24/12/2015 08:08 GMT+7

Không cho đóng mới tàu lưới kéo

KHOA NAM - TRẦN MẠNH
KHOA NAM - TRẦN MẠNH

TT - Hàng trăm chủ ghe tàu làm nghề lưới kéo (giã cào) đang trong quá trình hoàn thiện rất lo lắng trước thông tin Bộ NN&PTNT không cấp phép khai thác thủy sản cho các tàu đóng mới.

 

Những tàu cá vừa được lắp “xương sống” khoảng một tuần tại cơ sở đóng tàu Nghĩa Phú  Ảnh: TRẦN MAI
Những tàu cá vừa được lắp “xương sống” khoảng một tuần tại cơ sở đóng tàu Nghĩa Phú - Ảnh: Trần Mai

Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng những tàu cá đóng trước thời điểm văn bản có hiệu lực vẫn được khai thác thủy sản bình thường.

Vừa đóng tàu vừa lo

Tiếp xúc với chúng tôi bên con tàu đang đóng dở dang, bà Đỗ Thị Tuyết Hà - chủ doanh nghiệp Hà Xuân ở phường Rạch Sỏi (TP Rạch Giá, Kiên Giang) - cho biết để thực hiện việc đóng mới bốn tàu lưới kéo với tổng giá trị khoảng 28 tỉ đồng, gia đình bà đầu tư mua vật liệu, gỗ cũng đã xẻ xong và công nhân đã đóng tàu được một thời gian.

Thế nhưng mới đây, bà “choáng váng” khi nghe thông tin có quy định tàu đóng mới làm nghề lưới kéo sẽ không được phép hoạt động từ ngày 16-11. “Gia đình tôi đã đổ khá nhiều tiền cho việc đóng tàu này, chẳng lẽ phải dừng lại, còn nếu tiếp tục đóng cho xong với số vốn khá lớn mà chưa biết tàu đóng xong rồi có được hoạt động hay không” - bà Hà lo lắng.

Tương tự, ông Trần Hoàng Minh (TP Rạch Giá) cũng đang đứng ngồi không yên do một trong hai chiếc tàu trị giá 14 tỉ đồng (vay ngân hàng 7 tỉ đồng) chưa được cấp phép, mặc dù hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt trước thời điểm 16-11.

“Lẽ ra phải thông báo trước để chúng tôi không bị động. Đằng này nói cấm là cấm một cái rụp như vậy, giờ tụi tôi chưa biết số phận mấy chiếc tàu sẽ ra sao. Mỗi loại tàu cá có thiết kế, công năng khác nhau, giả sử phải chuyển từ ghe cào sang lưới rê hay ghe câu sẽ phải tốn thêm vài tỉ đồng mỗi chiếc” - ông Minh bức xúc.

Đây không phải là những trường hợp cá biệt, hàng trăm ngư dân ở nhiều vùng biển khác nhau cũng đang lo lắng không yên trước công văn 9443 của Bộ NN&PTNT (ngày 18-11-2015), trong đó có quy định “tạm dừng việc đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo và cải hóa đối với các tàu từ nghề khác sang làm nghề lưới kéo; không cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với các tàu từ các nghề khác chuyển sang làm nghề lưới kéo kể từ ngày 16-11-2015”.

Ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang - cho biết thông thường các văn bản đều có thời gian chuyển tiếp để thực hiện. Nhưng công văn của Bộ NN&PTNT có hiệu lực trước cả khi ban hành (từ ngày 16-11-2015) càng khiến ngư dân bất ngờ và trở tay không kịp.

“Sở NN&PTNT Kiên Giang đã làm văn bản đề xuất Tổng cục Thủy sản xem xét cấp phép cho 84 chủ tàu đã lỡ đóng, hiện đang chờ tổng cục phản hồi” - ông Tâm cho hay.

Cần có lộ trình

Với hơn 30 năm làm nghề giã cào (lưới kéo), ông Trà Văn Bé (Phước Tỉnh, Long Điền, Vũng Tàu) thừa nhận nghề giã cào khai thác tận diệt các loài cá tôm dưới biển vì loại lưới này kéo sát dưới đáy biển, mắt lưới dày nên tất cả cá, tôm, ốc... đều bị bắt hết. Do lượng tàu làm nghề này đóng mới rất nhiều nên nguồn lợi biển ngày càng cạn kiệt.

“Chúng tôi ủng hộ chủ trương không cấp phép đóng mới tàu làm nghề lưới kéo, nhưng phải có lộ trình để bà con chuẩn bị” - ông Bé nói.

Ông Huỳnh T. - thuyền trưởng tàu cá tại Kiên Giang - xác nhận tàu lưới kéo (cào chiếc, cào đôi) là một trong những loại hình khai thác hải sản “bạo tàn” nhất, bởi toàn bộ phạm vi miệng cào rộng từ vài trăm mét từ mặt biển xuống tới đáy đều bị càn quét không thương tiếc. Cá lớn, cá bé, tôm, mực, ghẹ, thậm chí cả san hô đều bị tận diệt.

Theo ông T., đây cũng là lý do Thái Lan đã cấm nghề lưới kéo từ hơn 20 năm nay, một số quốc gia khác trong khu vực cũng xử lý nghiêm nghề này.

Theo ông Trương Văn Ngữ - chủ tịch Hội nghề cá TP Rạch Giá, địa phương hiện có 238 hội viên sở hữu 40% trên tổng số 10.500 tàu cá của cả tỉnh Kiên Giang, qua thăm dò hầu như tất cả hội viên đều ủng hộ chủ trương chấm dứt nghề lưới kéo.

“Không chỉ ủng hộ chuyện cấm đánh cá bằng lưới kéo mà chỉ cần có chủ trương, tụi tôi sẵn sàng hoán cải chức năng các tàu hiện có, chấp nhận tốn kém vì lợi ích lâu dài của chính mình. Tuy nhiên cũng cần có thời gian chuyển tiếp chứ nếu nói cấm là cấm ngay thì...” - ông Ngữ nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Huy Điền, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết công văn 9443 chỉ quy định ngưng cấp phép tàu đánh lưới kéo đóng mới kể từ thời điểm có hiệu lực. Riêng những tàu cá đã đóng mới từ trước ngày 16-11-2015 vẫn được cấp phép để hoạt động bình thường.

“Nội dung của công văn 9443 là một bước để cụ thể hóa cả một chương trình của ngành thủy sản đã có từ nhiều năm nay, đó là hạn chế bớt các ngành nghề khai thác hải sản không bền vững và không được khuyến khích” - ông Điền nói.

Hơn 40% tàu cá trên 90CV làm nghề lưới kéo

Trong quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030, định hướng phát triển số lượng tàu khai thác xa bờ đến năm 2020 khoảng 30.000 chiếc, ngành thủy sản VN khuyến khích nghề khai thác hải sản thân thiện với môi trường, nguồn lợi như: lưới vây, lưới rê, nghề câu, nghề chụp và dịch vụ hậu cần và giảm các nghề khai thác xâm hại đến nguồn lợi như nghề lưới kéo.

Tuy nhiên đến ngày 30-9-2015, số tàu cá trên 90CV (mã lực) của các địa phương đã vượt 31.000 tàu, trong đó trên 12.500 tàu làm nghề lưới kéo (hơn 40%).

Đăng ký đóng mới để né lệnh cấm

Ngư dân Nguyễn Văn T. (xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) vừa đăng ký xong thủ tục đóng mới tàu lưới kéo được bảy ngày, cho biết đang tìm cơ sở đóng tàu để khởi công đóng tàu. Theo anh T., gia đình anh hiện có hai tàu đang hoạt động, nhưng máy đã xuống cấp nên đang có kế hoạch đóng đôi tàu mới thay thế.

Do đó khi nghe thông tin về lệnh cấm này, dù tiền bạc đang khó khăn nhưng gia đình anh cũng lo đăng ký để kịp thời hạn. “Tôi cứ đăng ký trước rồi vay vốn và tìm cơ sở đóng tàu sau” - anh T. nói.

Trong khi đó, ông Tạ Văn Mùi (xã Nghĩa An) cho biết lệnh cấm đột ngột khiến ngư dân gặp khó, bởi dù là cải hoán tàu nhưng cũng tốn kém chi phí khoảng 1,2 tỉ đồng, số tiền không nhỏ với ngư dân.

Ông Đỗ Hồng Minh - phó chủ tịch UBND xã Nghĩa An, địa phương có đội tàu cá hành nghề lưới kéo nhiều nhất tỉnh Quảng Ngãi với khoảng 500 chiếc - cho biết sau khi nghe về lệnh cấm này, xã đã có 86 tàu được người dân đăng ký đóng mới, trong khi trên địa bàn chỉ có bốn cơ sở đóng tàu nên không đáp ứng được nhu cầu.

Trong khi đó, dù các tàu đã được cấp phép đóng mới tàu lưới kéo nhưng đến hết ngày 28-2-2016 mà vẫn chưa duyệt, thẩm định thiết kế thì giấy phép không còn hiệu lực.

Ghi nhận chiều 23-12 tại cơ sở đóng tàu của HTX dịch vụ và khai thác xa bờ Nghĩa Phú có khoảng 20 tàu đóng mới và cải hoán nằm chật kín triền đà. Trong đó có hơn 10 tàu vừa khởi công lắp “xương sống”.

Ông Trần Viết Minh, giám đốc HTX này, cho biết trong mấy ngày qua người dân tới đăng ký đóng tàu tăng cao, HTX không đủ nguồn nhân lực để thi công cũng như diện tích không đủ sức chứa thêm tàu. “Nếu hoạt động hết sức cũng chỉ đủ sức chứa 30 tàu đóng mới” - ông Minh nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Hưng - chi cục phó Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi - cho biết tính từ tháng 1 đến ngày 15-11, toàn tỉnh chỉ có 234 chiếc tàu đăng ký đóng mới, nhưng từ ngày 18-11 đến 2-12 có 142 tàu đăng ký đóng mới.

“Con số đăng ký đóng mới tăng đột biến chủ yếu do ngư dân muốn đăng ký “chạy nóng” trước khi chi cục tạm ngừng cấp phép đóng mới tàu lưới kéo theo chỉ đạo” - ông Hưng cho biết.

Theo ông Hưng, nhiều ngư dân không kịp nắm bắt thông tin nên không đăng ký kịp đã nảy sinh thêm chuyện “cò” giấy phép đóng tàu lưới kéo đến ngã giá với Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi để có giấy đăng ký.

“Những trường hợp này chúng tôi kiên quyết không làm việc. Người dân không nên bỏ tiền cho “cò” nhằm tránh trường hợp tiền mất tật mang. Đã dừng cấp thì không có chuyện sẽ cấp thêm. Muốn tìm hiểu thông tin gì, người dân nên liên hệ trực tiếp tại chi cục” - ông Hưng khẳng định.

TRẦN MAI

KHOA NAM - TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên