![]() |
Sông Mekong chảy qua Thà Khẹc - nơi thắm máu hàng ngàn người Việt và Lào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Ảnh: L.Đ.D. |
Một khúc sông đã đi vào lịch sử với những câu chuyện mà càng tìm hiểu tôi càng tin rằng Thà Khẹc là một “định mệnh hữu nghị” của người dân hai nước Việt - Lào.
“Thần đồng Đông Dương”
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời vợ chồng Hoàng thân Suphanuvong đang sống ở Vinh ra Hà Nội bàn về việc liên minh Việt - Lào trong tương lai, đoàn kết chống lại sự tái chiếm của Pháp.
Rời Hà Nội, gia đình hoàng thân vào Huế gặp bí thư xứ ủy kiêm chủ nhiệm Việt minh Trung bộ Nguyễn Chí Thanh trước khi theo đường 9 về lại Lào. Hiểu được vai trò quan trọng của hoàng thân với công cuộc kháng chiến sắp tới, Ủy ban Trung bộ lập tức cử một trung đội tinh nhuệ hộ tống Hoàng thân Suphanuvong và đoàn tùy tùng về Lào qua ngả đường 9 - cửa khẩu Lao Bảo về đến Sê Pôn - Mường Phìn. Vài hôm sau, một nhóm sĩ quan khác do đồng chí Võ Nguyên Giáp dẫn đầu đã theo gặp đoàn của hoàng thân tại Mường Phìn để tiễn và cử bốn sĩ quan đặc phái là Dương Cự Tẩm, Lê Thiệu Huy, Nguyễn Trọng Thường và Hoàng Xuân Bình bên cạnh hoàng thân.
Đầu tháng 3-1946, quân đội Anh của phe đồng minh dưới danh nghĩa vào giải giáp quân Nhật đã giúp quân Pháp trở lại xâm lược Lào. Lúc này, Hoàng thân Suphanuvong chỉ huy liên quân Lào - Việt với hơn 600 tay súng đang về Thà Khẹc mở mặt trận mới ngăn chặn sự tấn công của Pháp. Thà Khẹc là thủ phủ tỉnh Khăm Muộn, nơi giao nhau của quốc lộ 13 - tuyến đường xương sống của đất nước Lào với đường 8 chạy từ Thà Khẹc về Hà Tĩnh, nếu tình hình nguy cấp có thể theo đường 8 rút về vùng Hà Tĩnh của Việt Nam. Quân Pháp sau khi củng cố lực lượng đã tấn công vào các TP lớn. Savannakhet, thủ phủ của vùng Nam Lào, bị chiếm ngày 18-3-1946. Ba hôm sau, Pháp mở chiến dịch chiếm Thà Khẹc với lực lượng huy động có cả máy bay, xe tăng và nhiều đơn vị thiện chiến vây hãm lực lượng liên quân Lào - Việt.
Nhiều bà con Việt kiều là nhân chứng của ngày vỡ mặt trận Thà Khẹc cho biết đúng vào tầm đông buổi chợ, Pháp cho bốn máy bay từ sân bay Seno bay lên ném bom xuống chính giữa chợ, người chết la liệt, bà con hoảng loạn cứ thế ào xuống sông bơi sang bờ bên kia, giữa lúc đang chới với trên sông thì pháo địch câu xuống, máy bay tiếp tục ném bom. Ngày 21-3-1946 ấy, sông Mekong đoạn giữa Thà Khẹc sang Nakhon Phanom là dòng sông máu, hơn 3.000 người dân vô tội đã chết khi vượt sông. Canô chở Hoàng thân Suphanuvong, sau khi chỉ huy cuộc rút lui của liên quân, ra đến giữa sông thì bị máy bay lao đến xả đạn. Sĩ quan phụ tá Lê Thiệu Huy, tham mưu trưởng liên quân Lào - Việt, đã lấy thân mình che đạn cho hoàng thân và hi sinh, hoàng thân bị thương nặng. Canô bị trúng đạn, nhưng nhờ vào sự dũng cảm của những cận vệ, hoàng thân được đưa vào bờ kịp thời để cấp cứu. Lê Thiệu Huy là con trai cả của cụ Lê Thước, một bậc túc nho quê Đức Thọ (Hà Tĩnh) có công lớn trong việc xây dựng Viện Hán - Nôm.
Sau này, nhiều lần về huyện Đức Thọ công tác, tôi được gặp nhiều người đồng hương của ông, biết nhiều về Lê Thiệu Huy, đã nói rằng việc Lê Thiệu Huy hi sinh là một tổn thất rất lớn bởi sinh thời ông là người học giỏi nổi tiếng cả Đông Dương. Khi hi sinh, Lê Thiệu Huy mới 25 tuổi nhưng trước đó ông đã lấy một lúc ba bằng cử nhân tại Pháp - một thành tích mà trước ông chưa có ai đạt được, chính vì thế người đương thời đã gọi Lê Thiệu Huy là “thần đồng Đông Dương”. Sự hi sinh của Lê Thiệu Huy để cứu mạng Hoàng thân Suphanuvong trên mặt trận Thà Khẹc ngày ấy là một câu chuyện đẹp về sự hi sinh và tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào.
![]() |
Nhà văn Trần Công Tấn bên bàn thờ với hình Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp cùng Hoàng thân Suphanuvong - Ảnh: Lê Đức Dục |
Người con nuôi của hoàng thân
Căn nhà thoáng đãng ở gần ngã tư quận 9 và Thủ Đức, TP.HCM, khách đến thăm sẽ gặp ngay hình ảnh của đất nước triệu voi qua cái trang thờ ngoài trời với môtip thường gặp ở trước sân bất cứ ngôi nhà nào tại xứ Lào. Trên bậc thềm là đôi voi bằng đá trắng. Và khi an vị trong phòng khách, nhìn lên tường sẽ thấy những hình ảnh, tranh tượng đậm dấu ấn của xứ sở hoa champa... Chủ nhân ngôi nhà ấy là nhà văn Trần Công Tấn, nhưng với người dân Lào, họ lại biết đến ông qua tên gọi Sombun Vatthana Suphanuvong, con nuôi của Hoàng thân Suphanuvong - vị chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào từ năm 1975.
Cuộc sống luôn có những điều ngỡ như cổ tích. Câu chuyện trở thành hoàng thân nước Lào của nhà văn Trần Công Tấn cũng như thế. Từ một cậu bé nhà quê ở Triệu Phong (Quảng Trị), khi 10-11 tuổi, học sinh trường làng, người thầy đầu tiên dạy vỡ lòng đến lớp 3 cho ông cũng là một chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật. Từ việc đi đưa thư cho thầy, ông trở thành liên lạc viên cho cách mạng. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, cậu bé Tấn mới 12 tuổi đã là chiến sĩ ở một đơn vị đặc vụ quân sự mặt trận Huế (còn gọi là tình báo viên của chi đội Trần Cao Vân) rồi dài theo con đường chiến sự. Ở tuổi 13, Trần Công Tấn trở thành chiến sĩ liên lạc cho một đơn vị tình nguyện quân trên chiến trường Lào.
Đúng vào những ngày mặt trận Thà Khẹc đang nước sôi lửa bỏng ấy, giữa bom đạn mù trời ấy, chiến sĩ liên lạc Trần Công Tấn được cử đưa mật lệnh đến ban chỉ huy mặt trận đề nghị rút quân, vượt dòng Mekong qua phía Nakhon Phanom (Thái Lan) bởi lúc này dọc tuyến đường 8 địch đã chờ sẵn, chỉ chờ liên quân rút về theo đường này là rơi vào hang ổ phục kích. Mang được mật lệnh đến, cậu bé liên lạc Trần Công Tấn không hề biết người chỉ huy tối cao ấy chính là vị hoàng thân của nước Lào. Nhìn cậu bé liên lạc người Việt nhỏ, đen vì khói đạn, hoàng thân ân cần hỏi tên, tuổi rồi quay lại nói với mọi người: “Một đứa bé mới 13 tuổi mà đã được cụ Hồ gửi lên giúp Lào, từ nay tôi coi nó là con trai tôi, tên của con sẽ là Sombun Vatthana Suphanuvong!”.
Xong nhiệm vụ, cậu bé liên lạc quay lại đơn vị, không hề nhớ gì đến câu chuyện được nhận làm con nuôi của ông hoàng nước Lào. Nhiều năm sau, trong một lần bị thương, nằm ở quân y viện, ông mới nhận được thư của Hoàng thân Suphanuvong gửi cho ông. Nhìn chiếc phong bì đề tên người nhận bằng tiếng Pháp là “Prince Somboune Vatthana Souphanouvong” (Hoàng thân Sombun Vatthana Suphanuvong) ông cứ nghĩ người ta đưa nhầm, nhưng vừa đọc bức thư, ký ức ông đã hiện lên hình ảnh của ngày mặt trận Thà Khẹc chìm trong lửa đạn. Và người chỉ huy mặt trận Thà Khẹc, vị hoàng thân nước Lào, đã xúc động ôm lấy cậu bé liên lạc nhận làm con nuôi. Trong thư, hoàng thân muốn được đón ông về vùng giải phóng Sầm Nưa để sống với ông. Tuy nhiên, ngay đêm hôm đó ông Tấn đã trốn viện, về với đơn vị để tiếp tục cuộc chiến đấu cùng đồng đội.
Gần 70 năm trôi qua, kể từ ngày đó, cậu bé liên lạc được nhận làm con nuôi rồi trở thành hoàng thân của nước Lào nay đã vào tuổi 80. Bước chân người lính của ông đã đi khắp chiến trường Đông Dương. Những đóng góp của ông cho tình hữu nghị Việt - Lào không chỉ thể hiện qua hàng chục đầu sách, ký sự, tiểu thuyết... viết và dịch cho văn học Lào - Việt.
Khi Hoàng thân Suphanuvong qua đời năm 1995, Trần Công Tấn tuy là con nuôi nhưng ở vị trí là con trai cả của hoàng thân nên ông là người đầu tiên và trực tiếp nhận thanh kiếm của quốc vương theo đúng phong tục, rồi sau đó chính tay ông trao lại cho người em kế (tức con trai ruột của Hoàng thân Suphanuvong). Một phần tro cốt của hoàng thân sau khi hỏa thiêu được đưa về thờ trong căn nhà của ông ở TP.HCM một thời gian theo đúng tập tục của người Lào, rồi sau đó mang trở lại Vientiane để đưa vào chùa. Trên bàn thờ của gia đình, nhà văn Trần Công Tấn trang trọng đặt tấm hình Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp chung với Hoàng thân Suphanuvong. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận