29/06/2016 10:44 GMT+7

​Không biến việc sở hữu di sản thành gánh nặng cho người dân

CÁT KHUÊ ghi
CÁT KHUÊ ghi

TTO - Biệt thự cổ gần trăm tuổi ở Nơ Trang Long (Bình Thạnh, TP.HCM) "có giá trị điển hình về mặt lịch sử - văn hóa, cảnh quan đô thị, kiến trúc - nghệ thuật... Những biệt thự thuộc nhóm này cần bảo tồn nguyên trạng".

Biệt thự cổ gần trăm tuổi ở Nơ Trang Long (Bình Thạnh, TP.HCM) đã tạm dừng việc phá bỏ - Ảnh Hữu Thuận

Kiến trúc sư Hoàng Minh Trí (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, chủ tịch Hội đồng phân loại biệt thự) cho rằng:

Biệt thự Nơ Trang Long theo những gì tôi được biết thì có lẽ thuộc nhóm biệt thự thứ nhất nếu tiêu chí phân loại biệt thự mà chúng tôi đang trình UBND TP.HCM sẽ được ban hành trong tương lai. 

Tiêu chí này để phân loại hơn 1.000 biệt thự xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn TP.HCM (không tính đến các công trình biệt thự cổ đã được xếp loại phải bảo vệ theo Luật di sản văn hóa vì giá trị cũng như các hành xử với những biệt thự loại này được quy định cụ thể riêng), chúng tôi tạm phân làm ba nhóm.

Trong đó, nhóm thứ nhất là các biệt thự có giá trị điển hình về mặt lịch sử - văn hóa, cảnh quan đô thị, kiến trúc - nghệ thuật... Những biệt thự thuộc nhóm này cần bảo tồn nguyên trạng.

Từ lúc TP.HCM thành lập Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc trên địa bàn TP (ngày 21-8-2010) thì đây là công trình biệt thự cổ chủ đầu tư tự ý tháo dỡ không phép đầu tiên. 

Nhưng cũng phải thừa nhận một thực trạng nếu như Hà Nội có tiêu chí phân loại biệt thự từ cuối năm 2013 thì ở TP.HCM, vì nhiều lý do khác nhau mà sáu năm kể từ khi ban chỉ đạo nói trên được thành lập, chúng ta vẫn chưa làm xong việc này.

Ý thức được vấn đề làm cách nào để các biệt thự cổ cần bảo tồn thuộc sở hữu tư nhân vẫn giữ gìn được những giá trị văn hóa kiến trúc lịch sử, đồng thời không biến việc sở hữu di sản thành gánh nặng cho người dân, chúng tôi đã tính đến vấn đề này khi trình dự án với UBND TP.HCM. 

Trước mắt, chúng tôi đề xuất ban hành các chính sách ưu đãi để hỗ trợ chủ sở hữu các biệt thự cần bảo tồn có điều kiện bảo vệ nguyên trạng và tôn tạo các biệt thự này. Các nghiên cứu này theo tôi biết sẽ trình UBND TP.HCM xem xét, quyết định ban hành trong tháng 7 tới.

Trở lại câu chuyện biệt thự cổ 237 Nơ Trang Long, chủ nhà nói rằng ông xin phép 10 tháng trời mà không ai trả lời nên ông phải tháo dỡ kẻo mùa mưa nguy hiểm. 

Theo tài liệu chúng tôi có được thì khi chủ nhà xin phép, Sở Quy hoạch - kiến trúc trả lời là công trình này thuộc dạng biệt thự chưa được xem xét phân loại và việc tháo dỡ phải có ý kiến của UBND TP.HCM.

Nhưng khi chưa có ý kiến của UBND TP.HCM thì chủ nhà đã tháo dỡ với lý do sợ nguy hiểm vào mùa mưa.

Thực ra tôi biết lý do chính là vì chủ nhà đã có kinh phí để xây dựng một công trình mới trên nền biệt thự đó. Còn nếu chống dột vào mùa mưa thì vẫn có cách khác để sửa chữa tôn tạo thay vì tháo ra toàn bộ để dự kiến xây mới.

CÁT KHUÊ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên