19/02/2012 07:42 GMT+7

Khó thực hiện được mục tiêu

KHƯƠNG XUÂN  ghi
KHƯƠNG XUÂN  ghi

TT - Hầu hết chuyên gia lão làng đều cho rằng bóng đá VN rất khó thực hiện các mục tiêu trong dự thảo chiến lược mà Tổng cục TDTT và Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đang xây dựng.

TT - Hầu hết chuyên gia lão làng đều cho rằng bóng đá VN rất khó thực hiện các mục tiêu trong dự thảo chiến lược mà Tổng cục TDTT và Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đang xây dựng.

Nguyên nhân dẫn đến đánh giá này xuất phát từ thực trạng đang sa sút của bóng đá VN. Trong khi đó, bộ máy điều hành là VFF hiện nay được các chuyên gia cho rằng còn yếu kém.

* Ông Ngô Tử Hà (nguyên phó chủ tịch VFF):

Việc này lẽ ra được làm sớm hơn

Từ nhiệm kỳ thứ nhất năm 1989 đã có các chiến lược, từ đó đến nay rất nhiều chiến lược phát triển bóng đá ra đời nhưng không thực hiện được. Nếu những mục tiêu trong các chiến lược từ năm 1989 được thực hiện thì đến nay bóng đá VN đã có thứ hạng thế giới chứ không phải tìm cách để vượt “ao làng” Đông Nam Á như bây giờ.

Mục tiêu của đội tuyển bóng đá nam từ nay đến năm 2020 phải có 2-3 lần vô địch Đông Nam Á và đứng trong top 15 châu Á, nhưng nay đã là năm 2012 mà dự thảo vẫn còn đang tổ chức hội thảo để xin ý kiến thì không biết đến bao giờ mới được thực hiện.

Thời gian qua, vai trò quản lý nhà nước trong bóng đá bị buông lỏng. Lẽ ra Tổng cục TDTT phải sâu sát hơn để tham mưu cho bộ trưởng thực tại của bóng đá VN hiện nay. Thế nhưng cả Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT&DL đều im lặng quá lâu, thậm chí né tránh trước các vấn đề của bóng đá. Với trình độ quản lý yếu kém của VFF hiện nay thì khó lòng thực hiện được mục tiêu trong chiến lược.

* GS Dương Nghiệp Chí (nguyên viện trưởng Viện Khoa học TDTT):

Giữ bóng đá VN không thụt lùi đã là khó

Tôi có ba kiến nghị để hoàn thiện chiến lược:

1. Muốn thực hiện chiến lược, điều rất quan trọng là chú trọng công tác quản lý bóng đá, siết chặt kỷ cương trong quản lý bóng đá. Việc quản lý bóng đá hiện nay đang rất lỏng lẻo, thậm chí người ta không biết lúc này VFF hay VPF đứng ra quản lý bóng đá VN. Không biết ai đứng ra quản lý bóng đá VN thì làm sao thực hiện được chiến lược. Việc các tổ chức, cơ quan quản lý bóng đá mâu thuẫn, phơi bày cái xấu của nhau ra thì rất khó để giữ bóng đá không thụt lùi chứ chưa nói đến phát triển.

2. Phổ cập bóng đá trong trường tiểu học và trung học cơ sở, góp phần nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt, tạo sân chơi cho trẻ em trong và ngoài trường học.

3. Xã hội hóa thể thao và bóng đá nói riêng phải kết hợp với kinh doanh dịch vụ bóng đá. VPF thời gian qua có những ý kiến đúng về kinh doanh dịch vụ bóng đá và phải tạo điều kiện cho VPF, các CLB kinh doanh bóng đá để kiếm ra tiền. Bóng đá chuyên nghiệp có hai mục tiêu: trình độ phát triển bóng đá cao và kinh doanh bóng đá phải có lãi. Nếu không đạt được hai mục tiêu này thì không gọi là bóng đá chuyên nghiệp. Hiện nay nhà quản lý bóng đá không hiểu về kinh doanh, nhà kinh doanh thì nhảy vào làm bóng đá khiến nảy sinh mâu thuẫn, tranh giành quyền lợi và kìm hãm sự phát triển lẫn nhau, gây bất lợi cho sự phát triển của bóng đá VN.

* Ông Trần Bảy (nguyên tổng thư ký VFF): 

Mục tiêu ảo tưởng

Muốn có thứ hạng ở châu lục và thế giới phải có nền tảng để phát triển bóng đá VN. Tôi cho rằng mục tiêu của chiến lược đề ra là ảo tưởng đối với bóng đá VN vì thiếu cơ sở khoa học và thực tế hiện nay của bóng đá VN. CLB bóng đá chuyên nghiệp phải được chuẩn hóa thành một CLB nhà nghề thì mới là nền tảng xây dựng đội tuyển quốc gia.

11 năm qua, chúng ta làm bóng đá chuyên nghiệp nhưng mới chỉ căng biển quảng cáo, còn thực tế chưa có gì. Nếu làm ăn bài bản thì 11 năm qua bóng đá VN đã không bết bát như hôm nay. Đông Nam Á trên bản đồ bóng đá thế giới là khu vực lạc hậu, vì vậy để ngoi lên thứ hạng ở châu Á với bóng đá VN còn xa lắm. Với cách điều hành yếu kém của VFF hiện nay, khó lòng làm cho bóng đá VN phát triển được.

* Ông Lê Thế Thọ (nguyên phó chủ tịch VFF):

Chiến lược đề ra nhưng không biết ai thực hiện

Một chiến lược phát triển bóng đá nhưng phần quan trọng nhất là quan điểm về công tác đào tạo bóng đá trẻ - tương lai của bóng đá VN - thế nào thì không đả động gì đến. Do vậy cần phải làm sâu và làm rõ vai trò của đào tạo trẻ. Chiến lược đề ra nhưng khi đọc chúng tôi không biết ai sẽ thực hiện chiến lược này. Các anh cứ đề ra mục tiêu cao vút nhưng nếu không thực hiện được thì có ai bị cách chức không? Khi mục tiêu không hoàn thành, các vị nghỉ hưu hết rồi thì ai chịu trách nhiệm?

Mục tiêu 2010-2020: bóng đá nam trong tốp 15 châu Á, bóng đá nữ trong tốp 6-7 châu Á

Ông Phạm Văn Tuấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết tổng cục và VFF là hai đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện dự thảo chiến lược này (nằm trong kế hoạch tổng thể chiến lược phát triển TDTT được Chính phủ thông qua ngày 3-12-2010).

Tổng cục và VFF sẽ tổ chức hai hội nghị để lấy ý kiến các chuyên gia bóng đá đóng góp cho dự thảo tại Hà Nội (đã diễn ra ngày 17-2) và TP.HCM (ngày 23-2). Dự kiến trong quý 2 dự thảo sẽ hoàn thiện để Bộ VH-TT&DL trình Chính phủ xem xét và đưa vào thực hiện.

Một số mục tiêu của bóng đá VN được đề ra trong chiến lược: Giai đoạn 1 từ năm 2010-2020 phấn đấu đoạt ngôi vô địch AFF Cup hoặc SEA Games (từ 2-3 lần), đứng trong tốp 15 châu Á (bóng đá nam), xếp thứ 6-7 châu Á (bóng đá nữ).

Giai đoạn 2 từ 2021-2030, đội tuyển bóng đá nam hướng tới mục tiêu đứng trong tốp 10 châu Á đối với bóng đá nam, tốp 5 châu Á đối với bóng đá nữ. Năm 2020, VFF phấn đấu đạt nguồn thu 130-150 tỉ đồng/năm, bóng đá VN có khoảng 4.500 VĐV trẻ. Các CLB bóng đá chuyên nghiệp trong giai đoạn từ 2012-2015 phấn đấu đạt doanh thu 40-50 tỉ đồng/mùa giải; giai đoạn từ 2016-2020 đạt từ 60-70 tỉ đồng/mùa giải.

KHƯƠNG XUÂN  ghi

KHƯƠNG XUÂN  ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên