Cuộc khủng hoảng dường như lên đến đỉnh điểm vào hôm 3-4, khi truyền thông Hàn Quốc đưa tin về bệnh nhân thứ hai chết tức tưởi sau khi bị hàng loạt bệnh viện từ chối tiếp nhận do thiếu bác sĩ.
Những cái chết thương tâm
Theo Nhật báo Kinh tế Seoul, một em bé 33 tháng tuổi bị rơi xuống con mương sâu 1m cạnh nhà ở tỉnh Chungcheong Bắc vào chiều 30-3. Sau đó bé gái đã được đưa đến bệnh viện ở địa phương cấp cứu, hô hấp nhân tạo và dùng thuốc. Đến tối cùng ngày, các bác sĩ nhận định bé cần phải chuyển đến những bệnh viện đa khoa cấp cao hơn để phẫu thuật cấp cứu. Tuy vậy, 9 bệnh viện đã từ chối tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhi này vì thiếu giường bệnh và bác sĩ.
Đến ngày 3-4, Hãng thông tấn Yonhap đưa tin một cụ ông (70 tuổi) bị cột điện đường dây viễn thông đè vào chiều 22-3 đã qua đời ít giờ sau đó do 3 bệnh viện từ chối nhận phẫu thuật.
Bệnh viện Đại học Konkuk ở thành phố Chungju đã từ chối phẫu thuật cho ông với lý do không có bác sĩ gây mê. Một bệnh viện khác cũng từ chối vì thiếu bác sĩ phẫu thuật.
Nhân viên y tế của bệnh viện nói trên đã đề nghị chuyển ông đến Bệnh viện Severance Christian thuộc Đại học Yonsei ở thành phố Wonju, tỉnh Gangwon ở gần đó. Thế nhưng, bệnh viện này cũng từ chối tiếp nhận với lý do còn 2 bệnh nhân khác đang đợi phẫu thuật do không có đủ bác sĩ.
Yonhap ghi nhận trong khi các cuộc trao đổi giữa chính phủ và các y bác sĩ vẫn đang diễn ra một cách chậm chạp thì nỗi lo lắng của các bệnh nhân lại càng tăng lên.
"Chồng tôi cứ 3 hoặc 4 tháng phải đến bệnh viện lấy thuốc một lần nhưng bây giờ các bác sĩ đồng loạt nghỉ việc rồi. Tôi lo lắng không biết ông ấy sẽ ra sao" - bà Choi (71 tuổi), người đang chăm nuôi chồng vừa phẫu thuật tim tại Bệnh viện Đại học tỉnh Gangwon, nói với Yonhap.
Hiệp hội Bệnh nhân Hàn Quốc cho biết cuộc khủng hoảng y tế đã kéo dài đến ngày thứ 46 đang là mối đe dọa lớn đối với các bệnh nhân.
"Nếu cả hai bên không nhượng bộ thì mọi chuyện sẽ sớm vượt khỏi tầm kiểm soát. Nhiều bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tôi cầu xin mọi người hãy nhường nhịn một chút và giải quyết tình trạng khủng hoảng y tế hiện tại càng sớm càng tốt", một đại diện của Hiệp hội Bệnh nhân bày tỏ.
Chưa có lối thoát
Từ ngày 19-2, hàng nghìn bác sĩ nội trú, bác sĩ thực tập, giáo sư y khoa đồng loạt đình công, nghỉ việc để phản đối đề xuất tăng thêm chỉ tiêu tuyển sinh các trường y khoa của Chính phủ Hàn Quốc.
Ngày 1-4, giới chức Hàn Quốc tuyên bố họ vẫn kiên quyết sẽ thực hiện tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
Theo lộ trình, chính phủ nước này dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh thêm 2.000 sinh viên trong năm học 2025 và thêm 10.000 vào năm 2035.
Theo lý giải của chính quyền, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt bác sĩ ở khu vực nông thôn và tình trạng thiếu bác sĩ ở các lĩnh vực y tế thiết yếu như nhi khoa và phẫu thuật thần kinh, cũng như giải quyết tình trạng dân số già.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết ngay cả khi đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh, các bác sĩ vẫn cần 10 năm nữa mới gia nhập lực lượng lao động.
Dự kiến đến năm 2035, Hàn Quốc sẽ thiếu hụt khoảng 15.000 bác sĩ. Ông Yoon cũng gửi lời xin lỗi đến người dân khi chưa thể giải quyết được những mâu thuẫn, khó khăn hiện tại do cuộc khủng hoảng y tế gây ra.
Để xoa dịu phần nào tình hình hiện tại, chiều 4-4 Tổng thống Yoon Suk Yeol đã gặp ông Park Dan - chủ tịch Ủy ban ứng phó khẩn cấp của Hiệp hội Y khoa công cộng Hàn Quốc (Hiệp hội Y khoa Deajeon) - trong 140 phút tại văn phòng tổng thống ở quận Yongsan, thủ đô Seoul.
Cộng đồng y tế Hàn Quốc đánh giá cuộc gặp giữa Tổng thống Yoon và ông Park mang ý nghĩa rất lớn vì nó là cánh cửa đối thoại giữa ngành y học và Chính phủ Hàn Quốc. Tuy nhiên đến cuối ngày 4-4, phía cộng đồng y khoa Hàn Quốc nhận định cuộc đối thoại "lịch sử" mà họ mong đợi đã đi vào ngõ cụt.
Trong khi đó, hiệu trưởng các trường y khoa vẫn liên tục kêu gọi các y bác sĩ tương lai hãy quay trở lại học tập và làm việc tại các bệnh viện để giải quyết tình hình trước mắt.
Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc đã đặt thời hạn chót cho các bác sĩ tham gia đình công phải quay trở lại làm việc là ngày 29-2 và cảnh báo nếu các bác sĩ này không tuân thủ sẽ lãnh các mức phạt tương ứng bao gồm án phạt hình sự hoặc đình chỉ giấy phép hành nghề.
Bất chấp nỗ lực của chính phủ, các bác sĩ và giáo sư vẫn quyết tâm nghỉ việc để "bảo vệ hệ thống y tế đang bị hủy hoại của Hàn Quốc". Các bác sĩ giải thích rằng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ chỉ làm giảm thu nhập của bác sĩ, tăng độ cạnh tranh tại các bệnh viện, giảm chất lượng giáo dục và dịch vụ y tế của toàn Hàn Quốc cũng như tạo ra tình trạng thừa bác sĩ.
Theo các bác sĩ, thay vì tăng số lượng bác sĩ, giới chức Hàn Quốc có thể cải cách y tế bằng cách tăng lương, giảm giờ làm việc, cải thiện điều kiện làm việc cho các bác sĩ để họ hết tâm hết sức vì bệnh nhân hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận