Lớp giỏi nhất học riêng với nhau được xem là “mũi nhọn” - niềm tự hào của nhà trường. Sau đó sẽ đến những lớp khá - giỏi, rồi trung bình - khá, yếu - trung bình. Và cô tôi được giao chủ nhiệm lớp yếu nhất với nhiệm vụ: không để học sinh bị rớt tốt nghiệp.
Cô bảo tâm lý giáo viên ai mà chẳng thích dạy lớp giỏi, bởi các em tiếp thu bài nhanh, chăm chỉ, ý thức học tập cao, đa số là con em gia đình đàng hoàng, phụ huynh có quan tâm đến việc học hành của con cái... Dạy ở những lớp này vừa khỏe người mà vừa được “tiếng”: khả năng đậu tốt nghiệp THPT, đậu ĐH nằm trong tầm tay học sinh.
Trong khi đó, “lớp lựa” (tên gọi dành cho lớp yếu) do lực học yếu, các em đa số bị mất căn bản kiến thức ở các lớp dưới nên dạy rất mệt. Đã vậy, ở những lớp mà 100% là học sinh trung bình - yếu thì không chỉ giáo viên bộ môn mà công tác chủ nhiệm cũng rất vất vả. “Ngoài tình trạng thiếu ý thức tự giác, ý thức học tập thì nỗi khổ của giáo viên “lớp lựa” là rất nhiều em thuộc diện “hoàn cảnh”: có em thì cha mẹ ly hôn, ở với ông bà, không nhận được sự quan tâm, dạy bảo đúng mực; có em bị mẹ kế bạo hành tinh thần; có em gia cảnh khó khăn phải vừa đi học, vừa kiếm sống...” - cô kể.
Cô cũng thừa nhận: công tác chủ nhiệm không hề đơn giản, nhưng đã gần 20 năm làm giáo viên chủ nhiệm, chưa năm nào cô bị áp lực như bây giờ. Nếu như trước kia, trong một lớp có nhiều thành phần học sinh: giỏi, dở, mỗi lớp như thế chỉ 1-2 em thuộc diện học sinh cá biệt. Còn năm nay học sinh cá biệt của cả khối 12 tập trung vào... lớp của cô, gần như em nào cũng cần sự quan tâm đặc biệt của giáo viên, cần nhiều cuộc nói chuyện riêng, khuyên răn và cả... năn nỉ.
“Trong một tập thể cần có những người giỏi để người dở lấy đó làm tấm gương học tập, phấn đấu noi theo. Môi trường xã hội cũng như môi trường giáo dục, cần sự phong phú, đa dạng để người này học người kia. Còn bây giờ tập thể là những học sinh làng nhàng như nhau nên hình như các em không có động lực phấn đấu. Các em an phận và cô có cảm giác các em không hề thấy mắc cỡ với biệt danh “học sinh yếu” hay “học sinh cá biệt”. Bản thân giáo viên khi vào dạy lớp này cũng không hào hứng như dạy các lớp khác, vì đặt câu hỏi nào cả lớp cũng... ngồi im” - giọng cô buồn buồn. Thế nên đến mùa thi, cô giáo cũ của tôi miệt mài và quay cuồng với lịch dò bài cho học sinh từ 14g-20g mỗi ngày...
“Cái được nhất của mô hình “lớp lựa” là rất ít học sinh bị rớt tốt nghiệp. Nhưng về mặt giáo dục con người thì cần xem lại” - cô đúc kết. Vậy mà tại các thành phố lớn rất nhiều trường đang thực hiện mô hình này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận