23/11/2012 09:01 GMT+7

Khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm chủ tịch tỉnh

BÁ SƠN - BÙI LIÊM
BÁ SƠN - BÙI LIÊM

TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 22-11, ông Nguyễn Tấn Hưng - ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Bình Phước - cho biết công an tỉnh đã khởi tố vụ án để làm rõ những khuất tất đằng sau ba vụ việc liên quan đến trách nhiệm của ông Trương Tấn Thiệu, chủ tịch UBND tỉnh.

Kiểm điểm ban quản lý rừng Đức Bổn

Tj3INN3t.jpgPhóng to
Đất rừng thuộc Lâm nông trường Nghĩa Trung (huyện Bù Đăng) được ông Thiệu tự ý ký giao cho doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp đốt bỏ để trồng mới cao su - Ảnh: Bùi Liêm

Ba vụ việc này, theo ông Nguyễn Tấn Hưng, gồm: 1. Bán đấu giá thí điểm một số lô cao su (trong tổng diện tích 323ha) để làm đường Lộc Tấn - Bù Đốp, 2. Giao 6.275m2 đất phía sau Đài PT - TH của tỉnh không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, 3. Áp giá sai quy cách đối với rừng giá tị của một công ty trên địa bàn.

Ông Hưng cũng cho biết sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Bình Phước đã họp bàn hướng xử lý trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có liên quan tới các sai phạm theo kết luận của ủy ban.

Thất thoát tài sản nhà nước

Nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ xác nhận ông Trương Tấn Thiệu đã có đơn xin thôi đảm nhiệm chức vụ chủ tịch UBND tỉnh “vì lý do sức khỏe”. Trong đơn, ông Thiệu nói mình bị bệnh viêm gan siêu vi. Ông Thiệu cũng đề đạt nguyện vọng nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo về cả chức vụ Đảng và Nhà nước đối với những sai phạm của mình.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, năm 2008 UBND tỉnh Bình Phước chủ trương tiến hành dự án đầu tư trồng mới 1.000ha cây cao su để tạo vốn thực hiện dự án đầu tư nâng cấp mở rộng đường từ ngã ba Lộc Tấn (huyện Lộc Ninh) đến trung tâm huyện Bù Đốp. Để trồng mới cao su con thì phải bán số cao su già cỗi, vì vậy UBND tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo dự án do ông Thiệu làm trưởng ban.

Sau đó, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính và các ngành chức năng chọn một số lô cao su già cỗi, để thí điểm bán đấu giá công khai, làm cơ sở xác định giá các lô còn lại. Đến tháng 8-2010, UBND tỉnh đã phê duyệt diện tích và mức giá khởi điểm chào bán của ba lô cao su được chọn có tổng diện tích 31,3ha, với số tiền trên 11 tỉ đồng (bình quân 353 triệu đồng/ha).

Tuy nhiên sau hai lần rao bán nhưng không tổ chức, cá nhân nào tham gia đấu giá nên UBND tỉnh đã tự ý giảm 30% với giá khởi điểm: cụ thể, từ hơn 11 tỉ đồng giảm còn hơn 8,2 tỉ đồng (bình quân 264 triệu đồng/ha). Sau đó, một số lô cao su khác cũng được bán với cách thức giảm 30% giá đất như trên. Việc này đã không được xin ý kiến thường trực Tỉnh ủy Bình Phước và làm thất thu trên 25 tỉ đồng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng xem xét quy trình bán đấu giá “có vấn đề” hay không như việc bán thẳng cho một người, đăng báo sai nguyên tắc, không thông báo rõ diện tích, địa điểm, hiện trạng các lô bán thí điểm, có dấu hiệu thông thầu...

Cơ quan điều tra cũng đang làm rõ việc đầu năm 2012, UBND tỉnh Bình Phước giao cho Công ty TNHH một thành viên Xây dựng Bình Phước (doanh nghiệp nhà nước) đầu tư dự án xây dựng nhà liên kế tại khu đất “đắc địa” phía sau Đài PT-TH Bình Phước. Khi thực hiện dự án, UBND tỉnh đã giao công ty này bán trên 6.275m2 đất mà không đấu giá quyền sử dụng đất. Mặt khác, khu đất được thẩm định và bán với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường gây thất thu lớn cho ngân sách.

Vụ việc UBND tỉnh Bình Phước áp giá sai quy cách đối với rừng giá tị (một loại gỗ quý, được dùng để làm báng súng) với giá trị hơn 1,1 tỉ đồng đối với một công ty tại huyện Đồng Phú cũng đang được xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan. Những người này đã áp giá của rừng giá tị từ gỗ thành củi (có giá trị thấp hơn) nên cũng dẫn tới thất thoát.

Tự ý làm trái

Từ khi làm chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước năm 2008, ông Thiệu đã tự ký chủ trương giao 15 dự án có diện tích đất từ 100ha trở lên/dự án với tổng diện tích trên 4.000ha cho doanh nghiệp mà không xin ý kiến của thường trực Tỉnh ủy. Việc này là sai quy chế của Tỉnh ủy vì theo thẩm quyền, chủ tịch UBND tỉnh chỉ được quyết định đối với diện tích đất rừng dưới 100ha.

Từ sai phạm, ông Thiệu đã nghiêm túc rút kinh nghiệm do thiếu sót không đưa ra thảo luận tại cuộc họp chủ tịch, phó chủ tịch và xin ý kiến thường trực Tỉnh ủy theo quy chế làm việc. Bên cạnh đó việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp của UBND tỉnh không tuân thủ quy chế quy định, có dấu hiệu lách quy chế. Việc quản lý lỏng lẻo để rừng khoanh nuôi bảo vệ sau một thời gian trở thành rừng nghèo kiệt. Đặc biệt, một số dự án có dấu hiệu chuyển nhượng bằng hình thức liên doanh, liên kết, giao khoán. Tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 227 dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt trồng cao su, trồng rừng với tổng diện tích 42.236ha.

Đối với việc thực hiện dự án BOT làm quốc lộ 14 (đoạn Đồng Xoài - Cây Chanh), UBND tỉnh Bình Phước do ông Thiệu làm chủ tịch đã không tổ chức đấu thầu mà chỉ định Công ty cổ phần Đức Thành - Gia Lai cũng đang được làm rõ về trách nhiệm và quyền lợi liên quan. Khi được hỏi về công tác giải phóng mặt bằng quốc lộ 14, dù mới chỉ giải phóng được hơn 30km nhưng các cơ quan chức năng của tỉnh đã “kê” lên tới 50km. Tới nay, con đường này vẫn còn ngổn ngang chưa biết khi nào hoàn thành.

Chủ tịch UBND tỉnh đã tự nhận thấy khuyết điểm, sai phạm

Về những sai phạm diễn ra tại Ban cán sự UBND tỉnh Bình Phước, ông Nguyễn Tấn Hưng, bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, cho biết: “Đối với những sai phạm về nguyên tắc Đảng, về quy chế của Tỉnh ủy, các tổ chức và cá nhân liên quan sẽ bị xử lý về mặt Đảng. Đối với những sai phạm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, thất thoát tài sản của Nhà nước và vi phạm pháp luật thì các cơ quan công tố sẽ tiến hành điều tra và xử lý theo pháp luật”.

* Ông đánh giá như thế nào khi xảy ra một loạt sai phạm trong quản lý điều hành của một số lãnh đạo cao cấp của tỉnh bây giờ mới được phát hiện?

- Có thể có những vấn đề lãnh đạo đã thiếu kiểm tra, sâu sát nên phát hiện chậm. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận không phải tới khi Ủy ban Kiểm tra trung ương tới kiểm tra thì những sai phạm đó mới được phát hiện, mà có những sai phạm chúng tôi đã phát hiện trước và yêu cầu phải khắc phục ngay. Ví dụ như việc giao trạm thu phí T2 trên quốc lộ 14 cho Công ty Đức Thành - Gia Lai ban đầu là không đúng chủ trương của Chính phủ nên từ trước khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương, chúng tôi đã chỉ đạo phải thu hồi trạm thu phí này.

Tới nay Công ty Đức Thành - Gia Lai vẫn chưa trả lại trạm thu phí vì cho rằng thiệt hại cho họ nên chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán để thu hồi lại trạm.

* Đối với những cá nhân sai phạm, trong đó có Chủ tịch UBND tỉnh Trương Tấn Thiệu, có thái độ khắc phục sai phạm như thế nào khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương?

- Cá nhân đồng chí chủ tịch UBND tỉnh trong quá trình kiểm điểm cũng đã tự nhận thấy những khuyết điểm, sai phạm của mình. Việc ông Thiệu bị cảnh cáo chính là đang chịu trách nhiệm về những việc làm của mình. Còn hiện tại trong khi chờ quyết định của Thủ tướng về chức vụ chủ tịch UBND tỉnh thì ông Thiệu vẫn phải tiếp tục đảm nhiệm chức vụ để điều hành và khắc phục hậu quả của các sai phạm.

BÁ SƠN

BÁ SƠN - BÙI LIÊM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên