29/06/2012 03:04 GMT+7

Khoảng trời chim bay

NGÔ KHẮC TÀI (An Giang)
NGÔ KHẮC TÀI (An Giang)

AT - 1. Bầy chim sẻ như cũng đến trường để học, chúng đậu trên mái ngói kêu ríu rít. Nhiều lúc tiếng chim làm cho lớp học mất tập trung. Nhưng đôi khi vắng chúng - chắc chúng bay đi kiếm ăn đâu đó - bỗng nhiên tôi cũng thấy buồn vu vơ và nhớ lại mọi cái tưởng là đã qua, tưởng trở thành hoài niệm.

jFEwniyb.jpgPhóng to

Minh họa: Nguyễn Thanh

Đã hai năm thằng Hùng đột ngột bỏ học theo gia đình về quê. Trước khi đi thằng Hùng truyền nghề thổi harmonica lại cho tôi. Ban đầu tôi cứ ngỡ, hễ mất đi một người lập tức có người khác thay thế. Cứ mỗi giờ ra chơi tôi rút cây kèn trong túi quần. Nhưng cũng mấy nốt nhạc, qua mỗi người nó lại mang một bản sắc riêng. Tôi không thể khuấy động bạn bè giống kiểu thằng Hùng. Tìm đâu ra một tên vui nhộn vừa thổi kèn vừa nhún nhảy làm trò khỉ vui nhộn.

Trước kia nhóm bạn có mười mấy người, dần dần một số tách ra tìm đến nhóm khác phù hợp với sở thích. Còn lại tôi, Hùng, Hải, Hoàng, Sứ, Nga. Điều này nói lên con người có những chuyện ngoài ý muốn, sau đó mọi chuyện là do sự chọn lựa ý thức. Hai cô gái, ba đứa con trai không chịu thua ai trong lĩnh vực nghịch ngợm. Bày đủ trò, giấu giày dép, dán giấy sau lưng. Giờ ra chơi còn hợp tác xì bánh xe bạn bè. Bác Tư lao công là một người câm. Miệng bác Tư lầm bầm đưa tay chỉ lên trời. Thằng Hải phiên dịch “Trời đánh tụi bây đi”. Tôi cho không phải, mà bác Tư muốn nói “nhứt quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” vì bác không biết diễn tả ma quỷ ra sao, đưa tay chỉ trời thành ra “nhất ông trời nhì tụi bây”. Sở dĩ tôi đoán mò câu ấy, vì biết người lúc nào cũng thương trẻ con. Lúc nào lớn hãy hay, mãi mãi tôi muốn ở cái tuổi mười bảy như thế này.

2. Ba tôi là cán bộ chiều con. Thỉnh thoảng ba kêu tài xế cơ quan lấy xe hơi đưa cả bọn ra chơi ngoại ô. Có lẽ do thế, tôi rất thoải mái khi đến nhà các bạn. Nhà của Hải là xưởng mộc, bác Năm giữ gìn đồ nghề rất cẩn thận. Vậy mà bác độ lượng để cho tôi lấy cưa bào ra làm đủ trò. Ba má của Sứ là giáo viên, phía sau nhà có mảnh vườn nhỏ trồng ít cây ăn trái.

Tại đây, chúng tôi ăn hết ổi chín đến ổi xanh. Không còn gì bỏ miệng, cả bọn ngồi dưới vòm lá xanh chuyện trò, nối kết những ước mơ. Mỗi đứa sẽ phát minh ra cái gì giúp ích nhân loại đây? Thằng Hùng nói sẽ chế tạo ra chiếc xe vạn năng, lội dưới nước, bay lên trời cũng được. Sáng kiến được xem như chậm vì nghe đâu thế giới đã có xe đó: Nga nghĩ mình sẽ giúp mọi người vui vẻ với loại thuốc trị đủ bệnh. Thằng Hải thêm, uống viên thuốc sẽ hóa thành người tàng hình. Cả bọn nhao nhao lên “tàng hình nhằm mục đích gì? Rình con gái tắm chăng hay vô siêu thị ăn cắp hàng”. Chưa gì đã thấy đầu óc đen tối nên sáng kiến bị bác bỏ. Qua các sáng kiến, rõ ràng ngày nay người ta nói khuynh hướng vạn năng. Tôi chưa có ý định, nhưng nghĩ mình cũng phải làm một cái gì đó, cần suy nghĩ cho sâu. Tình cờ thằng Hải lượm dưới đất một miếng sắt gỉ.

- Sắt gỉ thành gì hé tụi bây? - Hải hỏi.

- Thành đất chớ thành gì?

Chợt tôi đứng bật dậy:

- Tại sao không lấy đất chế ra sắt?

Cả bọn đồng reo lên “ừ hé”. Và tất cả phấn khích bởi một viễn cảnh. Chúng tôi là nhóm kỹ sư hợp tác với Nhà nước. Phải giữ bí mật công nghệ này không cho các nước tư bản hay, nhất là nước Mỹ.

- Xin chào các nhà phát minh! - Bất ngờ ba của Sứ đã đứng phía sau từ lúc nào. Thầy tủm tỉm cười.

- Xin chào các nhà phát minh. Sắt trở thành đất, nhưng bắt đất hóa thành sắt là đã chạm tới biên giới tưởng tượng.

Cả bọn đang phấn khởi tự nhiên đâm ra cụt hứng. Nhưng rồi tôi nghĩ thầy giáo ba của Sứ, nói chung người lớn, vốn thận trọng. Một khát vọng lớn và tốt cỡ đó tại sao lại đặt ra biên giới tuởng tượng.

Từ lớp mười một, khi đứng trước bài văn, bài toán, tôi cảm thấy hứng thú hai lần. Một lần khi mới bắt tay vào việc, một lần làm xong khi bước qua bài mới. Tôi thấy mình cũng khác xưa, ngay những trò nghịch ngợm ở lớp, không còn đơn thuần là trò đùa, mà qua đó còn phải chứng minh bản lĩnh của mình. Ai tỏ ra yếu đuối nhút nhát sẽ tự làm trò cười, cả lớp sẽ bu lại chọc phá. Một lần, một tên nào đó lén bỏ bức thư viết tầm bậy vô cặp của Sứ. Tôi xúi Sứ cầm lá thư lên méc cô chủ nhiệm, nhưng Sứ thản nhiên xé vụn lá thư ra hành lang thả bay như bươm bướm. Có cô cả gan lấy kẹo chewing gum dán lên mặt ghế thầy giáo. Thầy nghiêm nghị đưa mắt nhìn cả lớp suốt năm phút.

Sau đó thầy đứng giảng bài mà không ngồi. Như vậy thầy đã biết và làm cho lớp có cảm giác xấu hổ. Qua đó tôi học được tính cẩn thận, đồng thời cũng học được bản lĩnh cuộc sống. Nếu như thầy giáo phạt chúng tôi, ngày hôm sau thế nào cũng có đứa nghĩ ra trò nghịch ngợm mới để trêu thầy. Thỉnh thoảng một đứa ở chung khu phố cũng con của cán bộ, nó làm những việc cho cả lớp chú ý. Thí dụ có lần nó khoe cây viết có hình người đàn bà, lúc viết chị ta cởi truồng trơ trẽn. Cây viết của thiên hạ đi nước ngoài tặng cho ba nó. Nhưng với tôi, những cái đó không phải là trò chơi.

3. Tôi biết mình là đứa sung sướng, trong khi đó Nga, để có tiền học thêm, mỗi chiều Nga tới cửa hàng lãnh khăn xuất khẩu về thêu. Hải cũng vừa học vừa phụ giúp gia đình, nó học khá mà cũng biết đóng được những bộ bàn ghế xinh xắn. Trước đây tôi chưa có suy nghĩ, mình làm gì ra tiền để sống, những hình ảnh xung quanh tự nhiên cho tôi phải suy nghĩ. Tình cờ tôi gặp lại thằng Hùng quá bất ngờ. Ở bến xe Cần Thơ, thằng Hùng làm nghề bán thuốc Sơn đông, vừa thổi kèn vừa ăn chuối vừa uống nước. Nó còn tập thêm trò mới nhào lộn. Mồ hôi Hùng đổ ra thấm ướt manh áo khỉ. Trong quán cà phê tôi định đãi nó tô hủ tiếu nhưng Hùng đưa tay ngăn lại “chủ quán cho tôi xương súp, xị rượu thuốc”. Tôi trố mắt nhìn bạn cầm ly đánh “trót” một tiếng rất điệu nghệ.

- Lâu lắm tụi mình mới gặp nhau, mày biết uống rượu chưa? Đàn ông con trai không biết uống rượu yếu đuối lắm. Thằng Hùng ngày nay tỏ ra anh chị, điệu nghệ, hoàn toàn khác với thằng Hùng ngày xưa.

- Thứ thiệt hay giả mà quảng cáo? - Tôi tò mò

- Thời này quảng cáo làm ra giá trị hàng hóa. Thiệt giả không thành chuyện.

- Sao không kiếm nghề khác đi, ai đi làm cái trò khỉ giữa chợ.

Hùng đưa mắt buồn buồn nhìn tôi không trả lời. Tôi biết mình đã lỡ lời và bỗng nhiên tôi đâm ra buồn theo. Tôi chia sẻ được gì với thằng Hùng bây giờ, tự nhiên mỗi đứa là một hoàn cảnh. Trường đời cũng là trường học nhưng mà có gì đó chua xót làm sao.

4. Tôi vẫn chưa nghĩ lớn lên tôi sẽ theo nghề nghiệp gì nhưng tôi biết chắc con đường mình đi thẳng tắp. Anh Hai tôi, chỉ cần ba nhắc ống điện thoại, sau đó anh được đi du học. Theo ý của ba, anh Ba sẽ trở thành kỹ sư điện tử. Ba tôi đúng là khôi hài vì tính tình của anh Ba đúng là có đầu óc điện tử chi li. Có bao nhiêu tiền anh xếp phẳng phiu giấu đâu đó rồi mượn tiền tôi không chịu trả. Tôi chưa biết ba sẽ cho tôi theo nghề gì, riêng ao ước thầm kín có lẽ sau này mình viết văn. Bằng chứng là tôi có cuốn nhật ký ghi chép đều đặn những điều mắt thấy tai nghe. Anh Ba tuy là anh em nhưng lại khác tôi trong việc chọn bạn. Đứa nào ba má không có chức vụ hoặc làm gì đó đừng mong làm bạn với anh. Tôi tâm cảm anh khó trở nên người tốt. Tôi nói điều này với bác Văn - cán bộ về hưu ở căn hộ số hai mươi tám.

- Tâm của cháu tốt, nhưng chẳng phải hoàn toàn như vậy đâu. Theo thời gian rồi con người sẽ thay đổi.

Tôi nhìn bác Năm cụt hứng, sự thận trọng của bác giống như sự thận trọng của thầy giáo, ba của Sứ. Phải chăng người lớn khác với trẻ nhỏ, tôi nghĩ vậy nhưng sau đó nghe bác nói tiếp.

- Người tốt bao giờ cũng lo cho mọi người, ngay cả lo cho kẻ xấu.

- Còn kẻ xấu?

- Ngược lại.

Bác nói điều này tôi chưa có kinh nghiệm nhưng tôi nghĩ có lẽ vậy. Chẳng phải tự nhiên tôi thương bác Văn, tìm đến chuyện trò. Trong con mắt tôi, bác Văn là người hiền lành. Trong khu phố có nhà khách khứa tới kiếm liên tục, tiếng nói tiếng cười giòn tan. Nhà bác Văn vắng hoe.

- Cái gì rồi cũng qua thôi cháu Thuần. Tương lai thuộc về lớp trẻ, cuộc đời vốn vậy, đừng quá chú ý mà xao lãng việc học.

- Đến số xe mà thiên hạ còn lo cho được cái biển số chín nút. Còn nhà bác, số hai tám cộng lại ra bù.

- Nhờ cháu, bác mới biết tư tưởng cờ bạc chi phối cuộc sống như thế.

Bác Văn trố mắt nhìn và cười phá ra. Tôi kính trọng bác Văn, bác đã dạy cho tôi nhiều điều hay. Nhưng mà cái hiền của bác có giá trị gì trong đời sống? Đấy mới là điều tôi thắc mắc.

5. Qua lớp mười hai, tức là năm học bản lề mở cánh cửa vào đời với các kỳ thi. Tôi tự tin vào khả năng của mình. Bất ngờ giữa lúc ấy, thay vì được sự động viên của mọi người xung quanh, trái lại tôi cảm thấy trơ trọi hoang mang, bỗng dưng tôi lại được mọi người chú ý. Mở đầu là thầy dạy toán. Thầy thuộc số thầy cô tôi mến phục, vậy mà thầy có thái độ khó hiểu, lúc trả bài kiểm tra thầy hỏi: bài của tôi hay là chép của ai. Như chưa tin, thầy kêu tôi lên bảng giải lại bài toán. Thầy còn cố tình trêu chọc: “Em thuộc về loại cần chiếu cố”.

Tôi nghĩ ngợi nhiều vì thái độ ấy, ngầm xem nó mang ý nghĩa gì? Đến lượt bạn bè, một hôm cả bọn xuống căngtin uống nước, thằng Sinh oang oang đưa tay ngăn chị bán hàng: “Thằng này được ưu tiên cho uống trước”. Tôi vẫn chưa hiểu, ít ngày sau trong giờ ra chơi, học sinh đổ xuống nhà vệ sinh hôi hám, tới lượt thằng Hải bô bô lên khiến mọi người ngoái cổ nhìn: “Ê tụi bây tránh ra, cho thằng này đái trước ưu tiên”. Lần này tôi vụt hiểu. Hóa ra những thằng bạn muốn ám chỉ kỳ thi sắp tới có mấy diện được tính điểm chính sách ưu tiên. Chưa bước vào kỳ thi mà tranh đua như vậy sao. Thỉnh thoảng tôi còn bị những đứa ở tổ khác nói, vừa chơi vừa thật: “Ê Thuần, học làm gì cho mất công, mày thi rớt, thi đậu gì ba mày cũng lo”. Tự nhiên tôi và bạn bè có một khoảng cách mà lỗi không phải do tôi, cũng không phải do bạn bè.

6. Tôi là đưa hiếu động, ít khi nào chịu ngồi yên, nhưng thỉnh thoảng lại có những giây phút ngồi lặng lẽ. Cái kiểu ngồi thủ thế đó đã đánh lừa được nhiều người. Thằng Hải, thằng Sinh có vẻ ngán, chờ đợi tôi sắp sửa bày trò gì. Còn bác Văn kêu lên: “Cháu Thuần có máu lãng mạn, khổ rồi!”. Thật ra vào những lúc rơi vào trạng thái lặng lẽ ấy, đầu óc tôi chẳng nghĩ ngợi gì. Lần này bác nói đúng.

Gần tới kỳ thi bỗng tôi nhớ tới trò chơi hồi nhỏ, chim bay, cò bay. Từng đàn chim tung cánh bay trên bầu trời xanh. Tôi đang mơ thành chim bay. Ban ngày giấc mơ vẫn theo đuổi tôi. Trên nền trời xanh có lúc tôi là chim bay theo đàn. Có khi tôi thấy mình lái một chiếc thuyền buồm rẽ sóng trên mặt đại dương. Giữa trời nước chơi vơi bỗng đợt sóng dâng cao, một mình tôi kìm tay lái. Cảm giác vừa hồi hộp vừa kích thích. Tôi tự hỏi có phải đây là cảm giác lãng mạn? Nếu đúng nó thì sao bác Văn kêu là khổ? Hay tôi là một đứa trẻ yếu đuối nên không được quyền này chăng? Tôi cũng sẽ đi bằng đôi chân, tôi không còn nhỏ trong vòng tay ấm áp dịu dàng của cha mẹ nữa. Nhưng tôi chứng tỏ mình đã lớn bằng cách nào …

nvfjuyts.jpgPhóng toÁo Trắngsố 11 ra ngày 15/06/2012hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NGÔ KHẮC TÀI (An Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên