Sư thầy ghi chép khi bá tánh cúng dường tại chùa Phước Long, TP Thủ Đức - Ảnh: T.T.D.
Tiền công đức được quản lý giữ trong tài khoản. Tiếp nhận tiền công đức phải có ghi chép... nhằm minh bạch khoản tiền này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ Tài chính cho biết đây là nội dung được bộ này đề nghị tại dự thảo lần 2 thông tư hướng dẫn nghị định 110 về quản lý, thu - chi tài chính tiền công đức, đang được lấy ý kiến góp ý và dự kiến sẽ có hiệu lực trong quý 2 năm nay.
Tạo thuận lợi hơn
Một lãnh đạo Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho hay dự thảo thông tư lần này đề xuất những nội dung mới trên cơ sở tiếp thu ý kiến của văn bản đưa ra hồi tháng 3-2020.
Theo đó, những di tích là các đền, chùa do cơ quan nhà nước, địa phương quản lý sẽ phải thực hiện quy định về thu, chi, sử dụng tiền công đức. Di tích thuộc di sản thế giới tại VN, di tích thuộc sở hữu tư nhân thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của dự thảo thông tư này.
Điểm mới về hình thức công đức tiền mặt cho các chùa, đền được khuyến khích người dân chuyển khoản hoặc gửi bằng các phương thức điện tử.
Về cơ sở đưa ra đề nghị này, theo Bộ Tài chính là thực hiện quyết định của Chính phủ phê duyệt đề án thanh toán không dùng tiền mặt.
"Do đó, việc công đức bằng tiền mặt cũng nên khuyến khích áp dụng các phương thức thanh toán hiện đại như chuyển khoản vào số tài khoản của cơ sở quản lý di tích.
Thực tế, có không ít người, nhất là giới trẻ không có thói quen giữ nhiều tiền mặt, chuyển khoản tiền công đức cũng rất phù hợp", một cán bộ Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết.
Tới đây, theo đề xuất của Bộ Tài chính, để tiếp nhận công đức, đơn vị tổ chức lễ hội, cơ sở quản lý di tích phải mở tài khoản tại ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước.
Ngoài việc tạo thuận lợi cho người dân làm công đức, tài trợ cho di tích, quy định trên còn góp phần giúp cơ sở quản lý di tích kiểm đếm, quản lý tiền công đức dễ dàng hơn.
Giữ tiền công đức trong tài khoản
Theo Bộ Tài chính, dự thảo nêu rõ nguyên tắc phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, tiết kiệm.
Các cơ sở đền, chùa được công nhận là di tích phải bố trí người tiếp nhận tại di tích; mở sổ sách ghi chép đầy đủ, chính xác từng khoản công đức; ghi phiếu công đức theo đề nghị của người làm công đức.
Tùy theo lượng tiền tiếp nhận định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần, cơ sở quản lý di tích phải kiểm kê. Khi số tiền tiếp nhận được từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở quản lý di tích phải nộp vào tài khoản tại ngân hàng.
Đối với quản lý hòm công đức, định kỳ cơ sở quản lý di tích phải kiểm đếm số tiền trong hòm công đức, có biên bản kiểm đếm. Thành phần gồm những người được giao giữ chìa khóa hòm công đức, cán bộ kế toán và đại diện tổ bảo vệ di tích.
Về việc sử dụng tiền công đức, Bộ Tài chính cho rằng chỉ được chi mua hương hoa, lễ vật, phẩm vật, đèn nhang tại di tích; bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; chi đầu tư xây dựng các hạng mục công trình; trả lương, tiền công, thanh toán dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng phẩm, thông tin liên lạc... cho hoạt động tại di tích.
Mức chi tiêu cho các hoạt động phải nằm trong quy chế chi tiêu nội bộ và nguyện vọng của nhà tài trợ.
Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp cho hay những nội dung hướng dẫn trong dự thảo thông tư nói trên chỉ là thực hiện nghị định 110 mà Chính phủ giao Bộ Tài chính. Dự thảo thông tư này phải 2 lần đưa ra lấy ý kiến góp ý rộng rãi, kéo dài suốt hơn 1 năm. Theo kế hoạch, thông tư sẽ được ban hành trong tháng 6-2021.
Lo ngại từ thực tế
Nêu băn khoăn về việc khuyến khích chuyển khoản tiền công đức, vị trụ trì một ngôi chùa cổ tại tỉnh Bắc Ninh (đề nghị không nêu tên) kiến nghị Bộ Tài chính xem xét bởi chưa phù hợp với phong tục, tín ngưỡng của người VN.
"Công đức qua chuyển khoản nó giống như một món quà biếu tặng, mất đi sự cung kính của việc cúng dường", vị trụ trì nhận định.
Còn đối với việc quản lý hòm công đức của các nhà chùa, thực tế, theo vị quản lý chùa, có chùa do trụ trì quản lý, có chùa lại do chính quyền quản lý tiền công đức. Việc này cũng gây nên rất nhiều bất cập, mâu thuẫn giữa nhà chùa, phật tử và chính quyền.
Nêu thực tế tại ngôi chùa mà ông trụ trì từ năm 2011 - 2018, hằng tháng đại diện chính quyền địa phương đến mở hòm công đức để kiểm đếm tiền và mang đi, chùa không được quản lý và sử dụng.
Do đó, mọi chi phí từ sửa sang chùa đến sinh hoạt của các thầy sống trong chùa rất khó khăn. Từ khi được giao lại quyền quản lý hòm công đức, các chùa cũng tự chủ hơn về tài chính.
Lợi cả đôi bên và bốn điều cần cân nhắc
Mở hòm công đức để kiểm đếm tiền tại một đền, chùa ở Hà Nội - Ảnh: T.T.D.
Chuyển khoản tiền công đức vào số tài khoản của cơ sở quản lý di tích là một nội dung được dư luận quan tâm trong cả năm qua.
Nếu quy định này được xem xét thông qua và thực hiện tốt không chỉ có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát dòng tiền công đức mà các cơ sở quản lý di tích cũng được lợi.
Khi minh bạch các khoản tiền và hiện vật được đóng góp sẽ giúp các cơ sở quản lý minh bạch nguồn kinh phí này. Những người làm công đức thật sự cũng mong muốn điều này, bởi họ muốn biết rõ tiền, hiện vật mà họ công đức đã được sử dụng như thế nào.
Hình thức này sẽ giúp công khai trong quá trình quản lý. Đây cũng là hình thức mà chúng ta đang hướng tới là thực hiện thanh toán qua ngân hàng.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp Nhà nước quản lý tốt hơn các nguồn tiền và thu được thuế, tạo sự bình đẳng của xã hội. Khi thực hiện tốt việc này, bất cứ hành vi méo mó hay vi phạm nào đều rất dễ được nhận biết, các cơ quan có trách nhiệm cũng dễ dàng trong việc xác định vi phạm.
Những lợi ích từ quy định này - như đã trình bày nêu trên - là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, đi vào trong thực tiễn có những vấn đề có lẽ cần phải được cân nhắc và lắng nghe nhiều hơn.
Chẳng hạn dự thảo quy định mức chi tiêu cho các hoạt động phải nằm trong quy chế chi tiêu nội bộ và "nguyện vọng của nhà tài trợ".
Thực ra để thực hiện theo đúng nguyện vọng của nhà tài trợ là điều không dễ. Chả lẽ nhất nhất đều hỏi xin ý kiến của nhà tài trợ, sẽ làm cho mọi chuyện trở nên phức tạp.
Thứ hai, với người Việt Nam, đến các di tích, nhất là các ngôi chùa, đều có mong muốn tự tay mình dâng những đồng tiền (tất nhiên là tịnh tài) vào hòm công đức.
Việc dâng cúng này không phải chỉ là sự thành tâm, thành kính với các đấng bề trên mà còn là một pháp tu.
Khi tự tay mình thành kính dâng lên những đồng tiền công đức ấy, bản thân người dâng cúng thấy mình đang chia sẻ với tha nhân. Nếu việc công đức, cúng dường thông qua tài khoản sẽ mất đi ý nghĩa thiêng liêng này.
Thứ ba, nhiều cơ sở thờ tự của các tôn giáo đã được xếp hạng di tích. Nếu các cơ sở của tôn giáo thì đã có những quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo điều chỉnh.
Nhiều cơ sở của Phật giáo được xếp hạng di tích bởi lịch sử mấy nghìn năm gắn bó cùng dân tộc và tín đồ của Phật giáo ở Việt Nam cũng đông đảo. Nếu chúng ta thông qua điều này, cần cân nhắc thấu đáo.
Thứ tư - đây mới là điều quan trọng nhất, tại dự thảo, Bộ Tài chính đã khoanh lại là chỉ những di tích là các đền, chùa do cơ quan nhà nước, địa phương quản lý sẽ phải thực hiện quy định về thu, chi, sử dụng tiền công đức là không khả thi và sẽ gây ra những hệ lụy về sau.
Nếu vậy, sau này có khả năng nơi này nơi khác sẽ "né" để không nhận là di tích. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề khác thuộc về văn hóa mà không thể cân đo đong đếm được.
VŨ TRUNG KIÊN (Học viện Chính trị khu vực II)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận