31/03/2009 08:07 GMT+7

Không lẽ "lực bất tòng tâm"?

TẤN THÁI
TẤN THÁI

TT - Hiện các sông, rạch ở TP Cần Thơ luôn tràn ngập rác nhưng không thu gom được. Còn trên bờ, các công viên thì rác cũng chất đầy nhưng không đủ kinh phí để thu gom. “Rác thấy hằng ngày trước mắt nhưng... lực bất tòng tâm”- ông Võ Văn Chính, phó chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, than.

psvGega4.jpgPhóng to
Rác đầy trên rạch Tham Tướng - Ảnh: T.Thái

Rác tràn ngập khắp nơi

Hằng ngày vào buổi chiều, tại công viên bờ kè sông Hậu (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) có hàng trăm người đủ mọi lứa tuổi vui chơi thả diều, hóng mát, tập thể dục... Do lượng người tập trung đông nên các xe bán đồ ăn thức uống di động cũng lũ lượt kéo đến. Sau khi vui chơi, nhiều người đã mua nước giải khát hoặc mua thức ăn đựng trong các hộp xốp, dùng xong thì vô tư vứt bỏ vỏ nhựa hoặc hộp xốp trên các thảm cỏ, gốc cây và cả nền gạch trong công viên.

Dù tại công viên có đặt bốn thùng rác nhưng chẳng mấy ai chịu bỏ rác đúng nơi quy định, nên lúc mọi người lần lượt ra về để lại trên bờ kè đủ thứ loại rác vương vãi. Rác nhiều nhưng lại không được thu gom nên càng ngày công viên càng tràn ngập rác. “Công viên hiện nay do một doanh nghiệp đầu tư khai thác. Đến nay vẫn chưa bàn giao cho địa phương. Trách nhiệm của chủ đầu tư là phải đảm bảo vệ sinh môi trường tại công viên” - một cán bộ Phòng quản lý đô thị quận Ninh Kiều cho biết.

Tại công viên Hoàng Văn Thụ, vào các buổi sáng có nhiều người khi đi tập thể dục mang theo bịch rác ra công viên rồi ném xuống sông, nhiều quán giải khát đặt bàn tại đây thường thẳng tay ném đủ thứ xuống rạch Cái Khế. Còn trên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài nhiều người khi chạy xe ngang qua đã ném những bọc nilông căng cứng chứa đầy rác vào các khu vực đất trống...

Sông, rạch trong nội ô TP Cần Thơ đang bị “chết” dần do ô nhiễm, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là rác thải. Ông Nguyễn Văn Lộc (sống gần rạch Tham Tướng, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều) cho biết: “Nhiều người ở nhà sàn ven rạch hằng ngày cứ tuôn rác xuống sông, lâu ngày không được thu gom nên các con rạch chỉ toàn rác, bốc mùi hôi thối nồng nặc không chịu nổi”. Theo ông Lộc, trước kia con rạch Tham Tướng nước trong veo có thể tắm được, nhưng bây giờ cá sống còn không nổi.

Thấy rác nhưng... không dám thu gom

Thiếu kinh phí, quận có thể tự cân đối

Bà Phan Thị Phượng - phó giám đốc Sở Tài chính TP Cần Thơ - cho biết năm 2009 ngân sách TP phân bổ 65 tỉ đồng phục vụ công tác vệ sinh môi trường đô thị. Sở chưa điều tra cụ thể công tác vệ sinh đô thị hằng năm các địa phương thiếu cụ thể là bao nhiêu. Nhưng nếu thiếu mà thành phố không có nguồn cấp phát thì các quận, huyện cũng có thể cân đối theo kế hoạch thu chi ngân sách mà phân bổ với điều kiện thông qua HĐND cùng cấp.

Công ty Công trình đô thị TP Cần Thơ cho biết trung bình mỗi ngày lượng rác thải thu gom được khoảng 415 tấn (chiếm khoảng 55%). Trong đó quận Ninh Kiều có tỉ lệ thu gom rác cao nhất là 85-90%, các quận còn lại tỉ lệ thấp (quận Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn) chỉ từ 20-50%.

Theo ông Dương Bá Diện - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP Cần Thơ, trong các chỉ tiêu về môi trường năm 2009 HĐND TP đặt ra thì chỉ tiêu thu gom rác sinh hoạt phải đạt từ 85-90%. Như vậy, tỉ lệ rác trên địa bàn TP Cần Thơ được thu gom không đạt yêu cầu so với chỉ tiêu của HĐND TP đặt ra. “Rác chủ yếu thu gom trong các quận trung tâm. Rác không được thu gom thì người dân tự xử lý: có nơi họ chôn lấp, có nơi thì vứt ra đường, xuống sông rạch...

Có một nghịch lý là chúng tôi không dám thu gom rác nhiều vì các địa phương không có kinh phí để chi trả”- ông Nguyễn Thế Khương, phó giám đốc Xí nghiệp Môi trường đô thị (Công ty Công trình đô thị TP Cần Thơ), nói.

Công tác vệ sinh đường phố cũng diễn ra tương tự. Trên các tuyến đường trong nội ô TP Cần Thơ chỉ có 64 tuyến đường được quét dọn thu gom rác hằng ngày, 19 tuyến đường hai ngày quét một lần, 15 tuyến đường ba ngày quét một lần. Còn vỉa hè thì chỉ có 10% diện tích được thuê bao quét rác. “Do nhiều tuyến đường chỉ thuê bao quét dưới lòng đường, còn phần vỉa hè không được thuê nên có xảy ra tình trạng dưới lòng đường sạch, còn trên vỉa hè tràn ngập rác. Dù tồn tại thực trạng như vậy nhưng chúng tôi cũng không thể làm thêm. Chúng tôi chỉ là một đơn vị làm thuê nên ai thuê đến đâu chúng tôi làm đến đó”- ông Khương nói.

Khi trao đổi với chúng tôi về thực trạng công tác vệ sinh đô thị trên địa bàn, ông Võ Văn Chính nói: “Năm 2009, quận được phân bổ 29,6 tỉ đồng nhưng nhu cầu sử dụng đến 37,8 tỉ. Còn năm 2008, công tác vệ sinh môi trường đô thị quận còn nợ trên 10,1 tỉ đồng. Chúng tôi rất muốn thành phố mình xanh sạch đẹp nhưng lại không có kinh phí” - ông Chính nói.

TẤN THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên