13/09/2016 14:42 GMT+7

Không lý do gì để hợp thức hóa công trình “vượt trần”

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

TTO - Công trình khách sạn - căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa xây vượt trần làm nhiều người nhớ lại câu chuyện đã từng xảy ra ở 8B Lê Trực - Hà Nội.

Khách sạn, căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa đã xây “vượt trần” đến tầng 43 (Ảnh chụp chiều 09-9-2016) - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Khách sạn, căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa đã xây “vượt trần” đến tầng 43 (ảnh chụp chiều 9-9-2016) - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Làm gì để không còn những công trình vượt trần? Làm sao để các sai phạm không xảy ra ngay từ đầu, phải tìm cách tháo gỡ, khắc phục?

40 hay 48?

Ngày 9-9, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định thu hồi giấy phép xây dựng tổ hợp khách sạn - căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa.

Lý do thu hồi là vì chủ dự án này - Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên - không chấp hành yêu cầu của UBND tỉnh Khánh Hòa (từ tháng 1-2016) là “không được xây dựng công trình vượt quá 40 tầng”. Hiện nay công trình đã được chuẩn bị để xây đến tầng thứ 43.

Trước đó vào tháng 10-2014, Sở Xây dựng Khánh Hòa đã cấp giấy phép xây dựng cho phép khách sạn, căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa được xây lên 48 tầng nổi và hai tầng hầm.

Trong khi đó, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt từ tháng 9-2012 về quy hoạch chung TP Nha Trang, chỉ cho phép độ cao tối đa của các công trình xây dựng ở TP Nha Trang là 40 tầng. Năm 2015, tỉnh Khánh Hòa đã xin “xóa trần” quy hoạch 40 tầng đối với TP Nha Trang nhưng không được Thủ tướng chấp thuận.

Cách đây năm tháng, dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp Mường Thanh - Ninh Thuận xây dựng tại trung tâm TP Phan Rang - Tháp Chàm cũng đã phải dừng triển khai để tiếp tục đàm phán với chính quyền địa phương về giá trị quyền thuê đất, tài sản trên đất.

Tại sao vượt trần vẫn xảy ra khi có giám sát?

TS Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đặt vấn đề về trách nhiệm của bộ phận giám sát công trình xây dựng: Ai có trách nhiệm đó? Tại sao không giám sát và trình báo kịp thời mà lại để việc xây dựng “vượt trần” xảy ra?

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, về lý thì cơ quan nào cấp phép, cơ quan đó phải có trách nhiệm giám sát xem công trình có thực hiện đúng theo giấy phép xây dựng được cấp hay không.

Thế nhưng với số lượng dự án dày đặc, cơ quan cấp phép lại chỉ có một, làm thế nào để giám sát hết các công trình xây dựng được cấp phép? Chia sẻ kinh nghiệm tại Mỹ, ông Liêm nói:

Tại Mỹ, cơ quan cấp phép xây dựng sẽ thu một khoản tiền của chủ dự án và dùng số tiền đó để thuê một bên giám sát thứ ba. Đây là một kinh nghiệm rất hay, nhưng ở nước ta nhà nước có thói quen “bao” hết từ đầu đến cuối chứ không muốn thuê dịch vụ tư nhân.

Theo ông Liêm, việc thuê bên giám sát thứ ba là nhằm đảm báo tính công bằng và minh bạch.

Về phương hướng xử lý, TS Phạm Sỹ Liêm đưa ra hai giải pháp. Một là “chặt”, hai là triệt tiêu lợi ích phần xây trái phép.

Theo ông Liêm, ngoài cách yêu cầu tháo dỡ phần xây trái phép thì tùy vào công trình mà có thể áp dụng cách triệt tiêu lợi ích của phần công trình vượt quá kia.

Triệt tiêu lợi ích đồng nghĩa với việc chủ đầu tư không có cách gì khai thác, sử dụng, kiếm lời từ phần công trình xây trái phép.

Không có lý do gì để “hợp thức hóa” sai phạm

Ở góc độ pháp luật, luật sư (LS) Hồ Nguyên Lễ cho biết hành vi chủ đầu tư và nhà thầu tiếp tục xây dựng khi đã có quyết định đình chỉ thi công của người có thẩm quyền ban hành là đã vi phạm quy định về thi công xây dựng sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng đối với công trình xây dựng vi phạm theo quy định tại khoản 4 Điều 27 nghị định 121/2013/NĐ-CP.

Ngoài ra, vi phạm xây dựng vượt trần là hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp sẽ bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm xây dựng công trình trái phép theo khoản 5 Điều 13 nghị định 121/2013/NĐ-CP.

Mặt khác, theo LS Hồ Nguyên Lễ, chủ đầu tư công trình không thể tự mình cấp giấy phép xây dựng mà phải xin giấy phép xây dựng tại cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền phải xem xét quy hoạch chung của địa phương để cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư cho phù hợp.

Nếu cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng sai thì phải chịu trách nhiệm về lỗi sai phạm của mình, trong đó có bồi thường thiệt hại cho chủ đầu tư nếu chủ đầu tư chứng minh được những thiệt hại của mình về việc cấp phép sai đó. 

“Khoản 4 và 5 Điều 104 Luật xây dựng năm 2014 quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Nếu cơ quan có thẩm quyền thực thi đúng trách nhiệm của mình như quy định pháp luật thì không có vụ 8B Lê Trực - Hà Nội hay vụ căn hộ cao cấp Mường Thanh - Khánh Hòa xảy ra”, ông Lễ nói.

LS Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng không có lý do gì để “hợp thức hóa” những sai phạm của các chủ đầu tư khi xây dựng công trình trái phép.

“Các cơ quan chức năng cần cương quyết xử lý nếu có hành vi sai phạm xảy ra. Nếu công trình cho phép ba tầng mà lại xây năm tầng thì phải kiên quyết yêu cầu cắt bỏ hai tầng xây dựng trái phép.

Đừng nên có những du di, “thông cảm” hay phạt xong rồi lại cho phép công trình tồn tại. Điều này sẽ tạo nên những tiền lệ xấu, dẫn đến "nhờn" luật và những chủ đầu tư có ý định xây vượt, xây lố sẽ lợi dụng cách này để lách.

Trong khi tiền phạt so với lợi nhuận mà họ có thể kiếm được từ việc khai thác những phần xây lố, xây dư có đáng là bao. Luật đã quy định khá rõ, vấn đề chỉ là phải thực thi thật nghiêm, không du di cho bất kỳ nhà đầu tư nào”, LS Chánh thẳng thắn.

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục