Ông Nguyễn Đình Hương |
Tuổi Trẻ ghi nhận thêm các ý kiến liên quan chuyện “tư duy nhiệm kỳ” này.
* Ông Nguyễn Đình Hương (nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương):
Không nên chuyển câu hỏi khó cho nhiệm kỳ sau
Cái nguy hại của “tư duy nhiệm kỳ” là gây ra sự trì trệ trong công việc, nhất là vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ thì nhiều người không làm gì cả bởi vì họ muốn yên vị và thăng tiến, nhiệm kỳ của họ hay nói đúng hơn cái ghế của họ là trên hết, còn công việc là thứ yếu.
Chúng ta vẫn thường nói với nhau rằng đánh giá cán bộ phải căn cứ vào hiệu quả công việc, chính vì khâu đánh giá chưa làm tốt nên mới có chỗ cho “tư duy nhiệm kỳ” tồn tại.
Và khi “tư duy nhiệm kỳ” còn tồn tại thì chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư không thể được xây dựng với tầm nhìn xa. Đất nước tụt hậu một phần vì lẽ đó.
Nếu chúng ta luôn có những lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và thật sự vì dân, vì nước thì khái niệm “tư duy nhiệm kỳ” sẽ không bị hiểu xấu như hiện nay.
Nước Nhật từng tan hoang sau chiến tranh, Hàn Quốc từng là một nước nghèo và trong tình trạng chiến tranh thường trực. Lãnh đạo và nhân dân các nước đó có mong muốn phát triển nhanh, sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới hay không? Tất nhiên là có.
Nhưng làm sao để phát triển nhanh và bền vững? Lãnh đạo các nước đó có thấy vấn đề khó quá nên không dám đưa ra câu trả lời, mà đành chuyển cho nhiệm kỳ sau, chuyển cho các thế hệ tương lai trả lời hay không? Không hề.
Nếu họ cứ chuyển giao những khó khăn, thách thức cho nhiệm kỳ sau thì đất nước họ làm gì có ngày hôm nay. Đó là điều chúng ta nên suy nghĩ.
* Ông Nguyễn Sỹ Cương (đại biểu Quốc hội):
Thay đổi tư duy lãnh đạo để thay đổi “tư duy nhiệm kỳ”
Ông Nguyễn Sỹ Cương |
Muốn thay đổi được “tư duy nhiệm kỳ” thì phải thay đổi được tư duy của người lãnh đạo. Lãnh đạo phải là người tâm huyết, có ý thức trách nhiệm với ngành, với lĩnh vực được giao để từ đó có đột phá trong lãnh đạo điều hành.
Người lãnh đạo phải đề ra được định hướng tốt và có giải pháp để đạt được mục đích, dù một nhiệm kỳ không thể làm được thì cũng cần đặt nền móng cho người kế nhiệm tiếp tục thực hiện.
Đáng tiếc, trong thực tế nhiều lãnh đạo trong suốt nhiệm kỳ chỉ nghĩ làm sao hoàn thành công việc được giao là tốt rồi. Một số khác do hạn chế về năng lực nên cả nhiệm kỳ chẳng có gì mới, cả nhiệm kỳ cũng chỉ bình bình vậy thôi.
* Ông Khuất Việt Hùng (phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia):
Tránh tiêu cực của “tư duy nhiệm kỳ”
|
Theo tôi, “tư duy nhiệm kỳ” có ở nhiều nơi, và tôi cho rằng tư duy ấy có khía cạnh tích cực, nếu cho rằng người ta bắt đầu nhiệm kỳ bằng việc công bố những kế hoạch công tác rồi công bố minh bạch các kế hoạch này trong nhiệm kỳ của mình với mục tiêu đạt được những dấu mốc, phương hướng đã đặt ra.
Nhưng đồng thời chúng ta cũng nói về khía cạnh tiêu cực trong “tư duy nhiệm kỳ”, theo nghĩa trong nhiệm kỳ của mình, người thực hiện nhiệm vụ chỉ lo vun vén cho bản thân, cho cái ghế mình ngồi, không lo định hướng cho nhiệm vụ lâu dài.
Chúng ta cần xác định Việt Nam là quốc gia hội nhập mạnh và sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, vậy thì trong từng ngành nghề cần phải có chiến lược quy hoạch, trong chiến lược có xác định nhiệm vụ cho từng giai đoạn.
Nhiệm kỳ 5 năm thì không làm được hết quy hoạch 15-20 năm, nên đưa ra nhiệm vụ ưu tiên và phù hợp quy hoạch và công khai thì khắc phục được việc bóp méo, ảnh hưởng đến việc phát triển tầm nhìn và sự bền vững của đất nước. Và như vậy, có khả năng kiểm soát, tránh tiêu cực tốt hơn.
Đó là cách nên hiểu, khuyến khích và định hướng “tư duy nhiệm kỳ”. Lúc ấy, chúng ta vừa thực hiện được nhiệm vụ lâu dài vừa giám sát được những người có trách nhiệm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận