05/08/2016 09:36 GMT+7

​Không nên “thử vận may” khi đăng ký xét tuyển

TRẦN HUỲNH - HẢI QUÂN
TRẦN HUỲNH - HẢI QUÂN

TTO - Trong khi các chuyên gia tuyển sinh đã lưu ý phải hết sức cân nhắc trước khi nộp hồ sơ xét tuyển nhưng không ít thí sinh lại đăng ký để ... "thử vận may"

Thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: CHÍ THÔNG
Thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: CHÍ THÔNG

Sáng nay, số thí sinh đến các trường ĐH nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vẫn rất đông. Đáng chú ý nhiều thí sinh vừa đạt đủ mức điểm sàn xét tuyển đã đăng ký nộp hồ sơ luôn. Tính đến chiều qua 4-8, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) đã nhận được hơn 3.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển (chưa tính số hồ sơ nộp qua đường bưu điện). Trong số thí sinh nộp hồ sơ vào trường này không chỉ có thí sinh đạt điểm cao mà còn có cả những hồ sơ chỉ đạt mức trung bình, thậm chí gần mức sàn xét tuyển.

Điểm chuẩn sẽ cao hơn nhiều so với điểm sàn

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trong khi điểm chuẩn của trường năm 2015 từ 19,75 – 25,25 (tùy ngành) nhưng mấy ngày qua, nhiều thí sinh có điểm chưa thấp hơn mức điểm trên 2-3 điểm vẫn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường.

Một số thí sinh, phụ huynh cho biết do nhà trường thông báo mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 15 điểm thấy mình đạt 17,75 - 18 điểm trở lên là “đủ điều kiện và có thể đậu” nên nộp luôn. Cá biệt có một số thí sinh chỉ đạt 16,5 điểm vẫn nộp hồ sơ vào trường này.

“Nhà trường thông báo chỉ cần 15 điểm là được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường. Em thấy đề thi năm nay khó, nhiều bạn em điểm cũng thấp nên em nộp vào Trường ĐH Sài Gòn và nộp thêm vào Trường ĐH Bách khoa thử vận may (?!) – một nữ sinh ở TP.HCM cho biết khi đến đăng ký xét tuyển tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM).

TS Lê Chí Thông, trưởng phòng đào tạo nhà trường, lưu ý: “Điểm nhận hồ sơ của trường bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT nhưng điểm chuẩn của trường chắc chắn sẽ cao hơn nhiều. Thí sinh cần tham khảo điểm chuẩn các ngành của trường năm 2015 để biết mức điểm mình có cơ hội vào trường hay không. Năm nay thí sinh không được rút lại hồ sơ sau khi nộp, vì thế không nên thử vận may khi đăng ký xét tuyển". 

Cũng theo ông Thông với phổ điểm thi năm nay, dự báo điểm chuẩn vào Trường  ĐH Bách khoa có thể giảm từ 0,5 đến 1,5 điểm, tùy ngành. Riêng ngành kiến trúc: môn toán tính hệ số; môn năng khiếu phải đạt từ 5 trở lên.

Vừa đủ ngưỡng sàn, nhiều thí sinh đã nộp hồ sơ

Trường ĐH Tôn Đức Thắng công bố điểm sàn xét tuyển năm nay dao động từ 15-21 điểm (tùy ngành). Trong đó, ngành kinh doanh quốc tế có điểm sàn xét tuyển là 18 dành cho thí sinh xét tổ hợp khối A và tổ hợp ba môn toán, văn, lý, 17 điểm đối với tổ hợp khối A1 và D1. Dự kiến ngành này có 260 chỉ tiêu.

Thí sinh Trần Phước Hậu (huyện Trảng Bom, Đồng Nai), cho biết: “Em được 18 khối A, em đăng ký vào ngành kinh doanh quốc tế và quản trị kinh doanh của trường này. Dù biết điểm số của vừa đủ điểm sàn của ngành kinh doanh quốc tế nhưng em vẫn quyết định nộp vì thấy chỉ tiêu của ngành này cao”.

Tương tự, thí sinh Nguyễn Văn Triệu (Q.Bình Tân, TP.HCM) đạt 17,25 điểm ở tổ hợp ba môn toán, ngữ văn, vật lý cũng quyết định nộp hồ sơ vào ngành kỹ thuật điện, điện tử và công trình xây dựng dù chỉ hơn điểm sàn xét tuyển của mỗi ngành 0,25 điểm.

“Em không tự tin lắm với điểm thi này. Do đó, em còn nộp thêm nguyện vọng vào Trường ĐH Tài nguyên môi trường để tăng cơ hội trúng tuyển” – thí sinh Triệu cho biết thêm.

Thuận lợi hơn khi đăng ký trên website trường

Đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường thành viên ĐHQG TP.HCM cần truy cập vào website của các trường bằng tài khoản và mật khẩu do thí sinh đăng ký (khác với tài khoản, mật khẩu trên hệ thống của Bộ GD-ĐT).

Sau khi đã đăng ký chọn ngành trực tuyến tại trang web xét tuyển của trường (có chữ ký của thí sinh), thí sinh in Phiếu đăng ký xét tuyển từ máy tính và bản photo Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia 2016 (không cần công chứng). Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển và lệ phí cho trường theo hai cách: nộp trực tiếp tại trường hoặc gửi chuyển phát nhanh qua bưu điện và chuyển tiền lệ phí qua bưu điện.

“Đối với những thí sinh đăng ký trên hệ thống của Bộ GD-ĐT sau này vẫn phải khai lại tại trường. Ưu điểm của hệ thống này là thí sinh theo dõi được tình trạng hồ sơ một cách rõ ràng. Khi nhà trường nhận được hồ sơ sẽ cập nhật trong hệ thống và thí sinh sẽ biết được trường đã nhận hồ sơ.

Nhà trường sẽ cập nhật dữ liệu của thí sinh lên hệ thống của Bộ GD-ĐT, thí sinh không cần phải đăng ký xét tuyển trên hệ thống của bộ nữa. Sau khi trường cập nhật thông tin, hồ sơ hợp lệ hay không trường cũng báo lại cho thí sinh biết. Những thông tin liên quan đến thí sinh sau này như việc nhận phiếu điểm và báo trúng tuyển. Dự kiến ngày 15-8, trường sẽ công bố kết quả trúng tuyển” – TS Lê Chí Thông cho biết thêm.

TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), cũng cho biết: “Đối với thí sinh đăng ký xét tuyển trên trang đăng ký xét tuyển của trường nếu ghi ký nhầm tổ hợp các môn xét tuyển vào ngành không xét tuyển theo tổ hợp đó thì nhà trường sẽ liên hệ với thí sinh để điều chỉnh sai sót trước khi chuyển dữ liệu đăng ký về Bộ GD-ĐT”.

Để tạo thuận lợi cho thí sinh đến trường đăng ký hồ sơ, trường đã bố trí riêng một phòng máy với hơn 40 máy tính kết nối mạng internet cùng với các chuyên viên hướng dẫn cụ thể các bước. Sau khi đăng ký trên máy xong, thí sinh sẽ nhận được phiếu đăng ký nguyện vọng in trực tiếp tại phòng máy.  “Em thấy việc đăng ký này khá thuận lợi, giao diện tương tác khá dễ hiểu và thân thiện” – thí sinh Phạm Quốc Việt (TP Biên Hòa, Đồng Nai) chia sẻ.

TRẦN HUỲNH - HẢI QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên