09/02/2014 08:21 GMT+7

Khóc với hoa truyền thống

NGỌC TÀI - THANH TÚ
NGỌC TÀI - THANH TÚ

TT - Thị trường hoa tết năm nay lại thêm một mùa thất bại, đặc biệt là những loại hoa truyền thống như cúc, vạn thọ, mai... Đây là năm thứ ba các nhà sản xuất và kinh doanh hoa tết truyền thống khóc ròng vì thua lỗ. Vì sao?

4W9INtOe.jpgPhóng to
Anh Nam (nông dân làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) chuyển xuống ghe 400 giỏ hoa cúc bị ế để đưa về nhà trong chiều 30 tết tại chợ hoa TP Long Xuyên, tỉnh An Giang - Ảnh: Quang Vinh

Sau một mùa kinh doanh hoa tết vất vả, thay vì nghỉ ngơi thư giãn, nhiều nhà vườn tại ĐBSCL lại tất bật sắp xếp số mai ế mang về trước đó, chưa kể nỗi lo phải tìm nguồn vốn trả nợ vay đã đổ vào mùa kinh doanh hoa tết.

Hoa tết: đem đến lại mang về

Ông Hồ Thanh Sơn, trưởng Phòng kinh tế hạ tầng huyện Chợ Lách (Bến Tre), cho rằng mặc dù nhu cầu chơi mai của người dân giảm hơn trước vì kinh tế khó khăn nhưng huyện vẫn giữ sản lượng hiện tại khoảng 1,6 triệu gốc mai, không để người dân trồng tự phát làm tăng thêm diện tích mai nữa. Ngoài ra, đối với những sản phẩm hoa khác được trồng trong chậu để treo dù hút hàng nhưng huyện cố gắng khống chế ở một diện tích vừa phải. Bởi những mặt hàng này khó có thể cạnh tranh với các nơi khác.

Những ngày gần đây, đi đến bất cứ nhà vườn nào tại huyện Chợ Lách (Bến Tre) - vùng trồng, kinh doanh hoa tết lâu đời và nổi tiếng nhất ĐBSCL, chúng tôi cũng chứng kiến không khí nặng nề sau một mùa hoa tết nữa bị thất bại. Ông Bùi Văn Trọng - chủ một vườn mai tại Vĩnh Thành, Chợ Lách - cho biết đã phải đem về quá nửa trong số hơn 300 chậu mai được đưa đi tiêu thụ tại Tiền Giang, An Giang và TP.HCM. Ngoài ra, một lượng lớn chậu mai đã được đặt hàng từ trước tết cũng bị thương lái “bẻ kèo” vì mai không nở, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Sau mùa hoa tết thất bại, ông Nguyễn Thành Kha - chủ vườn mai ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách - đã quyết định bán lại hơn 100 chậu mai ế trong vườn. Theo ông Kha, số mai này được ông mua vào gần 1 triệu đồng/chậu nhưng đành chấp nhận bán lại với giá 600.000 đồng/chậu, chịu lỗ gần 400.000 đồng/chậu, chưa kể công cán và chi phí chăm sóc gần một năm qua. “Thời tiết lạnh, hoa nở không đúng dịp tết nên đành chịu ế, bây giờ ôm nợ” - ông Kha than thở.

Đau nhất là trường hợp của ông Cao Văn Thành, thương lái ở xã Vĩnh Thành. Trước tết, ông Thành gom góp vốn liếng và vay thêm để mua 100 gốc mai và “xí phần” ba lô mặt tiền tại chợ hoa Phú Mỹ Hưng để chuẩn bị bán tết. Đến cận ngày chở đi bán chỉ có 10 gốc mai bung nụ, ông Thành đành bỏ hai điểm bán, chấp nhận mất 24 triệu đồng tiền thuê điểm bán. Chưa hết, đến tận 30 tết ông Thành chỉ bán được bốn chậu mai, đành phải tốn thêm một khoản chi phí để chở số mai còn lại về. Tính ra, ông Thành lỗ hơn 100 triệu đồng. “Bây giờ mai mới nở đón xuân, còn tui từ ngày chở chúng về là hết thấy mùa xuân rồi” - ông Thành nói.

Tại làng hoa TP Sa Đéc (Đồng Tháp), nhiều hộ dân trồng hoa và kinh doanh hoa tết năm nay cũng đã khóc ròng vì không bán được hàng. Nhiều nhà vườn cho biết đây là năm thứ ba bị thất bát trong việc canh tác và kinh doanh hoa. Ông Hồ Minh Thu - một nông dân kỳ cựu trong nghề trồng hoa cúc mâm xôi ở phường Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc - cho biết ngoài chuyện bị ảnh hưởng của thời tiết thất thường, giá cả vật tư tăng, sức mua đối với các loại hoa truyền thống giảm mạnh khiến nhiều nhà vườn thất bại nặng.

Chuyển biến để tồn tại

Ông Lê Văn Cường, một hộ chuyên trồng hoa lẫn kinh doanh hoa, thừa nhận trong khi các loại hoa ngày càng đa dạng, các loại hoa truyền thống của Sa Đéc như cúc, vạn thọ, hồng... không còn là chọn lựa đầu tiên của người chơi hoa như trước. Do đó trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, người tiêu dùng thường đợi đến sát 30 tết mới mua. Nếu rẻ thì họ mua, còn đắt thì họ không chơi hay chuyển sang mua những loại hoa, cây cảnh khác.

Cũng theo ông Cường, một trong những nhược điểm của nghề trồng và kinh doanh hoa tết đã tồn tại nhiều năm qua là mạnh ai nấy trồng, mạnh ai nấy bán và giá cả phụ thuộc sức tiêu thụ của phiên chợ. Gặp khi chợ hút hàng, người kinh doanh đẩy giá lên cao tận trời xanh để kiếm lời, còn chợ nào ế thì bán rẻ như cho để thu hồi vốn nên khách hàng cũng có tâm lý chờ giờ cuối mới mua để có hàng giá rẻ. “Nếu tình trạng này cứ tiếp tục, người trồng cũng như kinh doanh hoa tết sẽ tiếp tục thất bại dài dài” - ông Cường nói.

Trong khi đó theo ông Đỗ Văn Thậm - trưởng Phòng kinh tế hạ tầng TP Sa Đéc, phần lớn hoa tết được nhà vườn và thương lái các nơi đua nhau đưa về các đô thị lớn để tiêu thụ, chuyện cung vượt cầu là khó tránh khỏi. Hơn nữa, khách tại các thị trường thành phố lớn thường chọn hoa đẹp. Với việc tình hình kinh tế khó khăn nên chỉ có một bộ phận nhỏ khách hàng chấp nhận móc hầu bao mua những chậu hoa đẹp, đắt tiền.

Sau nhiều vụ hoa tết thất bại, ông Thậm cho biết TP Sa Đéc đang vận động các hộ dân trồng hoa nhỏ lẻ, chất lượng hoa chưa cao chuyển sang trồng các loại hoa phục vụ công trình, nhà phố... vì có thể bán được quanh năm. Chỉ có những hộ dân có vốn, nhiều đất, có mối lái thì thành phố mới khuyến khích đẩy mạnh việc đầu tư trồng hoa bán tết. Bởi những người này có thông tin, có kỹ thuật và có thể liên kết lại để hình thành nên nhóm sản xuất cung ứng đủ lượng hoa cũng như đáp ứng đúng nhu cầu về mặt chất lượng của hoa cho thị trường.

NGỌC TÀI - THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên