Tú Chinh rạng rỡ với tấm HCV chạy 200m. Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Khi Lê Tú Chinh thi đấu ổn định để giành HCV 100m nữ trong tối 22-8, cánh truyền thông chúng tôi chưa muốn phỏng vấn, viết thật nhiều về cô, theo đúng ý nguyện của Tú Chinh cũng như ban huấn luyện. Bởi lẽ, đường đua 200m vẫn còn đó. Trong điền kinh, cần có đủ bộ HCV 100m và 200m để trở thành “ông vua” hoặc “nữ hoàng tốc độ”.
Hai đêm khó quên của Tú Chinh
Đã 4 năm kể từ ngày Vũ Thị Hương giành cú đúp ấy ở SEA Games 2013, ngôi vị “nữ hoàng tốc độ” của khu vực vô chủ, vì có 2 VĐV khác nhau chiến thắng nội dung 100m và 200m tại SEA Games 2015.
Nói vậy để hiểu hết những kỳ vọng cũng như áp lực mà Lê Tú Chinh khoác lên người thời gian qua. Nhưng cự ly tốc độ “nóng bỏng” đến mức dù Chinh chỉ mới là một VĐV trẻ, vừa tiến bộ thần tốc trong vòng hơn một năm qua, cô vẫn được nhắc đến rất nhiều trên các trang báo. Bạn đọc Tuổi Trẻ hẳn còn nhớ câu chuyện về cô bé con nhà nghèo ở Q.8, mồ côi mẹ từ nhỏ rồi được HLV Thanh Hương dẫn dắt vào nghiệp điền kinh.
Cũng như Ánh Viên của bơi lội, Tú Chinh là một biểu tượng cho sức trẻ, cho sự vượt khó vươn lên trên con đường điền kinh.
Đối mặt với sức ép khủng khiếp ấy, Chinh phải làm gì? Ngoài vùi đầu tập, tập và tập, cô gái 20 tuổi tiết lộ “bí quyết” tránh áp lực của cô trước giải - khóa Facebook, chẳng cần đến ai nhắc nhở. Đêm đăng quang 200m nữ, Tú Chinh ngoài vẻ xúc động cũng pha chút hóm hỉnh khi vui vẻ nói tối nay (23-8) cô... mở lại tài khoản Facebook.
Khi chúng tôi hỏi Tú Chinh về biệt danh “nữ hoàng tốc độ” mà cô vừa chính thức được thừa nhận, cô gái 20 tuổi lắc đầu quầy quậy. “Tôi nghĩ mình chưa xứng đáng với tên gọi đó. Đó là vinh dự của chị Vũ Thị Hương, chị ấy mới là người xứng đáng hơn. Tôi vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều nữa”, Chinh nói.
Đêm thi 100m, Chinh chạy thua thành tích tốt nhất trước đó của mình khá nhiều (nhưng vẫn vô địch). Đến đêm hôm qua, Chinh lấy lại phong độ tốt nhất và đạt thành tích 23,32 giây, sát sao so với kỷ lục 23,30 giây của Supavadee Khawpeag (Thái Lan).
Nhưng ở tuổi 20, cô gái này hứa hẹn sẽ còn tiến rất xa nữa.
Vũ Thị Ly trở lại từ doping
Bên cạnh chiến tích của Tú Chinh, Vũ Thị Ly cũng là một cô gái xứng đáng được nhắc nhiều trong đêm qua với tấm HCV 800m. Đây là nội dung mà Đỗ Thị Thảo đã thống trị 2 kỳ SEA Games trước. Ly chỉ trở thành niềm hi vọng số một của VN sau khi Thảo giải nghệ vì lập gia đình. Chặng đường của Ly không chỉ có vậy. Ở Đại hội thể thao bãi biển châu Á cách đây 1 năm, Ly bất ngờ bị phát hiện dương tính với doping, do cô sử dụng đơn thuốc tây trị cảm sốt trước giải do chính bác sĩ của đoàn VN kê.
Sau đó, Ly bị cấm thi đấu vỏn vẹn... 1 tháng vì Liên đoàn Điền kinh quốc tế (IAAF) xét thấy VĐV không có lỗi và đã kê khai trung thực chuyện này. Thật may, nếu không án cấm đúng mức dành cho việc sử dụng doping đã ảnh hưởng nặng đến kỳ vọng vàng SEA Games của VN.
Ngày đại thành công của thể dục dụng cụ Ngày thi đấu 23-8 ghi nhận dấu ấn của đội thể dục dụng cụ nam VN, khi Lê Thanh Tùng mang về 2 tấm HCV nội dung nhảy chống và xà đơn, còn Đinh Phương Thành cũng giành HCV xà kép. Thành tích này đã chốt lại một kỳ SEA Games 2017 cực kỳ thành công với đội thể dục dụng cụ nam VN khi giành tổng cộng 5 HCV. Ngoài những tấm HCV trên, đoàn thể thao VN còn giành thêm 7 HCV khác trong ngày thi đấu 23-8 do công của các VĐV: Nguyễn Thị Thật (đua xe đạp), Hà Minh Thành (bắn súng), Nguyễn Tiến Nhật (đấu kiếm 3 cạnh), Vũ Thị Mến (nhảy xa 3 bước), Hồ Thị Thu Hiền (karate), Nguyễn Minh Phụng (karate), Dương Văn Thái (điền kinh). Tổng cộng thể thao VN đã đoạt 12 HCV trong ngày thi đấu 23-8. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận