Phóng to |
Tới đây, người dân vẫn được mua bán vàng miếng nhưng thực hiện tại các ngân hàng và doanh nghiệp được cấp phép - Ảnh: T.Đạm |
Theo dự thảo này, người dân vẫn được quyền mua bán vàng miếng nhưng phải giao dịch tại các ngân hàng và doanh nghiệp được cấp phép, khác với ý tưởng trước đây là người dân chỉ được bán chứ không được mua vàng.
Không được thanh toán bằng vàng
Ngoài ra, việc mua bán vàng miếng với các đối tượng không có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng do NHNN cấp là vi phạm pháp luật.
Theo quy định tại dự thảo, người dân được mua vàng để cất giữ nhưng không được sử dụng vàng để thanh toán như hiện nay. NHNN cũng thu hẹp đối tượng được phép kinh doanh vàng.
Theo đó, kinh doanh mua bán vàng miếng là hoạt động hạn chế kinh doanh. Doanh nghiệp, tổ chức hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng phải được NHNN cấp giấy phép theo các điều kiện nhất định. Sản xuất, gia công và mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân phải thành lập doanh nghiệp và được NHNN cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Liên quan các điều kiện cấp giấy phép kinh doanh, mua bán vàng miếng, dự thảo cuối cùng chỉ yêu cầu chung là phải đáp ứng một số điều kiện về vốn, doanh thu và mạng lưới do NHNN quy định trong từng thời kỳ.
Trong thời hạn một năm kể từ khi nghị định này có hiệu lực, các đơn vị đang sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện đăng ký lại với cơ quan đăng ký kinh doanh và hoàn tất thủ tục xin cấp giấy chứng nhận theo quy định mới. Thời hạn với hoạt động kinh doanh vàng miếng là ba tháng.
Các hoạt động kinh doanh vàng khác cũng bị hạn chế, chỉ được triển khai khi Thủ tướng cho phép và được NHNN quy định.
Phóng to |
Theo dự thảo, hoạt động của các đơn vị kinh doanh vàng sẽ bị siết lại - Ảnh: Thanh Đạm |
Sẽ có nhiều thương hiệu vàng
Ở các bản dự thảo lần trước NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng, nhưng dự thảo lần này đưa ra hai phương án: NHNN tổ chức sản xuất hoặc cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất vàng miếng. Trong trường hợp cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất, NHNN sẽ quy định trình tự, thủ tục, số lượng doanh nghiệp được sản xuất gia công vàng miếng trong từng thời kỳ để quản lý chặt chẽ hoạt động này.
Hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu được quy định theo hướng hạn chế xuất khẩu trong khi nhập khẩu sẽ phải tuân theo những điều kiện khắt khe. Việc xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng vàng từ 20K (8,3 tuổi) trở lên phải được NHNN cấp phép. Việc xuất khẩu vàng trang sức có hàm lượng vàng dưới 20K không phải xin phép NHNN.
Cũng theo dự thảo này, NHNN là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng. NHNN có trách nhiệm xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, kế hoạch về phát triển thị trường vàng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. NHNN được bổ sung vàng miếng vào dự trữ ngoại hối cũng như can thiệp, bình ổn thị trường vàng thông qua việc tổ chức thực hiện sản xuất, mua bán vàng trên thị trường trong nước, xuất nhập khẩu vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. |
Ngoài NHNN, chỉ các doanh nghiệp có giấy phép khai thác vàng mới được cấp phép xuất khẩu vàng nguyên liệu do doanh nghiệp khai thác được. Với hoạt động nhập khẩu, giấy phép chỉ được cấp cho một số doanh nghiệp sản xuất trang sức, mỹ nghệ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, doanh nghiệp đầu tư khai thác vàng ở nước ngoài có nhu cầu nhập số vàng đã khai thác về nước...
Người VN và người nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế được mang vàng theo quy định của NHNN.
Theo kế hoạch, dự thảo nghị định sẽ phải hoàn tất khâu lấy ý kiến các bên và trình Chính phủ chậm nhất trong tháng 6.
Đưa thị trường vàng vào khuôn khổ
Theo phó tổng giám đốc một công ty kinh doanh vàng lớn, quy định mới sẽ thu hẹp đáng kể việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do vì nhiều tiệm vàng đang kinh doanh vàng miếng tới đây sẽ chỉ được mua bán nữ trang.
Dự thảo nghị định còn để ngỏ điều kiện về vốn, doanh thu và mạng lưới nhưng sẽ có rất ít cửa hàng vàng hiện nay đáp ứng được điều kiện để được cấp phép mua bán vàng miếng. Mục đích là hạn chế đáng kể việc liên kết đầu cơ, tăng giá như từng diễn ra thời gian qua.
Tuy nhiên theo một chuyên gia ngành vàng, quy định này có điểm “lỏng” ở chỗ theo Luật thương mại, các công ty kinh doanh vàng vẫn được quyền ký hợp đồng đại lý, ủy thác mua, ủy thác bán với các cửa hàng kinh doanh vàng. Liệu nghị định có chế định được kẽ hở này? Nếu được quyền ủy thác, việc kinh doanh vàng sẽ không khác gì hiện nay và việc hạn chế mạng lưới kinh doanh sẽ chỉ mang ý nghĩa tượng trưng.
Nếu nghị định quy định các công ty vàng không được quyền ủy thác mới hạn chế được mua bán vàng tràn lan như hiện nay. Khi đó các công ty vàng sẽ yếu thế hơn so với các ngân hàng do NH có nhiều chi nhánh, phòng giao dịch trải khắp cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận