Ông Lê Minh Hoan - Ảnh: Thanh Tú |
- Mấy năm qua lãnh đạo tỉnh đã xác định doanh nghiệp (DN), người dân là đối tác, người bạn đồng hành trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh Đồng Tháp cũng như các tỉnh ĐBSCL luôn bị đánh giá là vùng giàu tiềm năng mà lại nghèo. Muốn dân giàu lên để có điều kiện học hành thì không thể bằng khẩu hiệu suông mà phải bằng chính sách điều hành cụ thể, phải tạo điều kiện tốt nhất để DN ngoài tỉnh và nước ngoài đầu tư vào tỉnh.
* Ông nói tỉnh xem DN và người dân là đối tác, điều này diễn ra trên thực tế như thế nào?
- Chúng tôi không chờ DN tìm tới các cơ quan công quyền để “xin” rồi mình giải quyết “cho” như những năm trước. Bây giờ phải làm ngược lại, phải tìm DN hỏi họ muốn gì, cần gì, khó khăn gì để về giải quyết cho họ càng nhanh càng tốt. Chúng tôi có cơ chế giao ban giám đốc các sở Kế hoạch - đầu tư, Tài nguyên - môi trường, Cục Thuế... trực tiếp tiếp xúc, làm việc với DN chứ không để công chức làm. Trong thực tế trình độ năng lực, hiểu biết của công chức không thể bằng lãnh đạo nên họ thường làm theo kiểu “an toàn”, gây phiền hà cho DN và người dân.
* Vừa rồi ông ký văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ sửa quy định để cho các DN trên lĩnh vực nông nghiệp được vay vốn ngân hàng phát triển, hay đề nghị tăng giá sàn mua lúa cho nông dân, hoặc đề nghị cấp phép xuất khẩu năm năm đối với Công ty CP Vĩnh Hoàn. Đây có phải là kết quả của việc các sở ngành nắm tình hình từ DN rồi đề xuất UBND tỉnh?
- Có cả ý kiến của sở ngành và của cá nhân tôi nữa. Tôi trực tiếp đến DN và đồng ruộng mà nông dân đang thu hoạch lúa để hỏi thăm, nắm tình hình rồi đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết vì những việc đó vượt thẩm quyền của tỉnh.
DN đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp thường là vốn lớn, nhưng thời gian sinh lợi chậm hơn lĩnh vực công nghiệp. Nếu không có cơ chế khuyến khích thì làm sao DN mạnh dạn đầu tư, nhất là trong lúc kinh tế thế giới và trong nước gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay. Tôi nghĩ rằng nếu DN được tiếp cận vốn của ngân hàng phát triển lãi suất thấp hơn ngân hàng thương mại là hợp lý. Còn Công ty CP Vĩnh Hoàn mới đầu tư sang lĩnh vực chế biến, xuất khẩu lúa gạo rất quy mô và có cả chi nhánh ở Mỹ. Tôi đến DN và biết họ có nhiều hợp đồng xuất khẩu dài hạn rất có lợi cho DN và cho nông dân. Trong khi đó họ chưa có tên trong danh sách 100 DN được cấp phép xuất khẩu thời hạn năm năm. Nếu giúp được họ thì cũng giúp nông dân mình chứ ai. Tôi đến gặp dân thấy họ thu hoạch lúa chất đống mà không vui vì giá dưới 4.500 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất gần 4.500 đồng/kg. Tôi cũng bức xúc nên về chỉ đạo soạn công văn kiến nghị Thủ tướng liền.
* Thủ tướng đã trả lời những kiến nghị của ông chưa?
- Mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết đồng ý về chủ trương cho DN đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp được vay vốn ngân hàng phát triển, đồng ý và giao Bộ Công thương đưa Công ty CP Vĩnh Hoàn vào danh sách 100 DN cấp phép xuất khẩu năm năm. Còn giá lúa thì khó bởi phải theo quy luật thị trường. Do đó tỉnh chuyển sang làm cách khác giúp nông dân bán lúa giá cao hơn thị trường là đề nghị DN ký hợp đồng bao tiêu lúa của dân với giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg.
* Một trong những tiêu chí của tỉnh Đồng Tháp được DN đánh giá cao là giải quyết thủ tục hành chính. Giải pháp của Đồng Tháp là gì, thưa ông?
- Chúng tôi làm đúng quy định của pháp luật, cũng vẫn là “một cửa”, cố gắng giải quyết hồ sơ nhanh nhất. Trong quá trình tiếp xúc với DN thì phải tận tình chỉ dẫn, giúp đỡ họ hoàn tất thủ tục một cách nhanh nhất. Cái gì mà sở ngành có thể làm giúp DN thì phải làm chứ không bắt DN đi tới đi lui tìm kiếm, xin xỏ mất thời gian.
Có lẽ điều mà DN hài lòng với tỉnh Đồng Tháp là không phải chúng tôi cấp giấy chứng nhận đầu tư rồi xong việc. Tỉnh ủy - UBND tỉnh giao các sở ngành, địa phương có liên quan phải theo sát để hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn trong quá trình xây dựng nhà xưởng, tuyển dụng lao động, tìm nguồn nguyên liệu, vận chuyển ra sao... Có nghĩa là chúng tôi theo sát DN mãi mãi, đúng với quan điểm coi DN là đối tác, là bạn đồng hành.
Gỡ khó cho doanh nghiệp Chiều 15-3, tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và hoàn trả kết quả UBND thành phố Cao Lãnh, chúng tôi gặp ông Đỗ Văn Tính đang chờ làm thủ tục thay đổi diện tích đất trong sổ đỏ. Ông bảo thành phố giải quyết trong một buổi là xong chứ không phải chờ đợi lâu. Còn ông Đoàn Văn Hiền, giám đốc Công ty TNHH thương mại xuất khẩu Thu Hà Đồng Tháp, cho hay cách đây hai năm ông từ TP.HCM đến Đồng Tháp đầu tư lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo. Chỉ trong sáu tháng thì đã có một nhà máy hoạt động. Bây giờ đã có ba nhà máy, với vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng. “Khi làm thủ tục xây dựng nhà máy tôi bị vướng ở khâu chuyển mục đích sử dụng đất để bổ sung hồ sơ. Sau khi trình bày với lãnh đạo UBND tỉnh, hơn một tuần sau tôi đã nhận được giấy phép xây dựng” - ông Hiền nói. V.TR. - N.TÀI |
Mô hình “cà phê doanh nhân” Trao đổi thêm về “hiện tượng” Đồng Tháp, ông Đậu Anh Tuấn, phó ban pháp chế VCCI, cho biết: - Qua dữ liệu điều tra, Đồng Tháp chỉ đạt 63,79 điểm, giảm gần 4 điểm so với 67,06 điểm của năm 2011. Đồng Tháp năm nay cũng tụt từ nhóm xuất sắc của năm ngoái xuống nhóm tốt của năm nay. Tuy nhiên bên cạnh đó, chỉ số tiếp cận đất đai của Đồng Tháp năm nay có sự cải thiện so với năm 2011, được doanh nghiệp đánh giá cao. Đây là chỉ số ít thấy cải cách rõ rệt ở các tỉnh khác nhưng Đồng Tháp đã làm được. Các chỉ số khác như tính minh bạch, đào tạo lao động, chi phí không chính thức... Đồng Tháp giữ được điểm như năm 2011. Điều tra PCI năm nay của Đồng Tháp nhận được 95 phiếu doanh nghiệp phản hồi từ 300 phiếu khảo sát phát ra, tỉ lệ hơn 31%. Lưu ý là điều tra PCI là điều tra chọn mẫu phân tổ, đảm bảo đại diện cho toàn bộ doanh nghiệp của địa phương. Phương pháp và cách thức chọn mẫu được thực hiện với tiêu chuẩn cao, khắt khe. Trả lời câu hỏi có ý kiến cho rằng Đồng Tháp không hẳn tốt lên nhiều mà do các tỉnh khác kém đi, ông Tuấn nói: - Từ dữ liệu thì đúng là năm nay Đồng Tháp đứng đầu không hẳn do có đột phá mà do xu hướng nhiều tỉnh giảm sút nhanh về chất lượng điều hành. Tuy vậy, từ những thông tin mà chúng tôi có được thì cá nhân tôi rất ấn tượng về hoạt động của chính quyền Đồng Tháp. Như tỉnh này đã đề ra mô hình “cà phê doanh nhân” để đối thoại thường xuyên và rộng khắp không chỉ với doanh nghiệp mà với cả cán bộ, công chức, người dân... Những hoạt động như vậy thường có tác dụng tốt. CẦM VĂN KÌNH |
Phóng to |
Ông Đỗ Văn Tính (phải, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) được UBND TP Cao Lãnh điều chỉnh sổ đỏ chỉ trong buổi chiều 15-3 - Ảnh: N.Tài |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận