![]() |
Mặt tiền đường Nguyễn Văn Tạo (xã Hiệp Phước) xuất hiện những ruộng lúa chết - Ảnh: Đ.TRANG |
Tuy nhiên, ngày 4-1, chúng tôi hỏi 10 người ở xã Hiệp Phước thì cả 10 người đều không biết nơi họ đang ở sẽ trở thành một khu đô thị mới với cách làm mới.
Giá đất sẽ ra sao?
“Nghe thành phố định hướng xây dựng xã này trở thành khu đô thị mới tui cũng mừng, nhưng thiệt tình chưa nghe xã nói gì ráo trọi” - ông Nguyễn Hồ Bình, bí thư chi bộ ấp 1, xã Hiệp Phước, nói. Với 8 công ruộng (8.000m2) ở Hiệp Phước, gia đình ông Bình sống chủ yếu bằng nghề nông từ những ngày đầu giải phóng.
Trong cơn sốt đất năm 2000, ông Bình bán đi một nửa mảnh ruộng để chia cho con cháu với giá 100 triệu đồng/công (100.000 đồng/m2). Trưa 4-1, ông Bình cho biết: “Hồi trước, khi chưa có Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước, đất ở đây chỉ bán được vài ba chục ngàn đồng/m2. Tui hên bán được cho mấy người ở nội thành ngay lúc đất đang lên giá; bây giờ mấy ổng rên quá, kêu bán 50.000-60.000đ/m2 không ai mua, vì là đất qui hoạch rồi”.
Ghi nhận của chúng tôi, giá đất ở xã Hiệp Phước đang đứng và có chiều hướng giảm: đất nông nghiệp 40.000-140.000 đ/m2 (tùy vị trí); đất trồng cây lâu năm chỉ cao hơn đất nông nghiệp 20.000-25.000 đ/1.000m2 (là chi phí san lấp).
![]() |
Nhà máy đang mọc lên ở Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: N.C.T. |
Giải pháp để làm bình ổn thị trường khi dự án triển khai, theo ông Nguyễn Văn Trường, chủ tịch UBND xã Hiệp Phước, là nhà đầu tư phải thực hiện toàn bộ dự án theo qui hoạch tổng thể, không phân chia, xé lẻ, vì có như vậy mới khống chế được giá trị quyền sử dụng đất dựa vào đơn giá Nhà nước ban hành hằng năm.
Còn nhiều băn khoăn
Từ khi có KCN Hiệp Phước đến nay, cư dân xã Hiệp Phước cũng chuyển đổi cơ cấu lao động. Từ 100% dân cư là nông dân, bây giờ trên đất Hiệp Phước đã có trên 500 công nhân làm việc cho các công ty, xí nghiệp trong KCN. Con số không lớn vì lý do đơn giản: trình độ dân trí quá thấp nên khi chuyển đổi chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, cứ nộp hồ sơ là bị loại.
Tổng diện tích đất ở xã Hiệp Phước trên 3.800ha (lớn gần gấp sáu lần khu đô thị Thủ Thiêm), trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp. Bao gồm 1.923ha đất ruộng do người dân địa phương và người dân ở Cần Giuộc, Long An, Cần Giờ đang canh tác); 475,25ha đã chuyển nhượng cho người dân ở các quận, huyện của TP.HCM), còn lại là đất mặt nước như sông, rạch. |
200ha trong tổng diện tích hơn 3.800ha đất của xã Hiệp Phước nằm trong qui hoạch KCN Hiệp Phước đã giải tỏa. Còn hơn 3.600ha sẽ xây dựng khu đô thị thì sao?
Theo ông Nguyễn Văn Trường, một số ít người dân trong xã chỉ mới biết xã mình được TP chọn làm khâu đột phá xây dựng khu đô thị Hiệp Phước, khi theo dõi thông tin về Đại hội Đảng TP lần VIII trên báo Tuổi Trẻ. “Góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất là gì? Cổ phiếu, cổ tức, thị trường chứng khoán... cũng là những từ mới nghe lần đầu. Một khi dân chưa hiểu, chưa thông mà đưa dân vào “thế” này, chắc chắn dân không thuận” - ông Trường nói.
Vị chủ tịch xã kiến nghị: khi triển khai dự án, nhà đầu tư phải có thuyết minh cụ thể, giải thích cặn kẽ cho dân hiểu; kèm theo chính sách đền bù giải tỏa, Nhà nước phải có chính sách bảo đảm đời sống người dân trong trường hợp nhà đầu tư làm ăn thua lỗ (ví dụ Nhà nước thu mua toàn bộ cổ phiếu của người góp vốn, trả tiền cho dân).
“Chủ trương xây dựng một xã nghèo trở thành khu đô thị mới là một chủ trương hoàn toàn đúng, là một bước đột phá mạnh, mới, nhất là khi đó quyền lợi của người dân được đảm bảo, đỡ một gánh nặng trong quản lý xã hội. Vấn đề là giải pháp để biến chủ trương ấy thành hiện thực như thế nào” - ông Trường nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận