12/01/2016 09:09 GMT+7

"Không đủ tiền đổ xăng, không mơ có thưởng tết"

LĨNH HỒNG - HUYỀN TRANG
LĨNH HỒNG - HUYỀN TRANG

TT - “Mỗi tháng cả hai chị em chỉ nhận được hơn 2 triệu đồng, đóng bảo hiểm nữa là gần hết rồi, chẳng đủ tiền xăng xe, không mơ đến thưởng tết” ...

 

Em H’Luôn Knul (15 tuổi) cho biết phải làm quần quật từ 1g sáng đến trưa nhưng lương không đủ sống, nên cũng chẳng dám mơ có thưởng tết -  Ảnh: L.Hồng
Em H’Luôn Knul (15 tuổi) cho biết phải làm quần quật từ 1g sáng đến trưa nhưng lương không đủ sống, nên cũng chẳng dám mơ có thưởng tết - Ảnh: L.Hồng

Giá mủ xuống thấp, công ty làm ăn thua lỗ, hàng ngàn công nhân của các công ty cao su tại Đắk Lắk cho biết ngay cả tiền lương, phụ cấp cũng bị cắt giảm tối đa nên tiền thưởng tết là chuyện xa vời chứ không còn xông xênh như những năm trước.

Chị H’Men Niê - công nhân Nông trường cao su 30-4 thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk (DAKRUCO) - thở dài khi nhắc đến chuyện thưởng tết. Theo chị Niê, giá cao su chỉ còn hơn 7.000 đồng/kg mủ tươi, đời sống của công nhân trực tiếp sản xuất như chị càng trở nên khó khăn, do mức lương trung bình chỉ còn 2-3 triệu đồng/người/tháng.

Chị Đỗ Thị Bích Thu - một công nhân có thâm niên cạo mủ cao su 15 năm - cũng cho biết vào thời điểm này những năm trước, công nhân đã bàn rần trời về chuyện thưởng tết, còn hai năm nay chẳng ai quan tâm đến vì không hi vọng gì.

“Làm quần quật cả hai vợ chồng mà không đủ sống, phải vay chỗ này đập chỗ kia. Tháng cao nhất, cố gắng lắm thu nhập của cả hai vợ chồng cũng chỉ được khoảng 5 triệu đồng, không đủ chi tiêu nên phải đi làm thuê thêm việc khác” - chị Thu tâm sự.

Theo chị Thu, tết năm ngoái mỗi công nhân chỉ nhận được phần quà gồm nước mắm, dầu ăn và một ít hạt dưa, bánh kẹo. Còn năm nay, những món quà tết như vậy có lẽ cũng quá xa vời với những công nhân ở đây. Ngay cả phụ cấp hằng tháng chống độc hại của công nhân còn bị công ty cắt giảm bớt, lấy đâu có tiền thưởng tết? “Không có đất đai, nương rẫy nên hai vợ chồng vẫn phải bám trụ với nghề cạo mủ này thôi” - chị Thu nói.

Cạnh đó, em H’Luôn Knul, mới 15 tuổi với dáng người bé nhỏ, cho biết mới nghỉ học, đi theo chị dâu làm công nhân cạo mủ được ba tháng nay. Tuy nhiên, theo H’Luôn, dù phải làm quần quật từ 1g sáng tới tận trưa nhưng do đồng lương quá ít ỏi nên buổi chiều em thường tranh thủ đi hái cà phê, xạc cỏ thuê kiếm thêm thu nhập.

“Mỗi tháng cả hai chị em chỉ nhận được hơn 2 triệu đồng, đóng bảo hiểm nữa là gần hết rồi, chẳng đủ tiền xăng xe, không mơ đến thưởng tết” - H’Luôn cho biết.

Bà Bạch Thị Phương Chi - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Krông Búk (huyện Krông Năng, Đắk Lắk) - cho biết dự kiến công ty sẽ hỗ trợ mỗi công nhân khoảng 2 triệu đồng để ăn Tết âm lịch năm nay. Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo (huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) cũng cho biết sẽ cố gắng thưởng trung bình 1,5 triệu đồng/người.

Trong khi đó, đại diện công đoàn DAKRUCO cho biết đến nay công ty vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về chuyện thưởng tết. “Giá cao su mấy năm nay quá thấp nên ưu tiên của công ty là giải quyết tiền lương cho công nhân. Công ty cũng sẽ cố gắng có thưởng tết, nhưng mức thưởng sẽ không cao mà chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng/công nhân” - vị này nói.

Riêng Nông trường cao su Cư Bao (thuộc DAKRUCO) cho biết đã có quyết định thưởng tết cho công nhân bình quân 1 triệu đồng/người.

Chia tiền thưởng tết

“Trường tôi không thu học phí, các khoản đóng góp của xã hội đều dành cho học sinh. Tôi đang chờ khoản tiền 500.000 đồng/người mà thành phố cho các cơ sở xã hội, cộng thêm tiền cho thuê mặt bằng mỗi tháng đều chia cho nhân viên 1 triệu đồng, thế là thành tiền thưởng tết...” - cô Hà Thanh Vân, hiệu trưởng Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, cho biết.

Theo cô Vân, những nhân viên đến làm việc tại trường này đều hoàn toàn tự nguyện, nên không so sánh với nơi khác.

Trong khi đó, ông Vũ Duy Sáng, chủ tịch công đoàn Tổng công ty CP Phong Phú, cho biết quỹ thưởng tết của công ty trích từ hiệu quả kinh doanh và chia đều cho toàn bộ nhân viên, từ tổng giám đốc đến công nhân, với điều kiện là hoàn thành tốt công việc.

“Quyết định vậy, bộ phận quản lý có thể thiệt thòi, nhưng chỉ là một chút xíu so với niềm vui của công nhân...” - ông Sáng cho biết.

Theo ông Trần Thanh Tâm - giám đốc Công ty Phúc Thiên (Q.Bình Thạnh), năm nay công ty dự định thưởng nhân viên tháng lương 13 và tiền phép thường niên, ai kinh doanh tốt có thể được hưởng thêm tiền thưởng sản phẩm.

“Đã thành lệ rồi, khi kết toán tình hình kinh doanh mỗi tháng, dù lời hay lỗ chúng tôi vẫn trích một khoản để dành cuối năm thưởng tết. Chúng tôi luôn duy trì khoản thưởng này để nuôi quân. Có chia sẻ với nhau trong khó khăn thì anh em, nhân viên mới gắn bó lâu dài được” - ông Tâm chia sẻ.

Ba câu chuyện, ba cách lo thưởng tết có khác nhau nhưng đều giống nhau ở tấm lòng của những người quản lý với nhân viên của mình. Tiền thưởng tết, dù là 500.000 đồng hay cả 600 triệu đồng như khoản thưởng cao nhất mà Sở LĐ-TB&XH TP.HCM vừa công bố, phụ thuộc vào hiệu quả công việc, doanh thu, lợi nhuận và đặc biệt là sự lựa chọn cách cư xử của doanh nghiệp với người lao động.

Biết vậy, vẫn không thể không thấy chạnh lòng khi những con số báo cáo cho thấy khoảng cách giữa mức thưởng cao nhất và thấp nhất lên tới vài ngàn lần; không thể không thấy áy náy khi chỗ này, chỗ kia có những cơ sở sản xuất phát thưởng bằng sản phẩm của mình, là nhang, quần đùi, rượu gạo...

Năm nào, tổ chức công đoàn cũng kêu gọi, nhắc nhở các đơn vị, công ty cố gắng lo lương thưởng cho người lao động. Năm nào đến cuối năm, người đi làm ăn lương cũng hồi hộp chờ đợi khoản thưởng tết. Và năm nào cũng có những người phải ngậm ngùi vì khoản thưởng còm cõi khiến họ thêm bối rối vì tính vào đâu cũng không đủ.

PHẠM VŨ

LĨNH HỒNG - HUYỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên