![]() |
Ông Phạm Thế Duyệt |
* Thưa ông, đã có 223 người tự ứng cử nhưng cơ cấu, thành phần đại biểu không thể hiện tỉ lệ cụ thể cho những người tự ứng cử?
- Cơ cấu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) không thể hiện tỉ lệ đắc cử đối với người tự ứng cử nên có thể có người cảm thấy không có chỗ cho người tự ứng cử. Nhưng thực tế không phải không có chỗ. Quyền lựa chọn thuộc về cử tri. Cơ cấu 500 đại biểu, khi cử tri thấy ai là người ưu tú, đủ năng lực, trình độ để gánh vác công việc của đất nước thì họ sẽ bầu người đó, không phân biệt tiến cử hay tự ứng cử. Tôi tin Quốc hội khóa XII sẽ có nhiều người tự ứng cử trúng cử. Tất cả những ai đủ điều kiện ứng cử, đủ năm tiêu chuẩn ĐBQH thì đều được tôn trọng như nhau. Người dân sẽ biết những ai đóng góp được cho dân, cho nước. Không ai coi chuyện tự ứng cử là nặng nề mà phải coi đó là việc tốt và phải tạo điều kiện cho mọi người tham gia. Gây cản ngại cho việc này sẽ là dân chủ hình thức, không hay. Quốc hội khóa XI có nhiều người tự ứng cử và hai người đã trúng cử (đại biểu Phương Hữu Việt và Nguyễn Ngọc Đào của đoàn Hà Nội - PV).
* Đối với các cơ quan trung ương, cơ cấu, thành phần đưa ra hiệp thương lần hai sẽ có những thay đổi gì so với hội nghị hiệp thương lần thứ nhất?
- Sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử trung ương đã tiếp thu ý kiến của Mặt trận khá tốt. Mặt trận đề nghị cơ quan Đảng có thể ít hơn 10 người nhưng cơ quan Đảng giải thích cơ cấu, thành phần cơ quan Đảng trong Quốc hội phải có ít nhất 10 người mới đủ sức lo toàn diện các công việc nên cơ cấu này giữ nguyên. Đối với cơ quan Chủ tịch nước, cơ cấu trước đây là ba đại biểu nay giảm xuống còn hai. Cơ cấu trong cơ quan Chính phủ trước đây là 15 đại biểu và tách hai cơ quan là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an riêng ra nhưng nay sắp xếp lại, coi các đồng chí bộ trưởng Bộ Công an, bộ trưởng Bộ Quốc phòng là thành viên Chính phủ, không tách riêng. Khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trước cơ cấu 31 đại biểu nay bổ sung ba đại biểu đại diện của Hội Nhà báo VN, Hội Cựu thanh niên xung phong và Tổng hội Y học VN...
* Thưa ông, các ứng cử viên sẽ phải tiếp xúc cử tri như thế nào?
- Việc tiếp xúc cử tri phải được làm đến nơi đến chốn và thực chất. Mỗi ứng cử viên sẽ tiếp xúc với cử tri một buổi. Tại buổi tiếp xúc này, các ứng cử viên sẽ phải trình bày xem nếu trúng cử họ sẽ làm gì. Nếu ứng cử viên từng là ĐBQH khóa XI họ sẽ phải trình bày xem khóa vừa rồi mình làm được gì. Trong quá trình tiếp xúc, người dân hỏi gì thì ứng cử viên phải báo cáo. Sau đó cử tri sẽ thể hiện sự tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu.
* Ứng cử viên ĐBQH đã tiến hành kê khai tài sản, thu nhập. Bản kê khai tài sản, thu nhập có được công bố để cử tri biết không?
- Tôi chắc không ai đọc tất cả các bản kê khai đó nhưng có thể tóm tắt một số điểm cho dân biết. Khi dân có những khúc mắc cần hỏi thì ứng cử viên phải báo cáo. Ứng cử viên đã kê khai thì phải chịu trách nhiệm về việc kê khai tài sản của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận