TT - Dù bị bại liệt nhưng nghị lực vươn lên đã giúp cô gái gốc Long An Nguyễn Thị Sari không chỉ vượt qua khó khăn của bản thân mà còn phụ giúp được gia đình.
Quê ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An, tuổi thơ của Sari là chuỗi ngày sống kham khổ với đồng lương làm thuê ít ỏi của cha và khoản tiền lời ít ỏi từ gian hàng rong ven quốc lộ của mẹ. Chưa hết, bệnh tật đã tước đi của Sari đôi chân lành lặn năm 3 tuổi. Dù không thể tự đứng trên đôi chân của mình, nhưng nỗ lực vượt qua số phận đã giúp Sari trở thành một trong những VĐV bơi lội người khuyết tật hàng đầu Đông Nam Á.
Chiến thắng số phận
Gặp Sari tại CLB bơi lội Tân Bình, đôi tay rắn chắc của cô như hai cánh quạt quay đều và mạnh mẽ trong nước lôi đôi chân bất động vắt vào nhau đi với tốc độ rất nhanh.
[box]Thành tích của Sari
Sinh ngày 7-12-1985 tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Cô đoạt HCV quốc gia trong bảy năm liền từ năm 2007-2012. Từng đoạt nhiều HCV, HCB tại các kỳ ASEAN Para Games (Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á). Đặc biệt, với ba HCV đoạt được, cô đạt danh hiệu “VĐV xuất sắc nhất ASEAN Para Games 2009”. Cô từng đoạt HCĐ Giải vô địch châu Á - Thái Bình Dương 2010 và đạt chuẩn A tham dự Paralympics London 2012.[/box]
Nhưng cảm giác tự ti cũng như một cơn gió thoáng qua bởi Sari chưa bao giờ khóc vì bất hạnh của mình. Ngược lại, cô luôn nỗ lực thực hiện những điều mà người bình thường làm được: từ đi đứng, nấu cơm, học... chỉ với đôi tay. Là người hiếu học, từ năm lớp 1 đến lớp 3, cô nhờ đôi chân của chị để đến trường. Sau đó từ lớp 4 trở đi, Sari tự mình lắc xe trên con đường đất đỏ gập ghềnh hơn 7km đến trường. Vậy mà cô luôn là học sinh khá giỏi nhất của lớp. Hiện Sari tốt nghiệp cử nhân ngành ngữ văn Anh của Trường đại học Hùng Vương năm 2012 với ước mơ sẽ trở thành giáo viên tiếng Anh để có cuộc sống ổn định.Sau buổi tập mệt nhoài, Sari cho biết cô là con thứ hai trong gia đình có bốn chị em gái. Năm lên ba, cơn sốt đã khiến đôi chân Sari teo tóp rồi liệt hẳn. Cha mẹ cô dù khóc hết nước mắt nhưng cũng đành bất lực nhìn con lê lết trên nền nhà vì không có tiền. Sari nói: “Lúc nhỏ có khi tôi sống rất bi quan, thậm chí không dám ra đường vì hình dạng không giống bạn bè trang lứa”.
Bơi đến thành công
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, không muốn tiếp tục là gánh nặng của cha mẹ, năm 2006 Sari một mình lên TP.HCM làm công nhân cắt chỉ cho một công ty thêu máy với mức lương 600.000 đồng/tháng. Vì mỗi ngày phải ngồi làm nhiều giờ liên tục, Sari muốn chơi thể thao thư giãn. Mặt khác, do nghe nói nếu bơi giỏi sẽ có tiền nên cô đăng ký tham dự lớp bơi dù từng bị cha mẹ cấm bơi sau lần chết hụt năm 11 tuổi. Sari vẫn nhớ như in cái ngày đó: “Thấy bạn bè biết bơi, tôi cũng muốn bơi. Cứ thế tôi nhảy ùm xuống ao... May mà mọi người kịp vớt tôi lên. Từ đó, cha mẹ cấm tôi học bơi và tôi cũng tự nhủ không bao giờ xuống nước”.
Vậy mà không ngờ sau này chính bơi lội đã mang đến thu nhập đáng kể, chắp cánh cho Sari thăng hoa trong sự nghiệp và ổn định cuộc sống, học tập. Dù đôi chân không thể cử động nhưng năng khiếu giúp Sari chỉ mất sáu ngày là bơi được bằng đôi tay. Khó tin hơn, chỉ ba tháng sau Sari đoạt luôn ba HCV tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2007. Sau đó, cô được chọn vào đội tuyển VN và đoạt danh hiệu “VĐV xuất sắc nhất ASEAN Para Games 2009” khi một mình đoạt ba HCV tại đại hội.
Những khoản tiền thưởng từ thành tích nói trên giúp Sari có điều kiện phụ giúp gia đình. Cụ thể, tiền thưởng từ hai chiếc HCB ASEAN Para Games 2008 đủ để cô dựng quán cháo cho mẹ và trả nợ cho gia đình. Sau đó, tiền thưởng từ ba chiếc HCV ASEAN Para Games 2009 giúp cô có tiền đóng học phí đại học cho mình và giúp đỡ chuyện ăn học cho hai em.
VĐV khuyết tật không được hưởng lương cơ bản như VĐV bình thường, chỉ đến sát giải thi đấu mới có tiền chế độ tập luyện và tiền thưởng nếu thi đấu đạt thành tích, vì vậy ngoài việc tập bơi, thời gian rảnh rỗi trong ngày Sari còn làm thêm để tăng thu nhập. Hiện cô dạy kèm tiếng Anh cho học sinh phổ thông và nhận thêu tranh.
[box]MyVita trao cho Sari 20 triệu đồng
Bài viết về VĐV khuyết tật Nguyễn Thị Sari nằm trong tuyến bài tôn vinh những VĐV vượt khó, đi đến thành công do Tuổi Trẻ phối hợp với HTV và Công ty cổ phần SPM - nhãn hàng MyVita thực hiện. Và nhà tài trợ MyVita trao cho VĐV Sari phần quà trị giá 20 triệu đồng, gồm 15 triệu đồng tiền mặt và 5 triệu đồng là sản phẩm của công ty.
Mời bạn đọc và khán giả xem câu chuyện của Sari trên kênh HTV7 lúc 9g thứ bảy 20-4.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận