04/01/2016 07:17 GMT+7

Không đút lót, khó “qua cửa”

NHƯ BÌNH - LÊ THANH - 
QUỲNH TRUNG ghi (nhubinh@tuoitre.com.vn)
NHƯ BÌNH - LÊ THANH - 
QUỲNH TRUNG ghi (nhubinh@tuoitre.com.vn)

TT - Vì sao tính minh bạch trong nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn thấp dẫn đến xảy ra nhiều điều tiếng trong hoạt động kinh doanh, chưa trở thành những doanh nghiệp mạnh?

Biếm họa của DAD

​ Doanh nghiệp làm ăn chụp giựt thì sẽ ra sao? Vì sao nhiều doanh nghiệp chấp nhận đút lót để được “qua cửa”?...

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp và chuyên gia phân tích các câu hỏi trên và gợi mở những giải pháp nâng cao tính liêm chính trong hoạt động kinh doanh.

Ngay cả khi không có chuyện gì mà gặp cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, cố tình gây khó dễ thì để được việc, đôi khi doanh nghiệp cũng đành chọn cách phải “bồi dưỡng” cho họ

Tổng giám đốc một doanh nghiệp dệt may tại Hà Nội

* Ông Vũ Ngọc Bảo (tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam, nguyên lãnh đạo một công ty chuyên về sản xuất gỗ):

Không chấp nhận hối lộ, đút lót có thể bị cô lập

Hầu hết doanh nghiệp ngành giấy ở Việt Nam đều có báo cáo kiểm toán định kỳ. Đặc biệt, các doanh nghiệp cổ phần hóa thì càng phải đáp ứng yêu cầu cao về độ minh bạch.

Tuy nhiên, theo tôi, muốn có độ minh bạch cao nhất thì cần thuê một bên thứ ba kiểm toán độc lập. Các doanh nghiệp nhỏ không làm kiểm toán nên rất khó đánh giá sự minh bạch của họ.

Một số hành vi không minh bạch và không liêm chính thường thấy là một số công ty thông qua bên trung gian để thực hiện hoạt động rửa tiền phi pháp, đút lót khi đấu thầu dự án. Ở mức độ nhỏ hơn, một số công ty có những nhân viên lấy hóa đơn tiếp khách về thanh toán nhưng thật sự họ không đi tiếp khách...

Ở Việt Nam hiện nay đang xảy ra tình trạng nếu doanh nghiệp liêm chính không chấp nhận hối lộ, đút lót thì họ có thể bị cô lập. Thậm chí họ có thể bị bức tử. Vì vậy, rất cần thiết để tạo ra một nền văn hóa khuyến khích minh bạch và liêm chính, trong đó Nhà nước hỗ trợ bằng cách đưa ra những chính sách phù hợp.

Tôi nghĩ tất cả doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đều đặt lợi nhuận trên hết. Tuy nhiên họ phải dựa trên những bộ quy tắc liêm chính và minh bạch trong kinh doanh để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Theo tôi, để nâng cao độ minh bạch và liêm chính, cần phải có những thay đổi gốc rễ, chẳng hạn như cải thiện hệ thống quản trị và ban hành quy tắc đạo đức trong hoạt động kinh doanh. Và quan trọng Nhà nước phải thật sự quyết liệt.

* Ông Nguyễn Quang Vinh (phó tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp VN):

Làm ăn chụp giựt không thể tồn tại

Nếu quảng cáo một đằng nhưng chất lượng, mẫu mã sản phẩm đến tay người tiêu dùng một nẻo thì đó là sự lừa đảo. Điều này sẽ đi ngược lại liêm chính, minh bạch trong kinh doanh. Thực tế cho thấy trên thị trường có một số doanh nghiệp đã không có liêm chính qua lừa đảo khách hàng, bạn hàng của mình.

Tìm những cơ hội, săn tìm lợi nhuận ở “vùng nước đục” là cách làm đã lâu rồi và chỉ mang tính ngắn hạn. Nếu bạn mua phải sản phẩm chất lượng kém một lần thì chắc chắn bạn sẽ không bao giờ mua lại nhãn hàng đó. Bởi vì trong kinh doanh, nói cho cùng cái quan trọng nhất là niềm tin.

Liêm chính, minh bạch liên quan đến năng lực cạnh tranh, xây dựng uy tín, niềm tin của người tiêu dùng vào nhãn hàng, vào doanh nghiệp. Làm ăn chụp giựt thì không thể tồn tại, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập ở giai đoạn mức độ mới như hiện nay. Cơ hội kinh doanh thật sự chỉ dành cho những doanh nghiệp có cái nhìn dài hạn, theo đuổi giá trị phát triển bền vững mà thôi.

* Ông Ngô Văn Tụ (tổng giám đốc Vinasoy):

Minh bạch sẽ được đối tác nước ngoài tôn trọng

Từ trước đến nay ai cũng rõ để xây dựng một doanh nghiệp liêm chính khó và tốn kém hơn nhiều. Trong đó, quan trọng nhất là quản lý, xử lý nội bộ. Xây dựng một đội ngũ nhân sự trung thực, rõ ràng là điều kiện tiên quyết để có một doanh nghiệp liêm chính.

Tuyệt đối không dung dưỡng với thái độ thiếu trung thực, lấp liếm, một doanh nghiệp có phát triển bền vững phải bắt đầu từ điều này. Không doanh nghiệp lớn nào mà phát triển mạnh nếu thiếu nền tảng minh bạch, hoạt động doanh nghiệp phải xoay quanh tiêu chí này.

Muốn vậy, phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, chính văn hóa trung thực, liêm chính mới giúp được doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức. Một doanh nghiệp liêm chính phải có nội bộ trong sạch, các ứng xử được dựa trên nền tảng minh bạch, rõ ràng.

Nhân viên có thể sai sót vì năng lực, nhưng nếu phát hiện gian lận, thiếu trung thực hay dung túng cho nhũng nhiễu tôi sẽ cho nghỉ việc ngay. Cũng chính nhờ giữ được quy tắc này, khi làm việc với đối tác nước ngoài, tiếp xúc với mình, họ nhận thấy được văn hóa trung thực, rõ ràng nên rất tôn trọng doanh nghiệp.

Khi mình thể hiện được sự minh bạch liêm chính trong hoạt động kinh doanh, nhiều hợp đồng cũng được đi đến ký kết dễ dàng hơn.

* Tổng giám đốc một doanh nghiệp dệt may tại Hà Nội:

Doanh nghiệp phải hiểu rõ chính sách

Liêm chính trong kinh doanh với doanh nghiệp Việt Nam thật không đơn giản. Nhiều khi doanh nghiệp muốn làm ăn chân chính, thực hiện theo đúng luật pháp đâu phải dễ dàng khi chính sách không có tính ổn định lâu dài.

Mới đây, chính sách và thủ tục, quy trình lĩnh vực thuế, hải quan thật sự cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp rất nhiều. Thế nhưng phải nói là một bộ phận cán bộ thuế chưa thay đổi kịp so với chính sách.

Đơn cử quy định doanh nghiệp phải xây dựng định mức tiêu hao nguyên vật liệu đã được bỏ rồi nhưng cán bộ vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp.

Có lần chúng tôi đã căng lên bằng cách dẫn quy định cụ thể trong thông tư cho cán bộ thuế biết, thế nhưng họ tỏ thái độ không hài lòng ngay với doanh nghiệp.

Để liêm chính trong kinh doanh, trước tiên tôi cho rằng doanh nghiệp phải nắm chắc và hiểu chính sách, các quy định pháp luật. Trường hợp không nắm chắc quy định thì rất dễ vi phạm dù vô tình hay cố ý. Khi doanh nghiệp không may sai rồi nếu gặp cán bộ tận tụy sẽ được họ tư vấn cho hiểu và thực hiện đúng.

Nhưng ngay cả khi không có chuyện gì mà gặp cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, cố tình gây khó dễ thì để được việc, đôi khi doanh nghiệp cũng đành chọn cách phải “bồi dưỡng” cho họ.

Tôi cũng hi vọng khi chúng ta đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU..., cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý, công chức thi hành cũng phải ngày càng liêm chính, minh bạch. Chắc chắn thị trường sẽ giám sát việc này ngày càng chặt chẽ hơn.

Chỉ 29% doanh nghiệp triển khai chính sách liêm chính

Kết quả khảo sát “Hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh và nhu cầu hỗ trợ xây dựng năng lực của doanh nghiệp” do Công ty tư vấn quản lý OCD phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp (VCCI) công bố cho thấy có 37% doanh nghiệp ở Việt Nam chưa triển khai chính sách về liêm chính trong hoạt động kinh doanh, 29% doanh nghiệp đã triển khai và 34% đang có kế hoạch triển khai.

Báo cáo cho biết thêm chưa có nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định khác như mua sắm - đấu thầu, luân chuyển cán bộ, tặng quà và nhận quà, khiếu nại, tố cáo.

Đối tượng khảo sát gồm 180 doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các ngành chế biến lương thực, thực phẩm, da giày, dệt may, công nghiệp lắp ráp, điện - điện tử, ngân hàng ở TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.

Phát biểu tại buổi công bố kết quả khảo sát hôm 29-12 vừa qua, ông Nguyễn Quang Vinh, phó tổng thư ký VCCI, cho biết nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại trong việc lên tiếng về tham nhũng.

Lý giải về việc một số doanh nghiệp Việt Nam chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa thành công chương trình liêm chính trong hoạt động kinh doanh so với các công ty nước ngoài, ông Vinh cho rằng các doanh nghiệp này chưa đủ khả năng kiểm soát hết các quy định về hoạt động của doanh nghiệp, thiếu nhân lực, khó khăn trong việc xác định giá trị cốt lõi, chưa có đồng thuận cao.

Ông Trần Đức Lượng, phó tổng Thanh tra Chính phủ, cho rằng các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động phòng chống tham nhũng như tích cực tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng cho đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động trong hoạt động kinh doanh, kiên quyết không thực hiện hành vi đưa hối lộ dưới mọi hình thức để giành lợi thế kinh doanh hoặc trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch VCCI, để thúc đẩy thành công tiến trình này cần có những sáng kiến tập thể, cần có những tổ chức và những doanh nghiệp tiên phong với sự cam kết cao, đặc biệt trong việc hợp tác cùng với Chính phủ và các tổ chức xã hội như VCCI.

Ông Lộc cho biết sự khuyến khích của các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp cũng được xem là động lực thúc đẩy thực hiện liêm chính trong doanh nghiệp.

QUỲNH TRUNG
(quynhtrung@tuoitre.com.vn)

NHƯ BÌNH - LÊ THANH - 
QUỲNH TRUNG ghi (nhubinh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên