08/06/2011 07:50 GMT+7

Khởi tố 3 sĩ quan Công an Tiền Giang

H.KHƯƠNG - V.TRƯỜNG
H.KHƯƠNG - V.TRƯỜNG

TT - Ngày 7-6, Cục điều tra hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can đối với ba sĩ quan Công an tỉnh Tiền Giang gồm các ông: Ngô Thanh Phong (nguyên trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ), Nguyễn Văn Nên (nguyên trưởng Công an huyện Châu Thành) và Phan Văn Út (nguyên đội trưởng đội tham mưu tổng hợp Cơ quan cảnh sát điều tra).

Read this on Tuoitrenews.vn

pY1VrEsO.jpgPhóng to

Bị can Ngô Thanh Phong (áo trắng) được đưa ra ôtô đến cơ quan để thực hiện lệnh khám xét - Ảnh: V.TR.

Cả ba bị khởi tố về hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong đó, bị can Út bị bắt tạm giam, hai bị can Phong và Nên được tại ngoại.

Sáng cùng ngày, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao đã đưa ba bị can về nhà riêng ở TP Mỹ Tho để tiến hành khám xét, sau đó tiếp tục đưa ba bị can đến nơi làm việc để khám xét.

Ngày 23-12-2010, ban giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã công bố các quyết định kỷ luật đối với ba sĩ quan công an trên. Ông Ngô Thanh Phong bị kỷ luật giáng cấp từ đại tá xuống thượng tá, cách chức trưởng phòng và giải quyết cho nghỉ hưu. Ông Nguyễn Văn Nên bị kỷ luật giáng cấp từ thượng tá xuống trung tá, cách chức vụ trong Đảng và chính quyền. Ông Út bị giáng cấp từ thiếu tá xuống đại úy, cách chức đội trưởng đội tham mưu văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra.

Theo các văn bản của Bộ Công an và Viện KSND tối cao, ba sĩ quan này đã có một số sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động tố tụng dẫn đến việc bắt, giam giữ người trái pháp luật xảy ra ở Bình Dương. Cả ba bị can còn liên quan đến sai phạm trọng trong việc quản lý, sử dụng tang vật thuộc chuyên án buôn lậu xăng dầu do Trần Thế Hùng (Hùng “xì-tẹc”) cầm đầu.

L6fwy1qp.jpgPhóng to
Khám xét nhà riêng ông Phan Văn Út - Ảnh: CTV

Tiền tang tài vật... gửi tiết kiệm lấy lãi

Năm 2002, Phòng cảnh sát điều tra Công an Tiền Giang (PC16 Tiền Giang) được Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) giao khám phá và thụ lý điều tra chuyên án buôn lậu xăng dầu do Trần Thế Hùng (Hùng “xì tẹc”) cầm đầu. Trong quá trình giải quyết vụ án, PC16 Tiền Giang tạm giữ hàng chục tỉ đồng tang vật thu giữ của các bị can, đương sự trong vụ án nhưng không mở tài khoản tạm gửi tại kho bạc để quản lý mà đem gửi tiết kiệm lấy lãi, nhập quỹ riêng của đơn vị.

Cụ thể, ngày 4-11-2002, ông Nguyễn Văn Nên với tư cách phó Phòng PC16 Tiền Giang có văn bản gửi các ông Phạm Thế Kim (lúc đó là đội phó đội điều tra án kinh tế, hiện là phó chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra), Phan Văn Út (lúc đó là đội phó đội tham mưu kiêm thủ kho) và Bùi Văn Nhứt, điều tra viên, với nội dung: sau khi đã trao đổi, báo cáo với trưởng phòng (ông Ngô Thanh Phong) thống nhất toàn bộ số tiền tang vật của vụ án đem gửi ngân hàng (không kỳ hạn).

“Tranh thủ” giải quyết tranh chấp dân sự

Trong quá trình thụ lý vụ “gây rối” tại Bình Dương, ông Nguyễn Văn Nên nhận được đơn của vợ chồng bà T. tố cáo ông Bùi Mạnh Lân chiếm đoạt thửa đất trên 23.000m2 tại Bình Dương.

Mặc dù vụ việc đang được tòa án giải quyết, cơ quan điều tra không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự nhưng ông Nên vẫn “tranh thủ” lúc hỏi cung để gợi ý ông Lân trả sổ đỏ cho vợ chồng bà T. để nhận lại số tiền mà ông đã nộp tiền sử dụng lô đất cho Nhà nước.

Sau đó ông Nên cho trích xuất bị can Lân ra khỏi trại giam, cho gặp vợ chồng bà T. để thỏa thuận vụ việc. Trong tình cảnh này, ông Lân buộc phải đồng ý. Ngày 15-8-2003, vợ chồng bà T. nộp cho ông Nên 5,2 tỉ đồng để trả lại cho ông Lân. Số tiền này ông Nên không nộp vào kho bạc, cũng không trả lại cho ông Lân. Mãi đến ngày 15-10-2007, ông Nên mới mở tài khoản tạm gửi và chuyển tiền vào đó.

Vụ tranh chấp giữa ông Lân và bà T. sau đó được tòa án ra phán quyết bác tư cách khởi kiện của bà T.. Đến tháng 9-2009 vợ chồng bà T. mới nhận lại số tiền 5,2 tỉ đồng. Như vậy, từ năm 2003 đến 2009 ông Nên đã thu giữ trái phép số tiền 5,2 tỉ đồng của đương sự.

Từ văn bản này, đại úy Bùi Văn Nhứt lấy tiền vật chứng gửi vào các ngân hàng, sau đó đem sổ tiết kiệm về nộp vào kho vật chứng do ông Phạm Văn Út làm thủ kho kiêm thủ quỹ nhận và quản lý bằng mười phiếu nhập vật chứng. Đến kỳ trả lãi, ông Út đưa sổ tiết kiệm cho ông Nhứt rút lãi và trả lại sổ cho ông Út.

Từ tháng 10-2002 đến năm 2004, ông Nhứt đã gửi vào các ngân hàng trên 11,4 tỉ đồng và 200.000 USD vào 25 sổ tiết kiệm (kỳ hạn ba tháng). Tiếp đó, tháng 6-2004, ông Phạm Văn Út đứng tên gửi 12,1 tỉ đồng vào ngân hàng dưới hình thức gửi tiết kiệm kỳ hạn ba tháng.

Tổng số tiền lãi gần 1,3 tỉ đồng được nộp vào quỹ riêng của đơn vị (các phiếu thu nhập quỹ có chữ ký nhận của thủ quỹ Út và ghi rõ lý do nộp tiền là “lãi suất ngân hàng”). Số tiền này được trưởng, phó phòng đến chỉ huy cấp đội, các điều tra viên, thủ quỹ và tài xế sử dụng cho mục đích cá nhân.

Hình sự hóa dân sự, bắt giữ người trái pháp luật

Năm 2000, ông Nguyễn Viết Tạo, giám đốc Công ty gas Bình Dương, có xảy ra tranh chấp về vốn góp với các thành viên trong công ty. Trong khi chờ tòa án giải quyết, giữa ông Tạo và ông Đỗ Cao Bằng, chủ tịch hội đồng thành viên, tiếp tục có mâu thuẫn. Ngày 18-9-2000, ông Bằng đưa một số người vào công ty với mục đích giữ tài sản vì cho rằng ông Tạo có ý tẩu tán.

Ngày 29-4-2003, thiếu tá Nguyễn Văn Nên - lúc đó là phó Phòng cảnh sát điều tra Công an Tiền Giang, thành viên ban chuyên án “Năm Cam và đồng phạm” - ra lệnh bắt khẩn cấp ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng (tổng giám đốc và phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Hưng Thịnh) cùng năm người khác về hành vi “gây rối trật tự công cộng”.

Cơ quan điều tra cho rằng ông Lân giữ vai trò chủ mưu, ông Hướng đồng phạm trong vụ “gây rối” tại Công ty gas Bình Dương. Sau đó Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng trên nhưng Viện KSND tối cao từ chối phê chuẩn lệnh tạm giam đối với ông Lân và ông Hướng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không trả tự do cho ông Lân, ông Hướng mà tiếp tục đề nghị Viện KSND tối cao phê chuẩn.

Ngày 11-6, Viện KSND tối cao đồng ý phê chuẩn lệnh tạm giam đối với ông Lân, đồng thời ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn và trả tự do cho ông Hướng. Các lệnh này đúng ra phải gửi cho trại giam và bị can nhưng ông Nên “ỉm” lại đến ngày 7-7 mới thực hiện. Từ sự chậm trễ trên, ông Hướng bị giam 60 ngày không có lệnh được phê chuẩn của Viện KSND tối cao, trong đó có 26 ngày bị giam sau khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn.

Tiếp đó, ngày 27-8-2003 Viện KSND tối cao giao cho ông Nên các quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng và Nguyễn Đức Bình. Tuy nhiên, giống như lần trước, ông Nên tiếp tục “ỉm” các quyết định trên đến ngày 1-9 mới thực hiện, dẫn đến việc ông Lân bị giam lố năm ngày. Qua xem xét hồ sơ, ngày 16-8-2004 Viện KSND tối cao đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Lân, ông Hướng và năm người khác.

Theo xác minh của Cơ quan điều tra hình sự Viện KSND tối cao, ngoài việc bắt, giam người trái pháp luật, ông Nên còn ký lệnh bắt khẩn cấp ông Lân, ông Hướng về hành vi “gây rối trật tự công cộng” xảy ra trước đó ba năm tại Bình Dương, trong khi các ông này không cư trú, làm việc tại Tiền Giang. Đây là việc làm không có căn cứ pháp luật và không đúng thẩm quyền về lãnh thổ.

Ngoài ra, kết quả xác minh cho thấy việc bắt khẩn cấp ông Lân, ông Hướng là không đúng vì không thuộc một trong ba trường hợp bắt người trong trường hợp khẩn cấp, hành vi của các đối tượng chưa gây hậu quả nghiêm trọng, hơn nữa đây là tranh chấp kinh tế, không có dấu hiệu phạm tội hình sự.

H.KHƯƠNG - V.TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên