Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2015 - Ảnh: TTXVN |
Chiều 1-9, chủ trì cuộc họp báo về phiên họp Chính phủ tháng 8-2015, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và tám tháng của năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết lĩnh vực trong bối cảnh diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới.
“Những kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong tháng 8 và tám tháng đầu năm cho thấy khả năng nếu trong những tháng cuối năm không có gì biến động đột xuất, chúng ta hoàn toàn có thể hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra và từ đó có triển vọng, căn cứ để đưa ra kế hoạch năm 2016 cao hơn kế hoạch năm 2015 |
Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG |
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định tích cực, lạm phát thấp
Theo thông tin Văn phòng Chính phủ công bố trong cuộc họp báo, bên cạnh kết quả đạt được, kinh tế Việt Nam đang phải đối diện một số khó khăn, thách thức như giá dầu thô thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, trong tháng 8-2015 có lúc đã xuống dưới 40 USD/thùng, ảnh hưởng đến thu ngân sách, cán cân thương mại, việc thực hiện tái cơ cấu còn chậm…
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định những kết quả đã đạt được trong tám tháng đầu năm tạo tiền đề thuận lợi, để những tháng cuối năm nếu không có gì đột biến thì có khả năng hoàn thành 14 chỉ tiêu năm 2015 như đã báo cáo Quốc hội.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý những biến động khó lường của kinh tế thế giới thời gian qua tác động không nhỏ tới Việt Nam trên cả hai mặt đan xen, cả thuận lợi, cơ hội cũng như khó khăn, thách thức. “Bước đầu chúng ta đã ứng phó hiệu quả nhưng không được chủ quan.
Phải bám sát tình hình, phản ứng chính xác, nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả; chủ động đưa ra những giải pháp chính sách nhằm hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực, khai thác tốt nhất các mặt thuận lợi. Phải làm sao biến thách thức thành cơ hội. Tinh thần là bám sát các mục tiêu đã đề ra, nỗ lực đạt kết quả cao nhất” - Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thời gian tới phải thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. “Lạm phát đừng để thấp quá mà chủ động kiểm soát theo mục tiêu nhằm tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển” - Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cũng yêu cầu theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhất là các động thái của các quốc gia có tác động lớn đến Việt Nam để phối hợp thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.
Định hướng năm 2016 tăng trưởng 6,7%
Về định hướng năm 2016, sau khi nghe ý kiến các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho ý kiến đối với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội như về tăng trưởng GDP khoảng 6,7%, lạm phát khoảng 5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 31% GDP...
Về ngân sách nhà nước năm 2016 và giai đoạn 2016 - 2020 qua thảo luận tại phiên họp vẫn còn các ý kiến khác nhau, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục tính toán theo hướng tăng trưởng kinh tế năm 2016 sẽ cao hơn, thu ngân sách khả quan hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đẩy mạnh chi cho đầu tư phát triển, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên.
Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng chỉ đạo rà soát lại trên cơ sở, nguyên tắc đã ban hành. “Lập kế hoạch đầu tư công trung hạn để chúng ta có cái nhìn tổng thể việc đầu tư công một cách dài hơi hơn, để đầu tư công hiệu quả hơn. Đây cũng là một phần việc của tái cơ cấu đầu tư công” - Thủ tướng nêu rõ.
Liên quan chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, các ý kiến thảo luận tại phiên họp thống nhất giảm tối đa số lượng chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng lồng ghép các chương trình có cùng mục tiêu, nhiệm vụ. Theo đó, sẽ thu gọn từ 61 chương trình còn 21 chương trình.
“Nguyên tắc chỉ loại bỏ các mục tiêu trùng lắp, không phù hợp hay đã hoàn thành chứ không bỏ sót mục tiêu, nhiệm vụ chi nào. Các nhiệm vụ cần phải chi, nhất là chi cho con người, thì không giảm cái nào” - Thủ tướng nêu rõ.
Hội đồng tiền lương quốc gia thảo luận tăng lương tối thiểu
Báo Tuổi Trẻ nêu câu hỏi về quan điểm của Chính phủ đối với phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, trong bối cảnh đến nay Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn không đồng thuận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết tại phiên họp này vấn đề đã được báo cáo Chính phủ.
Trước việc một bên đề nghị tăng cao, một bên đề nghị tăng thấp, bên nào cũng có lý lẽ, Thủ tướng chỉ đạo theo quy định, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ tiếp tục thảo luận, thương lượng một lần nữa. Trường hợp vẫn chưa đạt được sự đồng thuận thì chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ chọn phương án phù hợp để báo cáo Thủ tướng trực tiếp quyết định.
Về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết trong phiên họp lần này, Chính phủ đánh giá kỳ thi đã được thực hiện theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm làm giảm áp lực thi cử và lãng phí cho xã hội, phản ánh kết quả học tập của học sinh khách quan, chính xác hơn, đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp cho học sinh trung học phổ thông.
Tuy nhiên trong khâu sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học, cao đẳng đã bộc lộ một số bất cập do lỗi kỹ thuật liên quan quy trình đăng ký và thay đổi nguyện vọng, thời gian xét tuyển.
Thủ tướng đã hoan nghênh thái độ nghiêm túc của Bộ Giáo dục - đào tạo khi nhận trách nhiệm về những bất cập, hạn chế để rút kinh nghiệm cho đợt 2 xét tuyển đại học, cao đẳng, yêu cầu tổng kết, đánh giá toàn bộ kỳ thi này để năm sau làm tốt hơn. “Nhận trách nhiệm không phải để bỏ qua mà để làm rõ những hạn chế” - Thủ tướng nói.
Số liệu kinh tế 8 tháng đầu năm * Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 giảm 0,07% so với tháng trước, tăng 0,61% so với tháng 12-2014. * Tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 20-8 tăng 9,3%. * Tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng ước đạt gần 106 tỉ USD, tăng 9%. * Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 67% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ 2014. * Tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt khoảng 13 tỉ USD, tăng hơn 30%; vốn thực hiện ước đạt 8,5 tỉ USD, tăng 7,6%. * Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng hơn 10%, cho thấy sức mua tiếp tục phục hồi tích cực. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận