Phóng to |
Ông Lê Như Tiến - Ảnh: V.V.T. |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Như Tiến (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) nói:
- Dự kiến tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Luật tố cáo. Trước khi được thông qua, chúng tôi cho rằng cần cân nhắc lại quy định của điều 48 trong dự thảo. Theo quy định đó thì “cơ quan thông tin, báo chí nhận được tố cáo phải chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền”. Tuy nhiên, quy định này không phù hợp vì khi nhận được đơn tố cáo của công dân thì báo chí có quyền nghiên cứu, điều tra theo “kênh” riêng của mình để xem xét tố cáo như vậy đúng hay sai, đồng thời có quyền công bố thông tin theo quy định của Luật báo chí.
Tuy nhiên, tôi lưu ý là khi đơn thư tố cáo có nội dung liên quan đến an ninh quốc gia, bí mật nhà nước thì cơ quan báo chí hoặc phóng viên cần thiết chuyển ngay nội dung đó cho cơ quan chức năng.
* Theo ông, quy định “chuyển đơn” sẽ hạn chế báo chí điều tra?
Chúng ta có thể đòi hỏi báo chí thận trọng hơn trước khi công bố các thông tin mang tính chất điều tra, nhưng không thể nào ràng buộc trách nhiệm của họ bằng quy định “chuyển đơn” như vậy. Báo chí chính là tai mắt của nhân dân, đóng góp cho quản lý nhà nước, thậm chí báo chí với tư cách là diễn đàn của nhân dân còn có quyền giám sát chính các cơ quan chức năng. Vậy thì không nên quy định báo chí nhận được tố cáo phải chuyển cho cơ quan có thẩm quyền, trong số nhiều lý do có một lý do là không loại trừ yếu tố tiêu cực ngay trong cơ quan có thẩm quyền đó. |
- Cơ quan thông tin, báo chí không phải là cơ quan cấp dưới của cơ quan chức năng, cho nên không thể buộc báo chí phải chuyển tố cáo đã nhận được cho cơ quan chức năng. Hơn nữa, quy định như vậy cũng không hiện thực, vì trên thực tế khi người ta đã gửi đơn thư tố cáo đến cơ quan báo chí, thường là trước đó hoặc đồng thời gửi đơn thư đến cơ quan chức năng có thẩm quyền. Nghĩa là không cần cơ quan thông tin, báo chí chuyển đơn thư thì anh cũng sẽ có thông tin cần thiết để xử lý theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Còn việc công bố thông tin đúng hay sai thì cơ quan báo chí, tổng biên tập, phóng viên chịu trách nhiệm trước pháp luật, điều này đã có quy định rồi. Trong thảo luận tại hội trường của Quốc hội cũng đã có đại biểu đề cập vấn đề này, rõ ràng công dân gửi tố cáo cho cơ quan báo chí là để cung cấp thông tin sự việc chứ không phải nhờ chuyển đơn. Báo chí có chức năng của báo chí, không phải là nơi chuyển đơn, càng không phải là cơ quan dân nguyện và cũng không nên biến cơ quan báo chí thành nơi xử lý đơn thư dân nguyện.
* Bảo vệ bí mật nguồn tin là một nguyên tắc quan trọng trong hoạt động báo chí ở bất cứ nước nào. Vì vậy đã có đại biểu Quốc hội nói quy định “chuyển đơn” sẽ làm lộ việc điều tra, xác minh thông tin về sự việc của cơ quan báo chí?
- Đúng vậy. Luật báo chí cũng đã quy định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng viện KSND hoặc chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”. Ở đây không loại trừ trường hợp công dân tố cáo chính cơ quan chức năng, mà báo chí lại chuyển đơn cho cơ quan đó thì hóa ra đơn thư sẽ về nơi bị tố cáo.
Tôi lấy ví dụ người dân tố cáo một cơ quan công an, kiểm sát hoặc cán bộ nào đó trong tòa án, mình lại chuyển đơn về nơi bị tố cáo thì người ta sẽ thụ lý theo hướng nào? Nhiều khi nó sẽ không khách quan. Trong hệ thống chính trị của chúng ta, mỗi cơ quan có chức năng khác nhau theo quy định pháp luật. Đối với báo chí thì không những không nên có quy định như ở điều 48 mà ngược lại phải có cơ chế để tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận