự: “Gu khán giả Việt ở Mỹ là vậy, nên dám đem một vở mang đề tài đương đại như Hợp đồng mãnh thú đến Mỹ cũng là việc làm mà chúng tôi... hơi run. Nhưng chúng tôi hi vọng vào sự biến hóa của Thành Lộc trong vở diễn sẽ thu hút khán giả!”.

Kịch dài nhưng phải nói chậm

Diễn kịch ở Mỹ cũng không phải là kiểu sân khấu sáng đèn mỗi cuối tuần như ở TP.HCM. Ðạo diễn Hùng Lâm cho biết: “Làm kịch ở Mỹ thường chọn một địa điểm nào đó, diễn vào một đêm nào đó với giá vé từ 45-100 USD, có khi là 200 USD/vé. Khán giả nếu thích nhóm kịch nào thì sẽ bảo với nhau lần sau tìm nhóm kịch đó xem nữa”.

Cũng theo Hùng Lâm, khán giả xem kịch ở Mỹ thường có độ tuổi 30 trở lên, nếu dưới 30 thì đó là khán giả của ca nhạc hoặc là những du học sinh, những người Việt trẻ từng về VN xem kịch nói.

“Ðúng là có một lớp khán giả kiều bào ở Mỹ thích xem kịch. Mỗi mùa tết về quê, ưu tiên của họ là đến các sân khấu xem kịch, có khi mua vé cho cả nhà, bạn bè cùng xem. Sau đó họ mới rủ nhau đi ăn uống các món quê hương” - đạo diễn Hùng Lâm cho biết thêm.

Kịch nói thì một phần quan trọng là... nói, nhưng đối với khán giả Việt ở Mỹ thì một nghệ sĩ nói “tía lia” như Anh Vũ phải rút ra một kinh nghiệm: “Ðúng là khán giả ở Mỹ nghe tiếng Việt không nhanh, khi diễn bên đó tôi phải nói chậm lại. Nhưng khán giả rất thích và muốn được xem nhiều kịch dài ở VN”.

Ðối với tác giả - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc, việc đem kịch dài đến Mỹ được chị nhận xét: “Thời gian đầu mang tính chất phiêu lưu, nhưng khi mọi việc đi vào nề nếp, quy luật cung cầu thì tôi tin rằng nó sẽ ổn định và phát triển. Ai cũng biết rằng một tác phẩm sân khấu khi mang đi lưu diễn đòi hỏi công phu hơn một chương trình ca nhạc rất nhiều. Cho nên tôi luôn ủng hộ các nghệ sĩ, các nhà quản lý, bầu sô... thực hiện việc này”.

Ðó là cơ hội đưa kịch dài đến với kiều bào ở Mỹ, còn khả năng giới thiệu kịch Việt đối với khán giả Mỹ thì sao? Sẽ có ý kiến cho rằng suy nghĩ này là... vượt tầm.

Nhưng nếu ai đó có ước mơ, thì Nguyễn Thị Minh Ngọc nói rằng vẫn có cơ hội: “Nhà hát Pan Asian Repertory nơi tôi từng hợp tác vẫn đợi những vở diễn mới từ VN. Tôi có kêu gọi các tác giả trong nước đưa kịch bản. Việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn và ít nhiều hi sinh như phải tự lo chi phí dịch ra tiếng Anh... nên chưa thấy ai hào hứng!”.

Con đường để các tác giả Việt tiếp cận sân khấu Mỹ vẫn để mở một cánh cửa...

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên