Trả giá sau 26 nămKẻ giết mẹ không chút ăn nănHổ dữ còn không ăn thịt con
Vài phút trước, chồng chị vừa bị tòa án tuyên tử hình lần thứ hai.
Sáng 30-7 là lần thứ hai TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Bá Quỳnh (31 tuổi, ngụ tại huyện Thanh Oai). Trước đó, bản án sơ thẩm tuyên Nguyễn Bá Quỳnh lãnh án tử hình về hai tội giết người và cướp tài sản đã bị tòa phúc thẩm TAND tối cao hủy án, yêu cầu điều tra lại xem bị cáo có mắc bệnh tâm thần hay không. Trước đó nữa, Quỳnh đã có hai tiền án tiền sự về tội trộm cắp tài sản và cố ý gây thương tích. Bà Nguyễn Thị Lượng, mẹ bị cáo, bảo không nhớ Quỳnh đã ra tòa bao nhiêu lần. Bị cáo đứng trước vành móng ngựa, trước câu hỏi kèm tiếng thở dài của bà Lượng: “Còn hi vọng gì cho con tôi nữa không?”.
Vị chủ tọa nói với bị cáo: “Bị cáo ra tòa nhiều lần rồi. Đây cũng là phiên xét xử sơ thẩm lần thứ hai. Có gì thì bị cáo lần lượt khai hết ra đi. Bị cáo thua bài bạc rồi nợ nần thế nào, chuẩn bị kế hoạch cướp tiền thế nào?”.
Sau câu nói ấy của chủ tọa, bị cáo bắt đầu khai rõ ràng, rành mạch những việc đã xảy ra: thua nợ bài bạc nên nảy sinh ý định cướp tiền của ngân hàng. Ngày 11-11-2011, bị cáo ra chợ mua dao và các dụng cụ. Tối đến, bị cáo trèo tường vào Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thanh Oai rồi đâm chết bảo vệ ngân hàng bằng 12 nhát dao. Bị cáo phá cửa cuốn, cắt dây chuông báo động. Sau khi phá két sắt thấy không có tiền, bị cáo lấy chiếc xe máy và điện thoại của nạn nhân rồi bỏ trốn.
Khi bị cáo bình tĩnh khai lại những hành vi phạm tội, chị gái và vợ bị cáo ngồi sụt sùi khóc. Lúc nghị án, bị cáo quay xuống quát: “Đừng khóc”. Vợ vẫn khóc to hơn, bị cáo nói tiếp bằng giọng đanh thép: “Sau này dạy con, có thể đánh mất tất cả nhưng không được đánh mất lương tâm”.
Chị T., vợ bị cáo, là người xinh xắn, có việc làm ổn định ở trạm y tế xã. Họ cưới nhau năm 2005, năm 2006 có một đứa con trai. Hạnh phúc tưởng viên mãn. Nhưng rồi sống với nhau, chị phát hiện Quỳnh không bình thường. Nghe kể năm Quỳnh 16 tuổi thì bị người khác đánh dẫn đến chấn thương sọ não. Sau chấn thương ấy, Quỳnh có biểu hiện nóng nảy, đập cả bàn thờ, chất rơm đốt xe máy, nhảy từ bancông tầng 2 xuống, chấn thương cột sống... Bố đã chở Quỳnh ra bệnh viện thần kinh ở huyện Thường Tín nhưng rồi Quỳnh lại trốn về.
Có mất mát nào hơn của người con gái trẻ, lấy chồng bị thần kinh, tiền án tiền sự, không nghề nghiệp, bỏ nhà theo người phụ nữ khác, rồi giết người, bị kết án tử hình? Vậy mà chị vẫn không buông tay chồng. Vụ án xảy ra đến nay đã ba năm, chị vẫn ở với mẹ chồng, chăm con. Ở tòa, bà Lượng khóc bảo: “Nó có vợ đẹp con khôn mà không biết hưởng”. Nhiều người dự khán thấy chị ngồi khóc sụt sùi trên ghế thì thở dài: “Khổ thân con bé, xinh xắn thế mà lấy nhầm chồng rồi”.
Mong ước “con thoát án tử hình để nhà còn có bóng đàn ông” của bà Lượng không thành. Kết quả giám định mặc dù bị cáo bị bệnh tâm thần nhưng lúc phạm tội, bị cáo đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Tòa tuyên bị cáo án tử hình cho cả hai tội. Bị cáo được dẫn đi nhanh, từ phòng xử ở tầng 3 xuống tầng 1 nơi xe tù đang đợi. Bà Lượng nhanh chân chạy theo con, dặn với: “Con nhớ kháng cáo, nhớ làm đơn xin ân giảm án tử hình nghe không”. Bị cáo gật đầu. Khi xe tù vừa rời đi, mọi người mới phát hiện vợ bị cáo theo không kịp chồng, đã ngã gục trên cầu thang tầng 1.
Bệnh viện đối diện TAND TP Hà Nội. Xe máy chở chị đi cấp cứu trước, mẹ chồng và anh em hộc tốc chạy theo sau. Chị nằm trong phòng cấp cứu, cả cơ thể rũ rượi. Bà Lượng, con dâu, con rể của bà đứng mỗi người một góc ngoài hành lang. Bệnh viện ồn ào, riêng họ lặng lẽ, không ai nói với ai câu nào.
Bác sĩ bảo chị xúc động quá, bị tụt canxi, cho truyền nước và theo dõi, nếu ổn định thì tối được về. Chị đã tỉnh, nằm khóc trên giường bệnh. Khóc chồng và khóc cho cuộc đời dở dang của mình. Chị nói với con trai bố đi làm ăn xa nhưng thỉnh thoảng con đi học về lại bảo với chị: “Mẹ nói dối con, các bạn con nói bố đi tù rồi”. Sáng nay khi chị ra khỏi nhà, đứa con trai còn nhắc mẹ đã nghỉ hè rồi, mẹ đưa con đi tìm bố. Nằm trên giường bệnh, chị bảo: “Không biết sẽ phải trả lời con sao đây?”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận