01/03/2020 10:47 GMT+7

Không giao quyền đoạt mạng cho robot

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Vũ khí sát thương tự động cần đến trí tuệ nhân tạo. Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Izumi Nakamitsu đã kêu gọi các nước ngăn chặn mặt trái của vấn đề này.

Không giao quyền đoạt mạng cho robot - Ảnh 1.

“Phong trào ngăn chặn robot giết người” tổ chức biểu tình ở Berlin (Đức) ngày 21-3-2019 để kêu gọi cấm sử dụng vũ khí sát thương tự động - Ảnh: AFP

Trí tuệ nhân tạo thúc đẩy nhiều cải tiến hữu ích nhưng chính phủ các nước cần chú ý hơn đến mặt trái của trí tuệ nhân tạo và phải có biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn tác hại của vũ khí sát thương tự động (còn gọi là "robot giết người").

Bà Izumi Nakamitsu - phó tổng thư ký LHQ phụ trách giải trừ quân bị - đã đưa ra cảnh báo nêu trên trong chuyến thăm Ottawa (Canada) ngay trước khi Chính phủ Canada thông báo đầu tư 5 triệu USD hợp tác với Anh phát triển các dự án trí tuệ đột phá như phát triển mạng lưới giao thông, hỗ trợ bác sĩ phẫu thuật thần kinh, phát hiện dịch bệnh.

Con dao hai lưỡi

Báo La Presse (Canada) đưa tin Phó tổng thư ký LHQ Izumi Nakamitsu nhận xét mặc dù trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều lợi ích trong lĩnh vực quân sự như điều chỉnh tên lửa chính xác hơn để giảm thiểu thương vong song con người vẫn phải quyết định khi nào khai hỏa và bắn vào mục tiêu nào chứ không thể giao cho vũ khí tự động.

Bà lo ngại nhất là khả năng tin tặc đánh cắp thông tin vũ khí hạt nhân và phát động tấn công. Bà nhận xét: "Ngày càng xảy ra nhiều vụ tin tặc tự động đánh cắp thông tin do trí tuệ nhân tạo kích hoạt. Cứ 39 giây lại xảy ra một vụ tin tặc ở đâu đó trên thế giới...". 

Bà khẳng định ủng hộ "Phong trào ngăn chặn robot giết người", một phong trào quốc tế phát triển tại 60 quốc gia kêu gọi lập hiệp ước cấm sử dụng vũ khí sát thương tự động.

Trong khi một số nước kêu gọi cấm vũ khí sát thương tự động vì lo ngại robot giết người có thể thay thế binh sĩ, thì các nước khác (đã bỏ vốn đầu tư lớn) lại phản đối với lý do còn quá sớm để đưa ra vấn đề điều chỉnh vũ khí sát thương tự động. 

Các nước này còn bác bỏ lo ngại vũ khí sát thương tự động đe dọa quyền sống và phẩm giá con người hoặc không tuân thủ các chuẩn mực luật pháp quốc tế, nhất là các nguyên tắc phân biệt, tương xứng và cần thiết trong chiến tranh.

Tuy nhiên hiện nay đã có một số chuyển biến đáng kể. Từ năm 2014 đến nay đã có tám cuộc họp về vũ khí sát thương tự động do Công ước về một số loại vũ khí thông thường của LHQ (CCW) tổ chức. Hầu hết trong 80 nước tham gia nhất trí con người phải kiểm soát việc sử dụng vũ lực ở mức độ nhất định. 30 nước ủng hộ thông qua công ước cấm vũ khí sát thương tự động.

Những sáng kiến mở đường

Ngày 2-4-2019, Pháp và Đức đưa ra sáng kiến thành lập "Liên minh vì chủ nghĩa đa phương". Liên minh không chính thức này chủ trương một trật tự đa phương dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế là bảo đảm đáng tin cậy duy nhất cho sự ổn định và hòa bình quốc tế. Liên minh xác định vũ khí sát thương tự động là một trong sáu vấn đề chính trị cần giải quyết khẩn cấp dưới hình thức đa phương.

Từ năm 2016, năm đại gia trong lĩnh vực kỹ thuật số (Microsoft, Google, Facebook, IBM và Amazon) đã đưa ra nhiều chương trình nhằm thiết lập các nguyên tắc đạo đức trong phát triển trí tuệ nhân tạo. 

Nhiều chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo, các nhà khoa học và nhân viên công nghệ ủng hộ điều chỉnh trí tuệ nhân tạo trong khuôn khổ pháp lý. Họ cảnh báo robot vẫn có thể bị tin tặc xâm nhập để sửa đổi dữ liệu đầu vào và thao túng theo ý đồ đen tối của chúng.

Gần đây nhất vào ngày 19-2, Ủy ban châu Âu đã công bố tài liệu dài 30 trang phác thảo chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo châu Âu. Kế hoạch hành động không chỉ nhấn mạnh các nguyên tắc quan trọng về kinh tế mà còn chú trọng đến vấn đề đạo đức trong phát triển trí tuệ nhân tạo.

Đến ngày 24-2, Lầu Năm Góc thông báo đã thông qua năm nguyên tắc đạo đức trong sử dụng trí tuệ nhân tạo vì mục đích quân sự. Năm nguyên tắc đạo đức liên quan đến trách nhiệm (chịu trách nhiệm trong phát triển, triển khai và sử dụng trí tuệ nhân tạo), công bằng (tránh phân biệt đối xử trong các công cụ trí tuệ nhân tạo), khả năng truy tìm nguồn gốc, đáng tin cậy và minh bạch trong sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo, năng lực quản trị (các công cụ được thiết kế để phát hiện và tránh hậu quả không lường trước).

Máy móc phải do con người điều khiển. Bằng như vô tình hay hữu ý được giao quyền đoạt mạng, người máy sẽ trở thành quỷ dữ!

Vũ khí sát thương tự động được xem như cuộc cách mạng công nghệ thứ ba sau thuốc súng và vũ khí hạt nhân. Cuộc chạy đua chế tạo vũ khí này diễn ra âm thầm nhưng phát triển trên quy mô toàn cầu. Các nước như Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Israel, Hàn Quốc đã phát triển và triển khai nhiều mẫu vũ khí tự động.

Cấm hay không cấm vũ khí sát thương tự động Cấm hay không cấm vũ khí sát thương tự động

TTO - Ngày 12-11-2017, một đoạn phim video bằng tiếng Anh dài bảy phút với tựa đề "Robot sát thủ" được công bố trên mạng YouTube.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên