![]() |
Phút thư giãn của Kiatisak. Ảnh tư liệu của Kiatisak |
Cuộc đời của Kiatisak với nhiều chi tiết thú vị vừa được anh kể lại trong cuốn tự truyện Cuộc đời tôi dày 13 chương (đúng với số áo của anh). Tuổi Trẻ trích đăng một phần cuốn sách này.
Cho gà ăn và... đá bóng
Tôi sinh ra ở bệnh viện quân đội tỉnh Udonthani, ngày 11-8-1973. Việc tôi chào đời là một sự kiện lớn của gia đình. Như tôi thường nghe người VN nói rằng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” vậy. Trước tôi, ba mẹ tôi chỉ mới có hai người con gái!
Gia đình tôi luôn ấm áp tình thương, khi đi đâu đều đi cả gia đình. Trên một chiếc xe máy, ba tôi chở đến năm người, tôi ngồi phía trước, hai chị ngồi giữa và mẹ tôi ngồi sau cùng. Khi tôi đã có nhà cửa, xe hơi, tôi luôn mong muốn người thân sẽ sống sung túc hơn, vì thế lúc nào tôi cũng cố gắng làm việc hết mình để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Bây giờ tôi kiếm nhiều tiền, đã nổi tiếng, nhưng tôi vẫn giữ được cuộc sống như thời trẻ, sử dụng đồng tiền cho đúng, phải tiết kiệm, việc làm này là tính cách của tôi từ nhỏ đến giờ. Bây giờ hai chị tôi cũng đã lập gia đình. Chị cả lập gia đình ở Layong, chị kế lập gia đình và sống với cha mẹ ở Khonkeen, mỗi năm tôi về thăm ba mẹ 2-3 lần vì tôi phải đi đá bóng ở nước ngoài. Khi ông bà có việc gì là tôi phải về, ba mẹ là nguồn động viên lớn nhất cho tôi trong cuộc sống. Tôi mong ước các con mình sau này cũng sẽ suy nghĩ như tôi. |
Ngoài việc dạy học là chính, ba mẹ tôi còn nuôi gà công nghiệp để lấy trứng. Gia đình tôi có hai chuồng nuôi gà, mỗi chuồng có khoảng 600 con. Nhiệm vụ của tôi là cho gà ăn mỗi ngày, sau đó tắm rửa, ăn sáng và đến lớp. Khoảng 8g sáng, khi nghe tiếng kẻng, mọi người phải ra xếp hàng trước cột cờ để tập thể dục, sau đó mới vào lớp học. Sau giờ học tôi phải chạy về cho gà ăn một lần nữa, lúc đó đã 12g trưa.
Sau đó tôi lại quay vào lớp học, học xong đi nhặt trứng gà bỏ vào giỏ để ba tôi đem lên tỉnh bán, khi xong mọi công việc tôi mới ra sân đá bóng. Tôi vẫn còn nhớ sau mỗi lần ba tôi lấy xe máy đi tỉnh bán trứng gà, lúc về thế nào ông cũng có phần quà cho riêng tôi là một quả bóng nhựa và hủ tiếu khô cho mọi người trong nhà.
Khoảng 7-8 tuổi, tôi cảm nhận được rằng mình sinh ra là để đá bóng. Cũng giống như các bậc sinh thành khác, thật ra ba mẹ tôi lúc nào cũng mong con cái mình học hành thi đỗ vào trường đại học để có một công việc làm tốt sau khi ra trường, chứ không phải là một anh chàng đá bóng rày đây mai đó, có vẻ không có gì chắc chắn trong tương lai. Vì vậy, tôi cũng phải nghe theo lời ba mẹ nhưng cũng không quên việc tập luyện mỗi ngày.
Chọn con đường mình thích
![]() |
Kiatisak và con gái - Ảnh: Sĩ Huyên |
Ngày xưa ở vùng quê Thái Lan thường có các đoàn chiếu phim về chiếu ở các tỉnh vùng sâu, lúc đó ông bà nội dẫn cháu đi xem. Anh tài xế xe tải hôm đó đã sử dụng ma túy, mất phương hướng, chạy rất nhanh, lạc tay lái và tông vào đám đông đang đứng xem chiếu phim làm chết và bị thương hơn 100 người, trong đó có ông bà nội tôi. Tôi biết ba tôi buồn lắm, chưa kịp về chăm sóc thì ông bà đã đi rồi.
Sau đó gia đình tôi cũng chuyển về Khonkeen, ba tôi buồn, uống rượu rất nhiều và ông quyết định ra khỏi ngành, thế là chỉ còn mẹ tôi làm nghề giáo và phải lo cho cuộc sống của cả gia đình. Tôi và hai chị bắt đầu lớn và cần nhiều tiền hơn cho việc học, nhiều lần tôi nhìn thấy ba mẹ tôi cãi nhau vì chuyện tiền nong. Tôi biết được và cảm thấy buồn nhưng không biết làm gì, ngoài việc nghe lời ba mẹ và cố gắng học hành. Khi về Khonkeen, gia đình tôi ở nhà ông bà nội, gần trường học, vì thế sau giờ học tôi lại đến sân bóng. Tôi có cơ hội đi đá bóng nhiều hơn khi thi đấu cho đội tuyển trường, huyện và cả đội tuyển tỉnh Khonkeen.
Cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn khi ba tôi mở quán bán đồ ăn cho học sinh ở gần trường. Tôi ăn cơm ở trường, ngoài giờ học còn phụ ba bán đồ ăn nên cũng có chút ít tiền mua giày đá bóng. Những ngày nghỉ tôi cũng hay đi lượm ve chai, chặt cây thuê để mong kiếm thêm tiền mua đồ thể thao. Ba mẹ và các chị tôi đều chơi thể thao. Tôi may mắn có được sự ủng hộ từ ba mẹ. Ông bà luôn khuyên tôi nên chọn con đường mà mình thích chứ không bao giờ bắt buộc tôi trong việc chọn lựa nghề cho tương lai của mình.
![]() |
Kiatisak thời trung học. Ảnh tư liệu của Kiatisak |
Điều đầu tiên tôi phải làm là đưa đội Khonkeen vào vòng chung kết giải đại hội TDTT cho bằng được. Trong đầu tôi chỉ tâm niệm một điều rằng mình phải cố gắng thi đấu thật tốt, biết đâu có cơ hội thể hiện mình trước các chuyên gia và tôi có cơ hội thi đấu ở Bangkok. Bước đầu đã thành công, đội Khonkeen đã vượt qua vòng đấu bảng để lọt vào vòng chung kết đại hội TDTT ở tỉnh Trang. Mọi chuyện có vẻ khởi đầu thuận lợi như tôi mong muốn, khi đội tuyển Khonkeen chúng tôi đoạt hạng ba toàn giải.
Sau giải đấu, tôi về lại nhà. Do trước đó tôi phải tập luyện ở Khonkeen và phải chuyển đến Trường Kaennakhon một học kỳ, phải bỏ một kỳ thi cuối cấp bởi vì khi các bạn cùng lớp bước vào kỳ thi là tôi phải tập luyện và thi đấu giải, vì vậy tôi phải thi lại học kỳ này một mình để đủ điều kiện thi tốt nghiệp 12. Tôi phải học ngày học đêm để mong qua được kỳ thi đó và cuối cùng tôi đã vượt qua được, nhưng con đường phía trước chưa phải toàn là mây hồng...
Toàn bộ tiền nhuận bút cuốn sách Cuộc đời tôi (tiếng Việt) và loạt bài lược đăng trên Tuổi Trẻ được Kiatisak dành đóng góp cho chương trình hỗ trợ phẫu thuật cho các em bị teo cơ Delta. |
------------
Phải tìm ra đường đến Bangkok đá bóng cho đội tuyển quốc gia. Bán chiếc nhẫn do mẹ tặng, Kiatisak cùng một người bạn trốn lên Bangkok. Đọc báo tìm tin quảng cáo, Kiatisak reo lên khi biết có suất học bổng cho cầu thủ. Trốn nhà ra đi để làm gì? Để đá bóng, vào đội tuyển quốc gia, để cha mẹ vui lòng...
Nhưng việc hòa nhập của một thanh niên vùng quê giữa thủ đô hoa lệ không dễ chút nào.
Kỳ tới:Đường vào đội tuyển quốc gia
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận