Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị lần 7, Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X sáng 25-9 - Ảnh: T.TRUNG |
Phát biểu bế mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nói ông tin rằng nhân lực, vật lực, tài lực... của TP.HCM rất lớn, đủ sức để thực hiện các chương trình đột phá.
“Vấn đề là phải tạo được cơ chế khơi thông được nguồn lực ấy để tổ chức thực hiện” - ông Đinh La Thăng nói.
Bắt tay làm ngay
Nguồn lực lớn và cần được khơi thông, theo ông Đinh La Thăng, đó là nguồn lực trong nhân dân. Ông Thăng đánh giá chỉ số niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào chủ trương của Đảng bộ và chính quyền TP.HCM đang tăng lên.
Chứng minh điều này, ông cho biết thu ngân sách của TP.HCM 9 tháng đầu năm đạt 220.000 tỉ đồng (bằng 73,5% cả năm), tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,6% và dự kiến cả năm sẽ là 8%.
Đặc biệt, có gần 26.000 doanh nghiệp được thành lập mới (tăng 17%), với số vốn trên 212.000 tỉ đồng (tăng trên 50%), chiếm 1/3 số doanh nghiệp thành lập mới trên cả nước.
Ông Thăng cho rằng với đà tăng trưởng này thì việc TP.HCM sẽ có 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020 như mục tiêu là khả thi.
Đánh giá về 7 chương trình đột phá, Bí thư Thành ủy cho rằng chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chương trình có vai trò xương sống, quyết định, tạo bước đột phá.
Chương trình cải cách hành chính sẽ tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Các chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường tiếp tục được tập trung thực hiện cùng với chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị sẽ góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân.
Ông Đinh La Thăng yêu cầu ngay sau hội nghị phải hoàn thiện các chương trình đột phá và có kế hoạch triển khai. Ông nhắc lại: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rất nhiều lần về việc có đầy đủ cơ chế, có nghị quyết, chính sách nhưng vấn đề vướng mắc nhất là khâu tổ chức thực hiện.
“Thành phố chúng ta phải đi đầu trong tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X. Ngay sau đây phải tổ chức chỉ đạo hết sức quyết liệt, hết sức cụ thể” - ông Đinh La Thăng yêu cầu.
Nâng cấp tư duy phục vụ dân
Trao đổi với Tuổi Trẻ về những mục tiêu này, nhiều giám đốc sở ngành của TP đều thể hiện sự tự tin, quyết tâm việc thực hiện đánh giá đây là các chỉ tiêu thật sự đột phá trên nhiều phương diện.
Ông Trần Trọng Tuấn - giám đốc Sở Xây dựng - cho rằng chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị là chương trình lớn, khó, mới và phức tạp nhưng có nhiều thuận lợi về sự đồng lòng từ trên xuống.
Cụ thể, chỉ tiêu di dời hơn 20.000 căn nhà ven kênh rạch và tổ chức lại đời sống là việc được đưa vào nghị quyết của tất cả các quận huyện.
Trong đó có 6.300 căn trong dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 3, 13.600 căn là nằm trong các kênh rạch.
Điều ông Tuấn tâm đắc nhất trong chương trình này là thể hiện sự thay đổi trong nhận thức phát triển khi nâng cấp mục tiêu “tái định cư” lên “tổ chức lại cuộc sống” cho người dân.
“Trước đây, nói tái định cư là chỉ nói đến chỗ ở, nay không chỉ có vậy mà phải tổ chức lại cuộc sống người dân bao gồm việc học, việc làm, đi lại, môi trường sống, không gian đô thị của nơi ở mới” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Nguồn lực được chuẩn bị ra sao?
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế - nói riêng chỉ tiêu 20 bác sĩ/10.000 dân sẽ phải nỗ lực lớn nhưng có cơ sở để thực hiện. Ông Bỉnh phân tích hiện TP.HCM có 15 bác sĩ/10.000 dân, gấp đôi cả nước.
Tuy nhiên, thực tế số bác sĩ tại TP.HCM phải gánh thêm số bệnh nhân chuyển viện từ các tỉnh.
Ông Bỉnh cho biết đến năm 2020, mỗi năm sẽ có 1.000 bác sĩ có hộ khẩu TP.HCM tốt nghiệp các trường đại học, con số này sẽ được giữ ổn định để bảo đảm chất lượng đào tạo, đồng thời đủ để đáp ứng chỉ tiêu của chương trình đột phá.
Góp ý khá chi tiết, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - ủy viên Trung ương Đảng, phó giám đốc thường trực Đại học Quốc gia TP.HCM - đề nghị thành lập “Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục” cho tất cả các cấp học và “Trung tâm đánh giá năng lực học sinh” để phục vụ công tác tuyển sinh đại học.
Theo ông Đạt, hai trung tâm này sẽ bảo đảm chất lượng đầu ra và định hướng nghề nghiệp phù hợp cho nguồn nhân lực tại TP.HCM.
Ông Huỳnh Thành Đạt cũng đề nghị nâng cao tỉ lệ sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, tỉ lệ các trường đảm bảo kiểm định chất lượng theo tiêu chí của Bộ GD-ĐT.
Đồng thời nâng cao hơn mức 20% sinh viên tốt nghiệp có kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm tốt, đáp ứng yêu cầu công việc của các ngành trọng điểm, công ty, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước...
Một số chỉ tiêu đột phá đến năm 2020 1. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: 20 bác sĩ/10.000 dân, 80% sinh viên ra trường có việc làm phù hợp... 2. Cải cách hành chính: có 500.000 doanh nghiệp hoạt động, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ sở hữu nhà và đất từ 57 ngày xuống 14 ngày... 3. Nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP, đáp ứng yêu cầu hội nhập: xây dựng chuỗi TP thông minh, có khả năng kết nối vào chuỗi giá trị khu vực và quốc tế... 4. Giảm ô nhiễm môi trường: 100% nước thải bệnh viện, khu công nghiệp, dịch vụ được xử lý đạt quy chuẩn môi trường... 5. Giảm ngập nước: hoàn thành toàn bộ dự án giải quyết ngập do triều, trên lưu vực 550km2... 6. Giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông: số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông giảm 5% so với năm liền kề trước đó... 7. Chỉnh trang và phát triển đô thị: di dời và tổ chức cuộc sống tốt hơn cho hơn 20.000 hộ dân... |
Nhiều mục tiêu nhân văn Chia sẻ với Tuổi Trẻ, nhạc sĩ Trần Long Ẩn - chủ tịch Hội liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM - nói ông rất vui vì Thành ủy đề ra những chương trình đột phá hết sức cụ thể. Trong đó có nhiều mục tiêu tính nhân văn cao, hướng đến chất lượng sống, nâng cao văn hóa, tâm hồn của người dân. Cụ thể, với chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao đưa ra mục tiêu đào tạo chi tiết về nguồn nhân lực cho từng thể loại. “Tôi nghĩ là việc đào tạo trong nước đang gặp khó khăn. Ngôn ngữ, kỹ năng sáng tạo của âm nhạc, nghệ thuật hiện nay cũng biến đổi rất nhiều. Chương trình lần này có cơ chế để nghệ thuật tiếp thu cái mới. Bởi nếu người thầy không được tiếp thu cái mới, cứ dạy lại cho trò những điều cũ kỹ thì sẽ không còn hợp lý nữa” - nhạc sĩ Trần Long Ẩn nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận