17/09/2013 05:59 GMT+7

Khoa học nhân văn có còn quan trọng?

LÊ MINH TIẾN (ĐH Mở TP.HCM)
LÊ MINH TIẾN (ĐH Mở TP.HCM)

TT - Lâu nay tại nước ta, nhóm ngành khoa học xã hội - nhân văn (XHNV) gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng người học. Nhiều năm liền tỉ lệ thí sinh chọn học những ngành này luôn đứng cuối bảng.

Tình hình ngành XHNV trên thế giới cũng tương tự, nhất là khi xảy ra khủng hoảng kinh tế vào năm 2007. Liệu các ngành XHNV chẳng có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia?

Theo học những ngành thuộc nhóm XHNV sẽ khó có cơ hội tìm kiếm việc làm do biên độ ứng dụng thấp? Những câu trả lời cho các loại câu hỏi kiểu như vậy thường được trả lời một cách võ đoán, mang tính suy luận nhiều hơn là dựa vào những bằng chứng thực nghiệm.

Luôn cần thiết cho kinh tế

Mới đây, những câu hỏi kiểu như vậy vừa được nhóm giáo sư Trường đại học Oxford thuộc Vương quốc Anh, một trong những trường hàng đầu thế giới về khoa học XHNV, do tiến sĩ Philip Kreager đứng đầu đã trả lời thông qua một nghiên cứu thực nghiệm đồ sộ mang tên “Khoa học nhân văn và nền kinh tế Anh: những tác động ẩn ngầm” (Humanities graduates and the British economy: The hidden impact) được công bố vào tháng 7-2013.

Cuộc nghiên cứu này được thực hiện trên một mẫu gồm 11.000 người tốt nghiệp khối ngành khoa học XHNV tại Oxford từ năm 1960-1989 thuộc các ngành triết học, lịch sử, văn chương, ngôn ngữ cổ và ngôn ngữ hiện đại.

Bên cạnh dữ liệu định lượng, các nhà nghiên cứu còn tiến hành hàng chục cuộc phỏng vấn sâu để tìm hiểu “con đường nghề nghiệp” của những cựu cử nhân nhóm ngành nhân văn tốt nghiệp từ trường đại học này.

Dưới đây là kết quả khảo sát thực nghiệm các lĩnh vực nghề nghiệp của những người tốt nghiệp khối ngành nhân văn:

Như vậy qua kết quả khảo sát, chúng ta thấy có gần 80% số người tốt nghiệp nhóm ngành nhân văn làm việc trong các lĩnh vực nghề nghiệp: giáo dục, truyền thông, luật, tài chính và quản trị.

Đây là những lĩnh vực nghề nghiệp rất quan trọng trong nền kinh tế và tỉ lệ tham gia của những người tốt nghiệp khối ngành nhân văn như vậy cho thấy sự đóng góp của nhóm ngành này đối với nền kinh tế quốc gia quan trọng như thế nào.

Và điều đó cũng cho thấy trong nền kinh tế mang đầy tính cạnh tranh như hiện nay, học ngành nhân văn không phải là một bất lợi bởi tư duy phê phán, khả năng ngôn ngữ, kỹ năng truyền thông vốn là thế mạnh của những người học ngành XHNV sẽ luôn cần thiết trong hoạt động kinh tế.

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Lĩnh vực nghề nghiệp

Tỉ lệ %

Giáo dục

25,8

Dân chính

5,8

Tài chính

10,4

Luật

11,3

Truyền thông/văn chương/nghệ thuật

11,4

Quản trị

19,8

Marketing

2,3

Y học

1,7

An sinh XH/từ thiện

5,2

Khác

6,4

Nguy cơ chính là thái độ học tập

Theo ông David Willets - phụ trách lĩnh vực đại học thuộc chính phủ của Thủ tướng Cameron, có khoảng 34% lãnh đạo 100 doanh nghiệp lớn nhất của Anh tốt nghiệp ngành văn chương hoặc nghệ thuật.

Ông cũng có nhận định rất xác đáng khi cho rằng với những thách thức hết sức phức tạp của thời đại như biến đổi khí hậu, khủng bố, già hóa dân số thì chúng ta sẽ không thể giải quyết được nếu chỉ dựa vào một ngành khoa học nào đó mà phải cần kiến thức của nhiều ngành khoa học khác nhau.

Chúng ta không thể chỉ tìm hiểu về ôtô điện mà còn phải tìm hiểu xem điều gì thôi thúc con người chọn hay không chọn mua ôtô điện nữa. Nói chung, bất kể cái gì có liên quan đến hành vi của con người thì cần phải có tri thức về khoa học XHNV.

Những kết quả nghiên cứu trên cho thấy việc theo đuổi những ngành khoa học XHNV không phải là một nguy cơ nhưng điều phải được xem là nguy cơ đó là thái độ học tập: nếu người ta chịu học đàng hoàng thì không có ngành nào là yếu thế cả, còn ngược lại, học hành làng nhàng và không nghiêm túc thì dù học ngành nào cũng sẽ khó có thể tham gia được vào nền kinh tế của quốc gia.

LÊ MINH TIẾN (ĐH Mở TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên