Phóng to |
Miệt mài thi đấu, Kiến Quốc đang lâm vào cảnh khó trong chuyện học đại học - Ảnh: N.VIỆT |
Trước tiên, xin liệt kê những câu chuyện làm xôn xao dư luận gần đây, đó là chuyện cựu vô địch SEA Games Nguyễn Thị Nụ bị phân công đi nhổ cỏ, chuyện HLV bóng chuyền Vũ Thị Huệ đi quét rác, chuyện VĐV nhảy cao Trần Công Phước, chuyện của nữ võ sĩ trẻ Phương Thùy (Tuổi Trẻ), rồi nhà vô địch karatedo Asiad Nguyệt Ánh (vnexpress), Trần Hoàng Ngân (Thanh Niên)... mới nhất là chuyện của Đoàn Kiến Quốc (VietNamNet).
Xin tóm lược câu chuyện mới nhất của Đoàn Kiến Quốc - tay vợt bóng bàn hàng đầu Việt Nam: Quốc năm nay 32 tuổi, là cái tuổi ở bên kia sườn dốc của đời VĐV thể thao đỉnh cao. Cách đây sáu năm, Kiến Quốc đăng ký học lớp đại học tại chức TDTT để tính dần cho tương lai của mình khi giã từ sự nghiệp mà anh biết khó có con đường nào khác là trở thành HLV bóng bàn. Tính đến giờ này sau sáu năm, Quốc mới chỉ học và thi được hai trong tổng số 40 môn học!
Anh cho biết: “Tôi phải đi tập huấn và thi đấu liên miên nên không có thời gian để học. Trong khi đó, em trai tôi là tay vợt Đoàn Trọng Nghĩa thì chuẩn bị nhận bằng rồi”. Với đặc thù phải đi tập huấn và thi đấu liên tục, giờ đây muốn trả nợ 38 môn còn thiếu, Quốc chỉ có cách là phải móc tiền túi để thuê một thầy dạy một trò. Anh nhẩm tính chi phí cho việc này phải tròm trèm 300 triệu đồng! Đương nhiên Quốc chẳng thể kiếm đâu ra số tiền ấy. Giờ đây, anh chỉ có thể đợi đến khi mình chính thức giã từ thi đấu thì mới bắt đầu học lại. “Có lẽ khi lấy được bằng đại học TDTT thì tôi già mất rồi” - Kiến Quốc chép miệng nói.
Câu chuyện của các VĐV thể thao gặp khó khăn khi giã từ thi đấu hay gặp phải chấn thương không kiếm đâu ra tiền để phẫu thuật là một vấn đề nan giải của thể thao VN. Chúng ta hãy nhìn sang người láng giềng Trung Quốc, nơi mà nhiều nhà quản lý thể thao VN đang học theo (dù chưa đến nơi đến chốn), cũng đang gặp phải những vấn đề nan giải.
Cách đây khoảng một tháng, làng thể thao Trung Quốc xôn xao câu chuyện cựu vô địch thể dục dụng cụ sinh viên thế giới Zhang Shangwu sau khi bị chấn thương đã lâm vào bế tắc đến độ phải đến nhà ga xe điện để nhảy múa kiếm tiền! Nhân dịp này, tờ Thể Thao Trung Quốc đã làm một cuộc điều tra và cho biết có hàng trăm ngàn VĐV phải sống trong điều kiện hết sức tệ hại sau khi giã từ sự nghiệp vì chấn thương, hoặc không phải là VĐV thật sự nổi tiếng.
Đó là kết quả của kiểu làm thể thao bao cấp, tuyển chọn tài năng từ tấm bé, nuôi dưỡng bằng ngân sách. Một ít trong số đó thành tài, còn phần lớn bơ vơ trên đường vào đời vì sự đào thải khắc nghiệt của thể thao, và một số nữa xui xẻo vì chấn thương.
Nếu thể thao VN chúng ta không thay đổi cách làm, vẫn đi theo con đường cũ thì những câu chuyện buồn kiểu Đoàn Kiến Quốc, Vũ Thị Huệ, Nguyễn Thị Nụ... vẫn còn tiếp diễn. Đơn giản bởi không nhà nước nào có thể chăm lo đầy đủ tất cả trường hợp thiếu may mắn.
Hãy để con đường đến với thể thao thật nhẹ nhàng theo kiểu gia đình tự lo thuở ban đầu, ắt các bậc phụ huynh sẽ không để con em mình “đặt cược” toàn bộ cuộc đời cho thể thao. Khi ấy nếu bị rơi rụng trên con đường tiến đến đỉnh cao vì không đủ khả năng, vì chấn thương... VĐV cũng đủ kỹ năng để vào đời theo hướng khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận