10/09/2013 12:55 GMT+7

Khởi công cây cầu hiện đại nhất Việt Nam

TRUNG CƯỜNG
TRUNG CƯỜNG

TTO - Ngày 10-9, tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chính thức phát lệnh khởi công xây dựng dự án cầu Vàm Cống thuộc dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong.

Đầu tháng 9-2013 xây dựng cầu Vàm CốngLàm cầu Vàm Cống nối Đồng Tháp và Cần Thơ

8wH1XOFu.jpgPhóng to
Đóng cọc xây dựng cầu Vàm Cống ngay sau lễ khởi công - Ảnh: N.C.T.
X9jbSEl6.jpgPhóng to

Công nhân và cơ giới sẵn sàng thi công cầu Vàm Cống ngay sau lễ khởi công - Ảnh: N.C.T.

Dự án xây cầu Vàm Cống được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF). Đây là dự án góp phần hoàn thiện mạng lưới đường bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế và củng cố an ninh quốc phòng của khu vực Tây Nam bộ.

Theo ông Dương Tuấn Minh - tổng giám đốc Cửu Long CIPM - đơn vị thực hiện dự án gói thầu xây dựng cầu Vàm Cống, đây là một trong năm hợp phần thuộc dự án Kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL. Dự án có tổng chiều dài 78km đi qua địa phận Long An, Đồng Tháp, An Giang và thành phố Cần Thơ (bao gồm cầu Cao Lãnh, tuyến nối Cao Lãnh - Vàm Cống, cầu Vàm Cống, tuyến tránh TP Long Xuyên và tuyến Mỹ An - Cao Lãnh).

Cầu Vàm Cống được bắc qua sông Hậu (thuộc địa phận huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), cách bến phà Vàm Cống hiện hữu khoảng 2,5km về phía hạ lưu và cách cầu Cần Thơ khoảng 48km về phía thượng lưu. Tổng chiều dài cầu là 2.970m với kết cấu nhịp cầu dây văng, hai mặt dây.

Cầu Vàm Cống có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, dải phân cách, dải an toàn, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Quy mô mặt cắt ngang cầu (cầu chính và cầu dẫn) là 24,5m. Cầu chính là cầu dây văng có khẩu độ nhịp chính dài 450m. Sơ đồ nhịp toàn cầu: (210 + 450 + 210)m = 870m. Tổng chiều dài cầu dẫn phía Đồng Tháp và Cần Thơ gần 2km.

Đây là dự án đặc biệt quan trọng của ngành GTVT để kết nối khu vực phía tây của ĐBSCL tạo thành trục giao thông huyết mạch thứ hai song song với QL1. Giai đoạn 1 của dự án sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á, vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc, nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Trong đó, cầu Vàm Cống sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc.

Nhà thầu thi công chính của dự án là GS Engineering & Construction - Hanshin Engineering & Construction Co.,Ltd (Hàn Quốc). Tập đoàn GS thành lập từ năm 1969 và được coi là nhà thầu có uy tín hàng đầu trên thế giới về xây dựng các công trình hạ tầng.

Đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công là Liên danh DASAN - KUNHWA - PYUNGHWA (Hàn Quốc). Nhà thầu xây dựng gồm Liên danh Công ty XDCT GS và Công ty XDCT HANSHIN (Hàn Quốc). Dự kiến thời gian thi công hoàn thành dự án là 48 tháng. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 271 triệu USD (tương đương 5.687 tỉ đồng).

ĐBSCL có diện tích bằng 12% tổng diện tích tự nhiên cả nước, có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Đây là khu vực có sản lượng gạo cao nhất cả nước với 18,5 triệu tấn/năm, chiếm 51% sản lượng và 92% tổng sản lượng gạo xuất khẩu toàn quốc.

Ngoài gạo, thế mạnh rất lớn khác của ĐBSCL là các sản phẩm thủy hải sản, khi khu vực này chiếm 52% sản lượng của cả nước. Khi cây cầu Vàm Cống được đưa vào sử dụng năm 2017 sẽ giúp lưu thông hàng hóa của người dân thuộc ĐBSCL.

TRUNG CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên