Đây là đánh giá của tập đoàn chuyên về xử lý chất thải Suez của Pháp trong một bài báo mới đăng trên trang mạng châu Âu Euractiv.
Tập đoàn Suez, mỗi năm xử lý khoảng 10 triệu tấn chất thải tại Vương quốc Anh, cho biết Anh có thể rơi vào tình trạng "thiếu hụt trầm trọng" các nhà máy điện tái sử dụng chất thải và các bãi chôn lấp sẽ trở thành giải pháp ưa thích cho các loại chất thải dư thừa không được tái chế.
Báo cáo được tập đoàn Suez thực hiện đã xem xét tình trạng khả năng xử lý chất thải của Anh từ nay đến năm 2030, theo đó các bãi chôn lấp đang bị đóng cửa nhanh hơn dự kiến, điều này sẽ gây thiếu hụt khoảng 14 triệu tấn công suất xử lý chất thải trên toàn bộ lãnh thổ Vương quốc Anh.
Theo số liệu nghiên cứu của Suez, khả năng xảy ra một Brexit cứng sẽ càng làm trầm trọng thêm lỗ hổng này vì các phế thải xuất khẩu sẽ bị "nhanh chóng trở lại Anh" do sự phức tạp của quá trình xuất khẩu, vấn đề tỷ giá hối đoái bất lợi và sự bất cập về chính sách.
Với việc tái kiểm soát chặt chẽ các đường biên giới cùng chính sách hạn chế nhập khẩu tại châu Âu cùng với một đồng bảng Anh yếu làm cho việc duy trì xuất khẩu chất thải sang lục địa trong tương lai là không khả thi. Vì vậy, lượng chất thải mà Suez đang phải xuất khẩu do tình trạng thiếu các nhà máy điện hoạt động bằng nguyên liệu từ chất thải tại Anh sẽ phải đưa trở lại các bãi chôn lấp ở trong nước, kéo theo chi phí trở nên vô cùng đắt đỏ, tính cả trên phương diện chi phí doanh nghiệp, mức độ ảnh hưởng đến người nộp thuế và tác động đối với môi trường.
Ban đầu, Suez dự kiến công bố báo cáo vào tháng 9, nhưng trên thực tế họ đã công bố trước một số kết luận quan trọng vì không muốn mất thêm thời gian. Tập đoàn này đồng thời kêu gọi chính phủ Anh lưu ý đến các kiến nghị của mình.
Hiện nay, toàn nước Anh tạo ra hàng năm khoảng 70 triệu tấn chất thải gia đình, chất thải công nghiệp và thương mại không nguy hại. Do việc đóng cửa các bãi chôn lấp và tình trạng thiếu các nhà máy điện sử dụng chất thải như hiện nay, Suez ước tính hơn 3 triệu tấn chất thải Anh đang được xuất khẩu sang các nước châu Âu để xử lý. Tập đoàn hy vọng mức 14 triệu tấn chất thải không được xử lý hiện nay sẽ giảm xuống còn ba triệu tấn vào năm 2027 vì một số cơ sở tái chế mới đang dần đi vào hoạt động.
Nghiên cứu của Suez cũng chỉ ra rằng việc xây dựng một nhà máy sản xuất năng lượng từ chất thải cần nhiều thời gian, nên phần lớn các chất thải bị trả lại sau khi được xuất khẩu ra nước ngoài trong 10 năm tiếp theo sẽ có đích đến là các bãi chôn lấp rác. Và vấn đề về tỷ lệ thuế cao liên quan đến vận hành các bãi chôn lấp và việc phải vận chuyển chúng từ những địa điểm xa đến nơi xử lý sẽ tăng thêm gánh nặng cho người nộp thuế và các doanh nghiệp.
Suez ước tính việc xử lý chất thải thương mại tích tụ đòi hỏi đầu tư tới 5 tỷ bảng Anh để có thể giải quyết được công suất xử lý như hiện nay. Ngoài ra, còn phải tốn thêm khoảng 3 tỷ bảng đầu tư để hỗ trợ cơ sở hạ tầng tái chế và tình hình sẽ trở nên rất khó khăn nếu thiếu sự giúp đỡ của chính phủ.
Việc Suez công bố sớm một số kết quả báo cáo của họ là do tuần qua Văn phòng tư vấn Eunomia đã công bố một bản báo cáo. Theo đó Văn phòng này khẳng định khả năng xử lý chất thải của Vương quốc Anh sẽ cao hơn lượng rác thải phát sinh trong thời gian từ nay đến năm 2020.
Eunomia ước tính rằng nếu 100% các dự án sản xuất năng lượng từ rác thải được triển khai thì tỷ lệ tái chế rác thải của Vương quốc Anh sẽ giảm xuống dưới mức 50% vì các lò đốt chất thải sẽ đi vào hoạt động đúng vào giai đoạn số lượng rác thải phát sinh giảm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận