11/12/2004 13:00 GMT+7

Không quá 400.000 vé tàu tết năm nay

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
CẦM VĂN KÌNH thực hiện

TTCN - Với đa số người Bắc tha hương vào Nam, tết là dịp về với cội nguồn, đó cũng là lúc họ phải đối mặt với nỗi lo: về bằng gì? Máy bay xem ra vẫn là xa xỉ. Xe đò thì phải ngồi bó gối đằng đẵng. Chỉ còn đường sắt. Thế nhưng vé thì năm nào cũng thiếu. Có vé thì lên tàu tết vẫn khổ.

hSYWwAvJ.jpgPhóng to
Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Nguyễn Hữu Bằng.

Câu hỏi “Bao giờ hết khổ, hết phải lo?” đã được TTCN đặt lên bàn tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Nguyễn Hữu Bằng. Ông Bằng cho biết.

Nếu nói đến tết mà không thiếu vé thì khó. Nhu cầu tăng đột biến, chủ yếu đi một chiều từ Nam ra Bắc rồi sau tết thì từ Bắc vào Nam. Mà đường sắt chỉ có đúng một đường đơn. Mà đường đơn người ta đã tính được trong ngày chỉ cho chạy tối đa không quá 20 đôi tàu. Trong khi đó đoàn tàu chở được nhiều nhất là 1.000 người. Cứ thế tính ra từ 20-28 tết đường sắt sẽ không bao giờ chở hết số người muốn đi tàu. Chúng tôi đã tính rồi, chỉ đáp ứng được 1/3 là nhiều.

* Câu hỏi mà tất cả những người đi tàu VN nếu gặp chắc đều muốn hỏi ông ngay là: khi nào họ hết phải khổ sở chầu chực, xếp hàng mua vé? Người dân đã có quyền hi vọng về viễn cảnh đường sắt VN có hai đường ray chạy song song để tăng cường năng lực vận tải chưa?

- Đường sắt đã có chiến lược phát triển đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo chiến lược này, đường sắt VN phải phát triển mạng đường sắt theo tiêu chuẩn thế giới. Hiện nay khổ đường ray của ta là 1m và chỉ có một đường độc đạo theo trục Bắc-Nam. Sẽ phải làm đường đôi, rút ngắn hơn nữa thời gian chạy tàu. Ngay từ năm 2003 ngành đường sắt đã trình lên Bộ Giao thông vận tải qui hoạch mạng đường sắt cao tốc. Chúng ta sẽ làm đường đôi, khoảng cách giữa hai thanh ray là 1,435m theo tiêu chuẩn quốc tế, giống bước đi của Nhật Bản và Hàn Quốc (hai nước này từng dùng đường sắt khổ 1m như ta-PV). Chúng tôi đang thiết kế dự án đó nhưng cố gắng thì cũng phải đến năm 2010 mới làm được.

* Trong nền kinh tế thị trường mà cứ “đến hẹn” một công ty lại không có hàng để bán thì kỳ cục lắm. Cảnh xếp hàng mua vé tết không những làm khổ hành khách mà còn trương ra một hình ảnh chưa hay về năng lực các dịch vụ công cộng ở VN?

- Chúng tôi đã tìm mọi cách để phục vụ tốt hơn. Năm nay là lần đầu tiên Tổng công ty Đường sắt phân cấp lại toàn bộ cho các công ty khách Hà Nội và Sài Gòn. Họ phải tự lo để có biện pháp phù hợp, tránh nhiều người tập trung vào một ngày. Hiện ga Sài Gòn có 14 cửa bán vé, sắp tới sẽ tăng cường thêm 6-8 cửa nữa. Năm nay chúng tôi đã cho mở thêm đại lý, bán phiếu đăng ký để người dân có vé dễ dàng hơn, tránh phe vé. Học sinh, sinh viên chưa có tiền cũng có thể đăng ký trước rồi trả tiền sau, không đợi đến sát tết lo đủ mới ra ga gây tình trạng “biển người”. Với cơ sở vật chất hiện nay chỉ có thể đáp ứng được như thế. Nhưng chúng tôi luôn quan niệm năm nay phải làm tốt hơn năm trước.

* Vậy năm nay lượng vé có hơn năm trước không, thưa ông?

- Hiện mỗi ngày có năm đoàn tàu từ Hà Nội vào TP.HCM và năm đoàn đi chiều ngược lại. Dịp tết chúng tôi sẽ tăng thêm sáu đoàn nữa nên tổng lượng vé từ TP.HCM ra Hà Nội năm nay tăng 15%, nhưng chắc chắn không quá 400.000 vé.

* Nhưng riêng Khu công nghiệp Sóng Thần ở Đồng Nai, số người đăng ký mua vé đã hơn 200.000 người?

- Đúng vậy, khi tiến hành cho các tập thể, trường học đăng ký từ ngày 1-11-2004, số lượng phiếu cứ tăng chóng mặt. Song tổng lượng vé bán ra không thể thay đổi được. Nối toa cũng đã hết mức rồi, nếu thêm nữa thì khi vào ga sẽ không có chỗ để tránh nhau. Chiều dài sân ga ở ta thường ngắn, đặc biệt là từ Nha Trang trở vào.

“Giá đất tăng, tiền đền bù giải tỏa cao, rồi phải mua lại nhà với giá cao thì... cũng vậy”Nguyễn Hữu Thọ, đại biểu HĐND TP.HCM, lưu ý về việc ban hành khung giá đất mới.

“Chúng ta không thể thắng lợi trong hội nhập cũng như phát triển kinh tế bền vững, hiệu quả trong thời gian tới nếu như không đẩy mạnh tiết giảm chi phí trung gian” Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải phát biểu trong hội nghị ngành kế hoạch & đầu tư vừa được tổ chức tại Hà Nội.

* Bên cạnh chuyện vé, nhiều hành khách đã kêu trời: đi tàu tết đáng ra phải sang thì chất lượng lại tệ nhất năm! Chuyện bán phiếu, lấy tickê cũng khổ sở lắm!

- Vì quá đông nên chất lượng không thể như ngày thường được. Nhưng nếu do lỗi nhân viên, nhận được thông tin là chúng tôi xử lý ngay. Đã có hành khách gửi thư phản ảnh ông đi tàu E2, mua vé xịn nhất: hơn 900.000 đồng mà vào nhà vệ sinh không có giấy, buồng không được quét dọn... Tôi đã quyết định buộc nhân viên phạm lỗi ở nhà hưởng lương 290.000đ/tháng.

Gần đây, khi đáp một chuyến tàu từ Tháp Chàm ra Hà Nội, tôi được họ xếp vào khoang có điều hòa. Lúc lên thấy rất nhiều người ngồi ở toa này. Một lát bỗng đi đâu hết. Hỏi thì nhân viên bảo hành khách tự lên ngồi cho mát. Tôi không tin, kiểm tra thì phát hiện muốn lên toa “xịn” hành khách phải chi thêm 20.000đ. Những trường hợp đó chúng tôi có biết và phát hiện là xử lý kiên quyết.

* Cụ thể là kiên quyết thế nào? Đã có trường hợp khi phản ứng, một hành khách bị trưởng tàu hắt cả ấm chè vào mặt, ông có biết không?

- Trường hợp đó chúng tôi đã đình chỉ việc, cho ở nhà. Cũng với lỗi vi phạm chất lượng phục vụ, mới đây tôi đã quyết định xử lý một loạt: cách chức giám đốc Xí nghiệp Xe khách Hà Nội, điều phó giám đốc đi làm việc khác, trưởng tàu xuống làm phó và phó tàu quay lại làm nhân viên... Nhưng tôi tin còn nhiều vụ như thế.

* Ngoài chuyện vé, nỗi khổ khi đi tàu tết, người ta vẫn băn khoăn giá cước của đường sắt VN vẫn thuộc dạng rất cao. Các suất ăn thì đơn giản, tính ra đường sắt phải lãi gấp đôi?

- Nói thế chứ đường sắt đang phải cạnh tranh quyết liệt với các phương tiện vận tải khác. Chúng tôi phải tính giá vé bao nhiêu thì hành khách chấp nhận được. Đúng là vé sang nhất hiện nay lên tới 995.000đ, bằng 2/3 giá vé máy bay, trong khi đi ôtô chỉ mất khoảng 350.000 - 380.000đ. Còn nói suất ăn trên tàu đắt cũng có thể đúng. Song phải tính đến một số phụ phí: phục vụ nước uống, nấu nướng, hâm nóng thức ăn và tiền hộp đựng...

* Dù còn phải khổ với đường sắt nhiều nhưng nói gì thì nói, phải công nhận thời gian chạy tàu đã liên tục giảm xuống, từ ngày 1-12-2004 từ Hà Nội vào TP.HCM chỉ còn mất 29 giờ. Ông có thể tiết lộ một cái đích nào khác không?

- Tổ chức JAICA của Nhật đã nghiên cứu ở VN rồi, với đường ray khổ 1m, tốc độ cao nhất có thể đạt được là 120km/giờ. Vì vậy, đích cao nhất với đường sắt 1m là đến năm 2010 từ Bắc vào Nam chỉ đi mất 24 giờ. Song không phải dễ dàng, phải nâng cấp thiết bị liên kết giữa đường ray và tà-vẹt, hệ thống truyền dẫn tín hiệu, cải tạo đường ngang, làm lại cầu yếu... Toa xe thế hệ hai hiện nay cũng chỉ đi được tối đa 100km/giờ nên đầu máy toa xe cũng phải thay.

* Nếu chạy 24 giờ thì chắc tiền vé sẽ giảm và đường sắt cũng lãi hơn?

- Lý thuyết là vậy nhưng cũng chưa chắc đâu. Vì muốn chạy 24 giờ từ Bắc vào Nam phải đầu tư rất nhiều!

* Xin hỏi ông một câu tế nhị, đường sắt chắc lãi rất lớn?

- Không. Doanh thu toàn ngành mỗi năm là 4.000 tỉ đồng, doanh thu vận tải năm 2004 phấn đấu đạt 2.000 tỉ. Lãi dự kiến năm nay chỉ khoảng 12 tỉ đồng. Chúng tôi có tới 46.000 cán bộ công nhân. Nên đang có chương trình mỗi năm giảm đi 1%.

* Câu hỏi cuối cùng, thưa tổng giám đốc, nếu lượng vé và giá vé không thể thay đổi thì ông có thể yêu cầu nhân viên của mình chuyển biến tốt ở một điểm nào đó?

- Tôi đã nói nhân viên bán vé và nhân viên trên tàu là phải làm sao cố gắng cười với khách như đang cười với ông trưởng ga, ông trưởng tàu vậy!

* Thưa tổng giám đốc, như lời ông nói thì người dân có thể hiểu chắc như đinh đóng cột: không quá con số 400.000 vé. Nhưng trong bài trả lời phỏng vấn báo Sài gòn Giải Phóng ngày 7-12 vừa qua, phó tổng giám đốc của ông lại khẳng định: sẽ đáp ứng đủ nhu cầu đi tàu tết. Vậy hành khách có thể tin vào đâu?

- Không, không thể có chuyện đó được. Không ai được phép nói thế. Tôi là tổng giám đốc, chịu trách nhiệm cao nhất trước toàn ngành và với cấp trên, cũng là người nắm rõ nhất tình hình chung và khả năng của tổng công ty nên các anh có thể tin tôi. Chúng tôi không đồng ý để một luồng thông tin nào khác gây hiểu lầm đối với hành khách. Tết là dịp rất nhạy cảm, nếu nói mà không làm được sẽ rất nguy hiểm. Tôi xin khẳng định lại: không quá 400.000 vé.

* Ngành đường sắt đã bao giờ thống kê vào dịp tết có bao nhiêu người cần vé tàu hỏa chưa? Đến thời điểm này số phiếu đăng ký mua vé tết đã bán được bao nhiêu rồi, thưa ông?

- Thống kê có bao nhiêu người muốn mua vé vào dịp tết thì khó quá, chúng tôi chưa làm được. Chính vì năm nay tổng công ty phân cấp, giao lại trách nhiệm phân phối vé cho các công ty khách Hà Nội và Sài Gòn nên số liệu cụ thể đã bán được tổng số bao nhiêu phiếu đăng ký, chúng tôi cũng chưa nắm được đích xác.

** *

Theo số liệu chúng tôi thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau, ước tính mỗi năm có ít nhất trên 1 triệu người có nhu cầu đi tàu hỏa vào dịp tết. Năm 2003, dù số người chen lấn kỷ lục ở ga Sài Gòn đã tạo áp lực rất lớn nhưng ngành đường sắt cũng chỉ đáp ứng được gần 350.000 vé tết từ Nam ra Bắc.

Nếu triển vọng mỗi năm chỉ tăng thêm được 15% số vé (cũng khó đạt được do năng lực vận tải có ngưỡng nhất định) thì tình trạng thiếu vé sẽ ngày càng trầm trọng vì cùng với số lượng các khu công nghiệp phía Nam tăng lên, dân di cư từ Bắc vào cũng tăng sẽ đẩy nhu cầu vé tết vọt lên.

Theo các nhà chuyên môn, tình trạng này chỉ có thể được giải quyết khi VN có hai đường ray song song và một số tuyến đường sắt cao tốc. Tuy nhiên, viễn cảnh này, theo lời tổng giám đốc Nguyễn Hữu Bằng đã nói, chắc chắn phải đợi đến sau 2010 mới có cơ thành hiện thực!

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên