Ông Nguyễn Văn Sự đã 88 tuổi nhưng phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống và dành dụm để theo đuổi vụ kiện - Ảnh: V.Tr. |
Tháng 9-2014, ông Nguyễn Văn Sự (ở xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) háo hức đến TAND tỉnh Tiền Giang dự phiên tòa phúc thẩm vụ kiện của ba chị em ông là đồng nguyên đơn. Thế nhưng phiên tòa kết thúc, ai cũng buồn não lòng.
Ông Nguyễn Văn Sự kể: Tui năm nay đã 88 tuổi rồi, chị tui 90 tuổi, em gái tui cũng 78. Hai người đó đã đi hết nổi nên ủy quyền cho người khác, chỉ còn mình tui ráng lê lết tới tòa.
Đất không cánh mà bay
Hợp đồng vô hiệu Luật sư Võ Trọng Kỳ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết mấu chốt của vụ kiện này là hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất của cụ Nguyễn Thị Cơ vào năm cụ 104 tuổi có hợp pháp không. Qua bốn phiên tòa thì các chứng cứ đã thể hiện rõ hợp đồng này vô hiệu vì không phù hợp với quy định của pháp luật. Đó là kết luận giám định pháp y tâm thần nói không đủ cơ sở khẳng định cụ Cơ có đủ năng lực hành vi dân sự, cán bộ địa chính đến nhà lấy dấu vân tay cụ là trái luật... Những tình tiết này đã đủ cơ sở để tòa tuyên hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất của cụ Cơ, đồng thời phán quyết chia thừa kế 12.840m2 đất cho năm người con của cụ. |
Mẹ tui là bà Nguyễn Thị Cơ sinh năm 1905, có ba miếng đất tổng diện tích 12.840m2 tại ấp Đông, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành. Bà mất vào tháng 3-2011, nhưng không để lại di chúc.
Sau khi lo hậu sự cho mẹ xong, mấy anh em bàn tính chuyện lập thủ tục chia thừa kế để có đất đai làm ăn. Bản thân tui cũng chỉ có gần hai công đất vườn tạp, từng tuổi này mà phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống.
Lúc này mọi người mới té ngửa khi phát hiện cả ba miếng đất đều được sang tên cho hai đứa con của thằng em ruột tui là Nguyễn Văn Năm.
Lên huyện nhờ lục hồ sơ thì thấy đất đai của mẹ tui được sang tên cho thằng Năm từ năm 2009. Sau đó nó sang tên cho con nó. Lúc làm thủ tục sang tên thì mẹ tui đã 104 tuổi, già yếu, mắt mờ, tai điếc, nằm một chỗ và tinh thần không còn minh mẫn nữa.
Sau một thời gian tìm hiểu thì tui phát hiện việc lập hợp đồng chuyển nhượng này rất mờ ám và có sự tham gia “hỗ trợ” của UBND xã Kim Sơn.
Giữa năm 2011 ba chị em tui gồm chị Nguyễn Thị Lang (sinh năm 1927), đứa em gái Nguyễn Thị Nở (sinh năm 1939) và tui đồng đứng đơn khởi kiện yêu cầu TAND huyện Châu Thành hủy hợp đồng chuyển nhượng đất của mẹ tui cho con thằng Năm.
Đất đai của mẹ tui là di sản thừa kế, phải được chia cho năm anh em theo quy định của pháp luật.
Chóng mặt với tòa
Mấy chị em tui đều đã ở cái tuổi gần đất xa trời hết rồi, nên ai cũng mong muốn tòa giải quyết nhanh để những ngày cuối đời được trồng cây gì đó trên đất đai của cha mẹ để lại.
Ai dè đâu hồ sơ cứ chạy lòng vòng từ tòa huyện lên tòa tỉnh, từ tỉnh ngược về huyện mấy lần rồi và chưa biết đến bao giờ mới kết thúc.
Hồi TAND huyện Châu Thành mời mấy chị em tui ra xử sơ thẩm lần thứ nhất ngày 20-7-2012, ông thẩm phán công bố các bút lục cho biết UBND xã, chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Kim Sơn và một số nhân chứng khác đều xác nhận trước khi chết thì cụ Nguyễn Thị Cơ, tức là mẹ tui, còn minh mẫn. Tui bực mình lắm.
Mấy người hàng xóm cũng tức, nhưng nói cỡ nào tòa cũng gạt ngang. Tòa kết luận diện tích đất mẹ tui đứng tên trước đây đã được chuyển quyền sử dụng cho Nguyễn Văn Thanh Hà và Nguyễn Văn Thanh Hải (con thằng Năm) và được UBND huyện Châu Thành cấp giấy đỏ sử dụng hợp pháp rồi nên bác đơn kiện của mấy chị em tui.
Cũng may là ngay sau đó bản án này đã bị Viện KSND huyện Châu Thành kháng nghị vì cho rằng vi phạm thủ tục tố tụng.
Đến tháng 12-2012 TAND tỉnh Tiền Giang xử phúc thẩm và tuyên hủy. Tòa tỉnh cho rằng tòa huyện sai khi không thu thập chứng cứ xem khi mẹ tui lăn tay vào hợp đồng cho tặng quyền sử dụng đất thì cụ có còn minh mẫn hay không. Tháng 2-2014, TAND huyện Châu Thành lại đem vụ việc ra giải quyết lần thứ hai, tòa bắt tụi tui chứng minh là lúc mẹ tui lăn tay vào bản hợp đồng chuyển nhượng đất thì bà không còn minh mẫn.
Tụi tui cũng nói thực tế là mẹ tui nằm một chỗ, bị gãy tay, mắt mờ, tai điếc... nhưng tòa vẫn không nghe. Tòa còn mạnh miệng quả quyết lúc đó mẹ tui lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất tại UBND xã Kim Sơn, được phó chủ tịch xã chứng thực đúng quy định của pháp luật.
Thực tế là lúc đó mẹ tui nằm một chỗ ở nhà, gần như không biết gì. Cán bộ địa chính đã đến tận nhà lấy dấu vân tay mẹ tui, chứ làm gì có chuyện mẹ tui đi được đến UBND xã lăn tay.
Một tháng sau, Viện KSND huyện Châu Thành đã ra quyết định kháng nghị, đề nghị TAND tỉnh xử theo hướng hủy bản án này để xét xử lại. Viện KSND huyện khẳng định hồ sơ vụ án thể hiện nhiều người ở địa phương xác nhận lúc đó mẹ tui gần như không còn biết gì và còn bị gãy một tay.
Ngoài ra, bản kết luận giám định pháp y tâm thần ngày 5-11-2013 cũng kết luận: “Không đủ cơ sở kết luận khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của bà Nguyễn Thị Cơ”. Tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ hai ngày 15-9 mới đây, TAND tỉnh Tiền Giang đã đưa ra các chứng cứ buộc UBND xã Kim Sơn và TAND huyện Châu Thành phải “tâm phục khẩu phục”.
Đó là tòa xác định lúc mẹ tui lăn tay đã 104 tuổi, mắt mờ, tai không nghe rõ, không đi lại được, tay bị gãy nên thằng Năm yêu cầu cán bộ địa chính đến tận nhà lấy dấu vân tay để làm thủ tục tặng cho đất. Việc làm này là trái với nghị định của Chính phủ về công chứng, chứng thực.
UBND xã cử cán bộ địa chính đi lấy dấu vân tay là sai, đúng ra phải là cán bộ tư pháp hoặc phó chủ tịch phụ trách tư pháp. Mặc dù ông Trần Thanh Minh (phó chủ tịch xã) không có mặt chứng kiến nhưng lại ngang nhiên chứng thực: “Các bên giao kết hợp đồng đã đọc, ký tên và điểm chỉ vào hợp đồng trước sự chứng kiến của tôi” là trái quy định của pháp luật.
Mặc dù tòa tuyên hủy án, giao TAND huyện Châu Thành xử lại từ đầu là đúng luật, nhưng chị em tui rất lo là sẽ không theo nổi vụ kiện này, vì ai cũng yếu lắm rồi. Chỉ mong TAND huyện Châu Thành sớm đem vụ này ra xử và xử đúng pháp luật, công bằng thì mấy chị em tui mới thoát được cái cảnh chống gậy đi hầu tòa và được sống yên vui với con cháu trong những năm tháng cuối đời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận